Ðức Tổng giám mục Hesse:
Liên hiệp Âu châu đối tượng của các tay buôn người
Ðức Tổng giám mục Hesse: Liên hiệp Âu châu đối tượng của các tay buôn người.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Hamburg (RVA News 10-02-2022) - Ðức cha Stefan Hesse, Tổng giám mục giáo phận Hamburg, Bắc Ðức, đặc trách về di dân và tị nạn thuộc Hội đồng Giám mục Ðức, đề cao trách nhiệm đặc biệt của Liên hiệp Âu châu trong cuộc chiến chống nạn buôn người.
Lên tiếng trong hội nghị trực tuyến, từ ngày 08 đến ngày 09 tháng Hai năm 2022, nhân Ngày Thế giới suy tư và cầu nguyện, chiến đấu chống nạn buôn người, với sự tham dự của hơn 100 nhân viên thuộc 21 nước, gồm các giám mục, luật gia, khoa học gia, đại diện giới chính quyền đặc trách chống nạn buôn người cũng như đại diện xã hội dân sự, thuộc nhóm "Nhà Trọ Thánh Marta", Ðức Tổng giám mục Hesse nói: "Xét cho cùng, Âu châu thường là đối tượng của những kẻ buôn người. Chúng thường đưa các nạn nhân vào đại lục này... Theo một ước lượng có hơn 40 người trên thế giới là nạn nhân của nạn nô lệ tân thời".
Nhóm Nhà Trọ Thánh Marta được Ðức Thánh cha Phanxicô mời gặp gỡ với nhau lần đầu tiên vào năm 2014, tại nơi ngài cư ngụ, với mục đích tìm biện pháp đẩy mạnh cuộc chiến chống nạn buôn người. Khóa họp năm nay dự kiến tiến hành tại giáo phận Koeln, bên Ðức nhưng nay được tiến hành dưới dạng trực tuyến vì đại dịch.
Lên tiếng tại Hội nghị, Ðức Hồng y Vincent Nichols, Tổng giám mục Westminster, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh quốc, tuyên bố rằng đại dịch làm cho gia tăng số người nô lệ, nạn nhân của nạn buôn người. Vì thế, Ðức Hồng y nói, Covid-19 cho thấy thật là cần liên kết với các cấp độ trong tinh thần trách nhiệm đối với những người dễ bị tổn thương.
Trong hội nghị, các tham dự viên cũng đưa ra những đề nghị hành động, ví dụ, ban hành luật hữu hiệu hơn chống nạn buôn người và được áp dụng trên cấp độ Liên hiệp Âu châu. Ông Kevin Hyland, chuyên gia tại Hội đồng Âu châu về nạn buôn người, nói đến dự luật chống cung cấp công nhân làm việc như nô lệ trong các hãng xưởng ở Ðức, mục đích là để các công nhân được đối xử trong sự tôn trọng các tiêu chuẩn căn bản về quyền con người, cấm lao động trẻ em và cưỡng bách lao động.
Ông Hyland, nguyên là Cao ủy của Anh quốc về việc bài trừ buôn người, nói rằng cho đến nay không có luật quốc tế trừng phạt tội sử dụng công nhân như nô lệ. Nay dự luật tại Ðức sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt. Luật này dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 01 tháng Giêng năm 2023: trước tiên đối với các công ty và hãng xưởng với hơn 3,000 nhân viên, và năm sau đó được áp dụng cho các hãng hơn 1,000 nhân viên. Hãng nào vi phạm sẽ bị trừng phạt nặng nề.
(Katholisch.de 8-2-2022)