Thánh lễ cầu nguyện cho nhân dân Tonga
Thánh lễ cầu nguyện cho nhân dân Tonga.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Roma (RVA News 25-01-2022) - Chiều ngày 24 tháng Giêng năm 2022, Ðức Hồng y Michael Czerny, Bộ trưởng lâm thời của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, đã chủ sự thánh lễ tại Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Maria, ở khu vực Trastevere, Roma, để cầu nguyện cho nhân dân tại quần đảo Tonga trong Thái Bình Dương, bị núi lửa ngầm phun hôm 15 tháng Giêng năm 2022. Buổi cầu nguyện do cộng đoàn thánh Egidio ở Roma tổ chức.
Sức nổ của núi lửa, theo các nhà khoa học, mạnh gấp 50 lần trái bom nguyên tử tại Hiroshima, bên Nhật. Rất may chỉ có ba người bị thiệt mạng, nhưng thiệt hại vật chất rất lớn lao và phải mất rất nhiều thời gian mới có thể trở lại đời sống bình thường. Dân chúng bị mất nhà cửa, đồn điền, máy móc và các dụng cụ để đánh cá và canh tác.
Ðức Hồng y Czerny 75 tuổi, dòng Tên người Canada gốc Tiệp, nói rằng: "Tonga là một địa danh ít được biết đến và là một thực tại xa lạ đối với chúng ta. Nhưng những người đau khổ không bao giờ xa cách chúng ta, những người mà trong Chúa Giêsu chúng ta luôn nhìn nhận là những người con được Chúa Cha yêu thương, được kêu gọi chia sẻ với gia đình nhận loại một vận mạng duy nhất, trong căn nhà chung là trái đất".
Ðức Hồng y cũng cho biết ngay từ lúc đầu, Caritas Tonga đã dùng các đồ cứu trợ do Caritas New Zealand cung cấp trước lễ Giáng sinh năm 2021, để giúp đỡ dân chúng, phân phối nước uống, lương thực, quần áo và chăn mền. Và hiện nay, Caritas New Zealand còn đang tìm cách gửi thêm đồ cứu trợ. Các tàu phải vượt qua hơn 2,400 cây số mới đến Tonga. Quốc gia đảo này chỉ có hơn 100,000 dân cư.
Trong bài giảng, Ðức Hồng y đã diễn dài bài đọc sách ông Gióp về sự đau khổ và sự bất lực của con người trước những bí nhiệm của đau khổ. Những thách đố đó buộc con người phải nhìn nhận mình không có câu trả lời cho mọi sự và không kiểm soát được mọi sự. Ðức Hồng y Czerny nói: "Xã hội đang sống dưới hai ảo tưởng lớn trong những thập niên gần đây. Một đàng, chúng ta có ảo tưởng mình luôn lành mạnh trong một thế giới đau yếu, một thế giới bị thương tổn vì những bóc lột khai thác, và đàng khác, chúng ta cũng lừa dối chính mình vì nghĩ mình toàn năng, chúng ta thống trị thiên nhiên, thế giới, như thể đây là công trình của chúng ta". Trong bối cảnh đó, chuyện ông Gióp có thể rất ý nghĩa đối với chúng ta vì tỏ cho chúng ta thấy sự tự phụ của chúng ta đứng trước thực tế, và trước mặt Thiên Chúa, đó là một thái độ gắn liền với tâm hồn con người, cả nơi những người công chính và đạo đức nhất".
(Vatican News, CNA 24-1-2022)