Ðức Thánh cha chủ sự thánh lễ

Ngày Ðời sống Thánh hiến lần thứ XXVI

 

Ðức Thánh cha chủ sự thánh lễ Ngày Ðời sống Thánh hiến lần thứ XXVI.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 03-02-2022) - Lúc 5 giờ 30 chiều, ngày 02 tháng Hai năm 2022, Lễ Ðức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Ðền thánh và cũng là Ngày Thế giới về Ðời sống Thánh hiến lần thứ XXVI, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Ðền thờ thánh Phêrô.

Hồi năm 2021, vì đại dịch, nên Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ tại khu vực Bàn thờ Ngai tòa, trong Ðền thờ này và số người tham dự giới hạn, chỉ có hơn 100 tu sĩ nam nữ. Năm 2022, có đông đảo tu sĩ nam nữ và giáo dân được tham dự thánh lễ này.

Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có Ðức Hồng y João Aviz de Braz, người Brazil, Tổng trưởng Bộ các dòng tu, Ðức Tổng giám mục Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, dòng Phanxicô Tây Ban Nha, và khoảng ba mươi linh mục gồm các viên của Bộ này, một vài Bề trên Tổng quyền.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép nến do Ðức Thánh cha chủ sự và đi rước từ Bàn thờ chính tiến tới Bàn thờ Ngai tòa.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng, Ðức Thánh cha phân tích thái độ và việc làm của hai cụ già, ông Simeon và bà Anna tại Ðền thờ:

Cả hai được Thánh Linh thúc đẩy, vào đền thờ và nhận ra Chúa Cứu Thế trong sự bé nhỏ và mong manh của một Hài Nhi. Ðiều này trái ngược với nguy cơ chúng ta có thể gặp phải, đó là nhiều khi chúng ta nghĩ về sự thánh hiến của mình dưới khía cạnh kết quả, thành đạt: chúng ta bị thúc đẩy tìm kiếm những không gian, sự hữu hình và những con số. Trái lại, Chúa Thánh Linh không yêu cầu làm như vậy. Chúa muốn chúng ta vun trồng sự trung thành thường nhật, ngoan ngoãn đối với những điều bé nhỏ được ủy thác cho chúng ta. Thật là đẹp dường nào sự trung thành của ông Simeon và bà Anna, hằng ngày chờ đợi và cầu nguyện, cho dù thời gian qua đi và dường như chẳng có gì xảy ra. Họ chờ đợi cả đời, nhưng không nản chí và than vãn, trung thành hằng ngày, nuôi dưỡng ngọn lửa hy vọng mà Chúa Thánh Linh thắp lên trong tâm hồn họ.

Tiếp đến, cả hai đã nhận ra Chúa Kitô. Ðó là phép lạ của đức tin: đức tin mở mắt, biến đổi cái nhìn... Ðây không phải là một cái nhìn thơ ngây, tránh né thực tại hoặc làm bộ không thấy các vấn đề, nhưng là những đôi mắt biết nhìn bên trong, nhìn xa hơn.

Ðức Thánh cha đặt câu hỏi: "Ðôi mắt già của ông Simon, tuy mệt mỏi qua năm tháng, nhưng đã thấy Chúa, nhìn thấy ơn cứu độ. Phần chúng ta, chúng ta thấy gì với đôi mắt chúng ta? Chúng ta nhìn đời sống thánh hiến thế nào? Thế gian thường coi đời sống này như một sự uổng phí, một thực tại của quá khứ, một cái gì vô ích. Nhưng chúng ta, cộng đoàn Kitô, các tu sĩ nam nữ, chúng ta nhìn thấy gì? Phải chăng chúng ta nhìn về đằng sau, hoài tưởng những gì không còn nữa hay là chúng ta có khả năng nhìn xa trông rộng. Tôi rất hài lòng khi thấy những tu sĩ cao niên, với đôi mắt sáng, tiếp tục tươi cười mang lại hy vọng cho người trẻ.

Sau cùng là câu hỏi: chúng ta ẵm gì, ôm gì trong vòng tay? Ông Simeon đã ẵm Chúa Giêsu trong vòng tay (Xc v.28). Nhiều khi chúng ta có nguy cơ bị mất hút, chia trí trong hàng ngàn những công việc, quan tâm đến những điều phụ thuộc và chìm đắm trong bao nhiêu điều phải làm, nhưng trung tâm của mọi sự là Chúa Kitô, cần được đón nhận như Chúa của đời sống chúng ta.

Khi ông Simeon bồng ẵm Chúa Giêsu trong vòng tay, ông chúc tụng, ngợi khen và kinh ngạc. Nếu những người thánh hiến thiếu những lời chúc tụng Chúa và chúc lành cho những người khác, nếu họ thiếu niềm vui, thiếu đà tiến, nếu đời sống huynh đệ đối với họ chỉ là sự mỏi mệt, đó chính là vì vòng tay của chúng ta không còn bồng ẵm Chúa Giêsu nữa. Khi ấy, con tim khép kín, trong cay đắng và than vãn vì bao nhiêu điều không ổn. Trái lại, nếu chúng ta đón nhận Chúa Kitô với vòng tay rộng mở, đón tiếp cả tha nhân với lòng tín nhiệm và khiêm tốn, thì khi ấy những xung đột biến mất, các khoảng cách sẽ không chia rẽ nữa, và sẽ không còn cám dỗ muốn làm thương tổn phẩm giá của anh chị em nào đó.

Cuối thánh lễ, Ðức Hồng y Tổng trưởng João Aviz de Braz đã đại diện mọi người cám ơn Ðức Thánh cha.

(Rei 2-2-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page