Ðức Thánh cha cử hành

thánh lễ Chúa nhật Lời Chúa

 

Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ Chúa nhật Lời Chúa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 23-01-2022) - Lúc 9 giờ 30 sáng Chúa nhật, ngày 23 tháng Giêng năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Ðền thờ thánh Phêrô, nhân dịp Chúa nhật Lời Chúa lần thứ III, với sự tham dự của khoảng 2,000 tín hữu. Ðây là con số tối đa được ấn định vì tình trạng đại dịch.

Ðồng tế với Ðức Thánh cha có hai mươi hai hồng y, giám mục và hơn một trăm linh mục. Ðặc biệt trong thánh lễ, lần đầu tiên Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức trao ban tác vụ giáo lý viên, đọc sách, giúp lễ cho tám giáo dân, trong đó có cả các phụ nữ.

Sau khi Tin mừng được công bố, tám ứng viên đọc sách và tám ứng sinh giáo lý viên được thầy phó tế mời gọi trình diện, xướng danh, và giới thiệu lên Giáo hội để lãnh nhận các thừa tác vụ.

Các ứng viên lãnh thừa tác vụ trên đây đến từ các nước Hàn Quốc, Pakistan, Ghana và một vài nơi tại Ý, có hai giáo dân đến từ Peru, hai người khác từ Brazil, hai từ Ba Lan và Tây Ban Nha. Vì giao thông khó khăn trong thời đại dịch hiện nay, hai ứng viên từ Congo và Uganda bên Phi châu không đến lãnh tác vụ được.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng tiếp đó, Ðức Thánh cha quảng diễn hai khía cạnh của Lời Chúa được gắn liền với nhau, đó là: Lời tỏ lộ Thiên Chúa và Lời đưa chúng ta đến con người.

Lời Chúa tỏ lộ Thiên Chúa

Trước tiên, Lời Chúa mạc khải Thiên Chúa. Ðức Thánh cha nói: "Vào đầu sứ mạng, Chúa Giêsu đã diễn giải về một đoạn sách Ngôn sứ Isaia loan báo Chúa đến để giải thoát người nghèo và những người bị áp bức (Lc 4,18). Vì thế, chính qua Kinh thánh, tôn nhan của Thiên Chúa được biểu lộ cho chúng ta như Ðấng chăm sóc sự nghèo nàn của chúng ta, quan tâm đến số phận của chúng ta. Thiên Chúa không phải là một ông chủ ngồi trên trời cao, nhưng là một người Cha theo dõi các bước đường của chúng ta. Chúa không phải là một người quan sát bàng quan và lãnh đạm, nhưng là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta, say mê cuộc sống của chúng ta và can dự đến độ khóc với chúng ta. Ngài không phải là một thần minh trung lập và dửng dưng, nhưng là Thần Trí yêu thương con người, bảo vệ, khuyên nhủ, đứng về phía chúng ta, chia sẻ đau khổ của chúng ta. Chúa sưởi ấm những mùa đông của chúng ta, soi sáng những ngày đen tối của chúng ta. Ngài muốn nâng đỡ những bước đi bấp bênh của chúng ta. Chúa làm điều đó bằng Lời Ngài, qua đó, Chúa nói với chúng ta để thắp lên niềm hy vọng trong những đám tro sợ hãi của bạn, làm cho bạn tìm được niềm vui trong những cung mê buồn sầu của bạn, để làm đầy hy vọng trong sự cay đắng vì cô đơn của bạn."

Và Ðức Thánh cha nói: "Anh chị em, chúng ta, hãy tự hỏi: chúng ta có mang trong tâm hồn mình hình ảnh giải thoát của Thiên Chúa, hay chúng ta nghĩ Chúa là một thẩm phán nghiêm khắc, một nhân viên quan thuế ngặt nghèo đối với cuộc sống chúng ta? Ðâu là khuôn mặt Thiên Chúa mà chúng ta loan báo trong Giáo hội? Phải chăng là Ðấng Cứu Ðộ giải thoát và chữa lành hay là Người Ðáng Sợ đè bẹp ta dưới những mặc cảm tội lỗi?... Lời Chúa nuôi dưỡng và canh tân đức tin: Chúng ta hãy đặt Lời Chúa ở trung tâm kinh nguyện và đời sống thiêng liêng!

Lời Chúa dẫn chúng ta đến con người

Sang đến khía cạnh thứ hai: Lời Chúa dẫn chúng ta đến con người. Ðức Thánh cha nói: "Chính khi chúng ta khám phá thấy rằng Thiên Chúa là tình yêu cảm thương, chúng ta chiến thắng cám dỗ khép mình trong một thứ đạo đức thánh thiêng, thu hẹp vào việc phụng tự bên ngoài, không đánh động và không biến đổi cuộc sống. Lời Chúa thúc đẩy chúng ta đi ra khỏi chính mình để bước đi, gặp gỡ các anh chị em với sức mạnh suy nhất, sức mạnh dịu dàng của tình thương giải thoát từ Thiên Chúa. Tại Hội đường ở Nazareth, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta điều này: Ngài được sai đi để gặp gỡ những người nghèo - là tất cả chúng ta - và giải thoát họ. Chúa không đến để giao một danh sách các qui luật hoặc cử hành vài lễ nghi tôn giáo, nhưng Chúa xuống những con đường trần thế để gặp gỡ nhân loại bị thương, vuốt ve những khuôn mặt đầy đau khổ, chữa lành những tâm hồn tan vỡ, giải thoát chúng ta khỏi những xiềng xích cầm tù linh hồn chúng ta.

Và Ðức Thánh cha nói: "Anh chị em, Lời Chúa thay đổi chúng ta, đi sâu vào trong tâm hồn như thanh gươm (Xc Dt 4,12). Vì một đàng, Lời Chúa an ủi, tỏ cho chúng ta khuôn mặt Thiên Chúa, nhưng đàng khác Lời Chúa thúc đẩy, đánh động, tỏ cho chúng ta thấy những mâu thuẫn của chúng ta. Lời Chúa không để yên chúng ta nếu phải trả giá sự yên hàn này là một thế giới bị xâu xé vì bất công và những người phải trả giá vẫn luôn là những người yếu thế. Lời Chúa làm cho những biện minh của chúng ta bị lung lay. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy xuất đầu lộ diện, không nấp sau những vấn đề phức tạp, không nấp sau lập luận "Chẳng có thể làm được gì" hoặc "tôi có thể làm được gì sao?" Lời Chúa nhắn nhủ chúng ta hãy hành động, liên kết việc phụng sự Thiên Chúa với việc chăm sóc con người.

Nhắc đến các người lãnh tác vụ đọc sách và giáo lý viên trong thánh lễ, Ðức Thánh cha nói: "Họ là những người được kêu gọi thi hành một công tác quan trọng là phục vụ Tin mừng của Chúa Giêsu, loan báo Tin mừng để sự an ủi, niềm vui và sự giải thoát của Chúa đi tới tất cả mọi người. Ðây cũng là sứ mạng của mỗi người chúng ta: đó là trở thành những người loan báo đáng tin cậy, những ngôn sứ của Lời Chúa trên thế giới. Vì thế, chúng ta hãy say mê Kinh thánh, để cho Lời Chúa đào sâu trong chúng ta. Lời Chúa biểu lộ sự mới mẻ của Thiên Chúa và làm cho chúng ta yêu mến tha nhân không biết mệt mỏi. Chúng ta hãy đặt Lời Chúa ở trung tâm việc mục vụ và đời sống của Giáo hội. Hãy lắng nghe, cầu nguyện và thực hành Lời Chúa".

Nghi thức trao ban tác vụ

Trao tác vụ đọc sách

Sau bài giảng, Ðức Thánh cha ngỏ lời với các ứng viên và nói: "Giờ đây, các con trở thành những người đọc sách, tức là những người loan báo Lời Chúa. Các con được kêu gọi cộng tác vào công tác hàng đầu này trong Giáo hội. Vì thế các con được trao phó một nhiệm vụ đặc biệt, đặt các con phục vụ đức tin, đức tin này có căn cội và nền tảng trong Lời Chúa.

"Các con hãy công bố Lời Chúa trong cộng đoàn phụng vụ, hãy giáo dục các trẻ em và người lớn về đức tin và hướng dẫn họ lãnh nhận xứng đáng các bí tích. Các con hãy loan báo Tin mừng cứu độ trong tinh thần truyền giáo cho những người chưa biết Tin mừng. Qua con đường này và với sự cộng tác của các con, nhiều người có thể được biết Chúa Cha và Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, mà Chúa Cha đã sai đi và nhờ đó họ sẽ được sự sống đời đời."

"Vì thế, điều cần thiết là trong khi các con loan báo cho người khác Lời của Thiên Chúa, chính các con hãy biết đón nhận Lời Chúa với tinh thần ngoan ngoãn hoàn toàn đối với Chúa Thánh Linh; các con hãy suy niệm Lời Chúa mỗi ngày để ngày càng biết rõ hơn, sâu đậm hơn, và nhất là làm chứng bằng chính cuộc sống của các con cho Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế".

Sau đó, mọi người đều đứng lên, trong khi các ứng viên đọc sách quỳ xuống, Ðức Thánh cha đọc lời nguyện trước khi trao sách Kinh thánh cho mỗi người và nói: "Con hãy nhận sách Kinh thánh này và trung thành thông truyền Lời Chúa, để Lời Chúa nảy mầm và mang lại hoa trái trong tâm hồn con người".

Ðặt làm giáo lý viên

Sau các nghi thức trên đây, Ðức Thánh cha nhắn nhủ các ứng sinh làm giáo lý viên và nói rằng: "Tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, trong tư cách được tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô linh mục, ngôn sứ và vua, họ có phần tích cực trong đời sống và hoạt động của Giáo hội. Trong số họ có một số người nhận được ơn gọi đặc biệt là thi hành các thừa tác vụ mà Giáo hội đã thiết lập.

"Giờ đây, các con là những người đã hoạt động tích cực trong cộng đoàn Kitô, các con được kêu gọi lãnh một thừa tác vụ bền vững, là làm giáo lý viên, để sống khẩn trương hơn tinh thần tông đồ, theo gương những người nam nữ đã giúp thánh Phaolô và các tông đồ khác trong việc phổ biến Tin mừng.

"Ước gì sứ vụ của anh chị em luôn ăn rễ sâu trong một cuộc sống cầu nguyện, được xây dựng trên đạo lý lành mạnh và được sự hăng say tông đồ chân chính linh hoạt.

"Các con hãy dẫn đến gần Giáo hội những người có lẽ đang sống xa lìa Hội thánh; hãy cộng tác với tinh thần tận tụy, quảng đại trong việc thông truyền Lời Chúa; hãy liên lỷ vun trồng cảm thức về Giáo hội địa phương, với tế bào là giáo xứ.

"Là những chứng nhân đức tin, là thầy dạy và là người giải thích các mầu niệm, là những người đồng hành và sư phạm giáo huấn nhân danh Giáo hội, các con được kêu gọi cộng tác với các thừa tác viên thánh chức trong nhiều hình thức tông đồ khác nhau, đồng trách nhiệm về sứ mạng được ủy thác cho Giáo hội, luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai hỏi các con về lý do tại sao các con hy vọng".

Tiếp đến, các ứng sinh quỳ gối trước mặt Ðức Thánh cha. Ngài mời gọi mọi người cầu nguyện trong thinh lặng, trước khi đọc lời nguyện xin Chúa chúc lành cho các con cái Chúa được chọn làm giáo lý viên, cộng tác với các mục tử trong nhiều hình thức để xây dựng nước Chúa.

Nghi thức kết thúc với việc Ðức Thánh cha trao thánh giá cho mỗi giáo lý viên và nói: "Con hãy nhận dấu hiệu đức tin của chúng ta, là tòa chân lý và bác ái của Chúa Kitô, hãy loan báo về Chúa bằng cuộc sống, hành động và lời nói.

Thánh giá Ðức Thánh cha trao cho mỗi giáo lý viên là bản sao thánh giá đeo ngực đã được hai thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II sử dụng.

Thánh lễ kéo dài 1 giờ 45 phút và kết thúc lúc 11 giờ 15. Mọi người có thời giờ để tiến ra Quảng trường thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha cùng các tín hữu hành hương khác.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page