Chính quyền Israel rút lại dự án
nới rộng công viên Núi Cây Dầu
Chính quyền Israel rút lại dự án nới rộng công viên Núi Cây Dầu.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Jerusalem (RVA News 22-02-2022) - Trước sự phản đối mạnh mẽ của các vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô tại Thánh địa, chính quyền Israel đã rút lại dự án nới rộng công viên Núi Cây Dầu, nhắm kiểm soát một khu vực có nhiều nơi thờ phượng cổ kính, trong đó có Vương cung thánh đường Giệtsimani.
Kế hoạch nới rộng do cơ quan chính phủ đề ra, hôm 03 tháng Hai năm 2022. Dự án do cơ quan có tên là "Thẩm quyền về Thiên nhiên và Công viên của Israel", gọi tắt là Inpa, đề ra, nhắm mở rộng Công viên quốc gia "Tường Jerusalem", có từ thập niên 1970, để bao gồm cả các khu đất và tài sản của Kitô giáo ở mạn đông Thành thánh, trên đó có một số nơi thờ phượng cổ kính và các Ðền thánh rất nổi tiếng, một trong những nơi thánh thiêng nhất đối với các Kitô hữu, mỗi năm có hàng triệu tín hữu hành hương kính viếng.
Trước dự án này, các vị lãnh đạo Kitô ra thông cáo với chữ ký của cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa, Ðức Thượng phụ Chính thống Hy Lạp Theophilos III, và Ðức Thượng phụ Giáo hội Armeni Arch Nourhan Manougian, khẳng định rằng: "Các Giáo hội chúng tôi hết sức làm việc để bảo tồn tính chất thánh thiêng của Núi Cây Dầu và sự dễ dàng lui tới đây".
"Nhưng trong những năm gần đây, có nhiều tổ chức tìm cách giảm bớt tối đa, nếu không xóa bỏ được tất cả mọi vết tích không thuộc Do thái giáo tại Thành thánh, với mục đích thay đổi qui chế hiện hữu, Status Quo, của núi thánh này. Sự cộng tác giữa các Giáo hội Kitô đã làm cho những toan tính của họ thất bại, vì thế họ tìm cách tiến hành một kế hoạch nhắm biến khu vực rộng lớn của Núi Cây Dầu thành một công viên thiên nhiên".
Các vị lãnh đạo Kitô nhận xét rằng dự án này do cơ quan Inpa đề ra, nhưng đằng sau có những tổ chức chỉ nhắm trưng thu và quốc hữu hóa một trong những địa điểm thánh thiêng nhất, làm biến thái bản chất của nơi này. Ðó là một biện pháp "tàn bạo" và là một cuộc tấn công trực tiếp, có chủ ý, chống các Kitô hữu tại Thánh địa, kết quả của một "kế hoạch ý thức hệ".
Trước sự phản đối trên đây, tổ chức Inpa cho biết không có ý định xúc tiến dự án vừa nói nữa và không sẵn sàng thảo luận nếu không có sự phối hợp và đả thông với tất cả các chức sắc liên hệ, kể cả với các Giáo hội trong vùng này".
Theo tờ Israel Thời báo, kế hoạch không tước đoạt tài sản của các Kitô hữu, nhưng cho phép chính phủ Israel có quyền trên một vùng và các đất đai của người Palestine, ngoài các địa điểm tôn giáo, bao gồm cả Vương cung Thánh đường Giệtsimani. Ngoài ra, đàng sau bức bình phong của cơ quan môi trường, có những nhóm thực dân và các thành phần quốc gia chủ nghĩa Do thái hoạt động để củng cố sự hiện diện của Do thái giáo tại khu vực đông Jerusalem, như đang xảy ra tại khu phố Sheik Jarrah đang có tranh chấp. Sự bành trướng này là thành phần của một chiến lược rộng lớn để bao vây cổ thành và đảm bảo sự kiểm soát của các thành phần Do thái, trong thời gian gần đây đang trở thành một nguồn gia tăng căng thẳng giữa Israel và các vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô trong một thời kỳ, vốn đã có những tương quan khó khăn.
(Asia News 21-2-2022, AP 21-2-2022)