Chúa Giêsu mời gọi chúng ta

nhìn những điều tốt nơi người khác,

như Chúa vẫn làm

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn những điều tốt nơi người khác, như Chúa vẫn làm.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA 27-02-2022) - Trưa Chúa nhật, ngày 27 tháng Hai năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hơn 4,000 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngài tái lên án chiến tranh tại Ucraina và kêu gọi cứu trợ các nạn nhân.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ VIII thường niên năm C, trong đó Chúa Giêsu cảnh giác về thái độ chỉ thấy lỗi của người khác mà không chịu nhìn đến những sai lỗi của mình.

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin mừng phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy nghĩ về cái nhìn và lời nói của chúng ta.

Cái nhìn sai lệch

Trước hết về cái nhìn của chúng ta. Chúa nói: nguy cơ chúng ta gặp phải là chỉ nhìn cái rơm trong con mắt của người anh em, mà không nhận thấy cái xà trong mắt chúng ta (Xc Lc 6,41). Nói khác đi, thái độ rất chú ý đến những khuyết điểm của những người khác, cả những điều bé nhỏ như cọng rơm, mà lại không để ý đến những khuyết điểm của chúng ta, coi nhẹ chúng. Ðiều Chúa nói thật là đúng: chúng ta luôn tìm thấy những lý do để buộc tội người khác mà lại biện minh cho chính mình. Và bao nhiêu lần chúng ta than phiền vì những điều không ổn trong xã hội, trong Giáo hội, trên thế giới, mà không tìm cách xét mình trước và không dấn thân thay đổi bản thân. Chúa Giêsu giải thích rằng như thế là làm cho cái nhìn của chúng ta trở nên mù quáng. Và nếu chúng ta mù thì không thể tự nhận mình là người hướng dẫn và là thầy dạy những người khác: thực vậy, một người mù không thể hướng dẫn một người mù khác (Xc v.39).

Cần thanh tẩy cái nhìn

Anh chị em thân mến, Chúa mời gọi chúng ta hãy thanh tẩy cái nhìn của chúng ta. Trước tiên, Chúa yêu cầu chúng ta hãy nhìn vào nội tâm để nhận ra những lầm than của chúng ta. Vì nếu chúng ta không có khả năng nhận thấy những khuyết điểm của chúng ta thì chúng ta sẽ luôn luôn đi đến chỗ phóng đại những khuyết điểm của người khác. Trái lại, nếu chúng ta nhìn nhận những sai lầm của mình và những lầm than của chúng ta, thì cánh cửa thương xót sẽ được mở ra cho chúng ta. Và sau khi nhìn vào nội tâm của chúng ta, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn những người khác như Chúa vẫn làm, nhất là Chúa không nhìn thấy điều xấu, nhưng điều tốt. Thiên Chúa nhìn chúng ta như thế; Ngài không nhìn thấy nơi chúng ta những lỗi lầm không thể sửa chữa, nhưng là những người con sai lỗi. Thiên Chúa luôn phân biệt con người với những lầm lỗi của họ. Chúa luôn tin nơi con người và luôn sẵn sàng tha thứ những sai lỗi. Và Chúa mời gọi chúng ta làm như vậy: đừng tìm điều xấu nơi những người khác, nhưng điều tốt.

Suy tư về lời nói

Sau cái nhìn, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy tư về lời nói của chúng ta. Chúa giải thích rằng: "lòng đầy miệng mới nói ra" (v.45). Ðúng vậy, theo cách thức ăn nói, ta nhận thấy điều họ có trong lòng. Những lời nói chúng ta sử dụng cho thấy con người chúng ta. Nhưng nhiều khi, chúng ta ít chú ý đến những lời nói của chúng ta và chúng ta dùng nó một cách hời hợt. Nhưng lời nói là quan trọng: nó giúp chúng ta diễn tả tư tưởng và tình cảm, biểu lộ sự sợ hãi chúng ta có và những dự phóng chúng ta muốn thực hiện, chúc tụng Chúa và chúc lành cho người khác. Nhưng đáng tiếc là với cái lưỡi, chúng ta cũng có thể nuôi dưỡng những thành kiến, dựng lên những hàng rào, gây hấn và thậm chí hủy hoại những người anh em: tật nói hành nói xấu làm thương tổn và sự vu khống có thể sắc hơn con dao! Rồi ngày nay, đặc biệt trong thế giới kỹ thuật số, những lời nói lan đi mau lẹ; quá nhiều lời nói biểu lộ sự giận dữ và gây hấn, nuôi dưỡng những tin giả và lợi dụng sự sợ hãi tập thể để tuyên truyền những ý tưởng sai trái.

Một nhà ngoại giao, từng là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và được giải Nobel hòa bình, đã nói rằng "lạm dụng lời nói cũng tương đương với sự khinh rẻ con người" (D. Hammarkjoeld, Tracce di cammino, Magnano BI 1992, 131).

Vậy, chúng ta hãy tự hỏi thứ lời nói nào chúng ta sử dụng: những lời biểu lộ sự quan tâm, tôn trọng, thông cảm, gần gũi, cảm thương, hay là những lời chủ yếu tô đẹp chúng ta trước những người khác? Và rồi, chúng ta có nói một cách dịu dàng hoặc làm ô nhiễm thế giới bằng cách gieo vãi những thuốc độc: phê bình, than trách, nuôi dưỡng sự gây hấn lan tràn?

Rồi Ðức Thánh cha kết luận: Xin Mẹ Maria, Ðấng mà Thiên Chúa đã nhìn đến sự khiêm hạ, Ðức Trinh Nữ thinh lặng mà chúng ta cầu khẩn bây giờ, giúp chúng ta thanh tẩy cái nhìn và lời nói của chúng ta.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Ðức Thánh cha nhắc đến tình hình chiến tranh tại Ucraina và nói:

"Trong những ngày này, chúng ta kinh hoàng vì một điều thê thảm, đó là chiến tranh. Nhiều lần chúng ta đã cầu nguyện để người ta khỏi đi vào con đường đó. Và chúng ta không ngừng nói, hay đúng hơn là cầu khẩn Thiên Chúa một cách nồng nhiệt hơn. Vì thế, tôi tái mời gọi tất cả mọi người hãy dành thứ Tư, ngày 02 tháng Ba tới đây làm ngày ăn chay cầu nguyện cho Ucraina. Một ngày để gần gũi với những đau khổ của dân Ucraina, để cảm thấy tất cả chúng ta là anh chị em với nhau và khẩn cầu Thiên Chúa cho chiến tranh chấm dứt.

"Ai thực hiện chiến tranh thì quên nhân loại. Họ không đi từ dân, không nhìn đời sống cụ thể của con người, nhưng đặt trước mọi sự những lợi lộc phe phái và quyền bính. Người ta tín thác nơi tiêu chuẩn quỷ quái và sa đọa là võ khí, là điều rất xa thánh ý Chúa. Người ta xa cách các thường dân mong muốn hòa bình. và trong mọi chiến cuộc, thường dân là những nạn nhân đích thực, phải trả giá bằng chính cuộc sống của họ cho sự điên rồ của chiến tranh."

Ðức Thánh cha cũng kêu gọi nghĩ đến những người già, các bà mẹ và trẻ em. Cần mở các hành lang nhân đạo cho các nạn nhân chiến tranh, cũng như ngưng chiến ngay lập tức. Thiên Chúa ở với những người hoạt động cho hòa bình. Và ai yêu chuộng hòa bình thì phủ nhận chiến tranh, như Hiến pháp của Ý đã khẳng định. Ðức Thánh cha cũng kêu gọi đừng quên nạn nhân các cuộc chiến khác, như tại Yemen, Syria và Ethiopia...

Kế đó, Ðức Thánh cha chào thăm các tín hữu và khách hành hương, đặc biệt những người Ucraina hiện diện tại quảng trường.

Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm tất cả mọi người, các tín hữu Roma, Ý và những người hành hương từ nhiều nước khác.

Ðức Thánh cha chúc mọi người một Chúa nhật an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page