Tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

tại Thánh địa

 

Tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô tại Thánh địa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Jerusalem (RVA News 21-01-2022) - Ðức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa của Giáo hội Công giáo Latinh Jerusalem, cho biết vấn đề đại kết là vấn đề thường nhật của các tín hữu Kitô tại Thánh địa, vấn đề sống chung với nhau, chứ không phải chỉ là vấn đề mục vụ mà thôi.

Tuyên bố với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi hôm 19 tháng Giêng năm 2022, Ðức Thượng phụ Pizzaballa kể rằng: "Tại Thánh địa này, giữa những căng thẳng, những cuộc xung đột chưa được giải quyết và chiến tranh, việc vượt thắng những khác biệt gây chia rẽ giữa các Giáo hội là một thách đố hằng ngày. Chỉ cần nghĩ đến những lịch phụng vụ khác nhau: có những Giáo hội theo lịch Gregoriano, những giáo hội khác theo lịch Giulianô. Cũng vì thế, tại Jerusalem, Tuần cầu nguyện hiệp nhất chỉ bắt đầu ngày 22 tháng Giêng năm 2022, tức là vào cuối lễ Giáng sinh 18 tháng Giêng năm 2022 của các tín hữu Armeni.

"Nói khác đi, Thánh địa và Jerusalem là một phòng thí nghiệm đại kết, là một thực tại được sống hằng ngày nơi các tín hữu tại đây, các gia đình Kitô, trong 90% các trường hợp, là những hôn phối hỗn hợp, Công giáo và Chính thống. Cuộc sống chung bó buộc chúng tôi phải để ý liên tục đến người khác, hằng ngày".

Ðức Thượng phụ nói thêm rằng: chắc chắn câu chuyện đại kết ở Thánh địa không thể chỉ giới hạn vào "những hình ảnh căng thẳng nơi Thánh Mộ Chúa Giêsu giữa các hệ phái Kitô khác nhau, thỉnh thoảng được truyền hình trình chiếu, vì những hình ảnh đó không nói lên chính xác thực tại đại kết Kitô tại Thánh địa, đang sống bằng ước muốn hiệp nhất của các tín hữu Kitô địa phương. Trong tư cách là mục tử của Giáo hội này, tôi có thể nói rằng sự mong muốn hiệp nhất này là điều mạnh mẽ đến từ phía các tín hữu. Dù đi đâu, trong các trường học, các thánh đường, trong các xứ đạo, tôi đều nhận thấy ước muốn này, đó là: "Chúng tôi muốn cùng nhau cử hành, muốn đứng chung với nhau, muốn nhìn thấy nhau".

Tuy nhiên, Ðức Thượng phụ Pizzaballa nhìn nhận rằng: "Có một thứ khó khăn từ phía dân chúng đối với các tổ chức Giáo hội, các tổ chức này có phần bị đóng khung hơn, do lịch sử, các vấn đề phụng vụ, pháp lý, Giáo hội, mà đa số các tín hữu cảm thấy không thể hiểu được. Các Kitô hữu tại đây muốn ở với nhau, cầu nguyện chung với nhau, sống như một cộng đoàn duy nhất. Sức đẩy đến từ bên dưới này thúc đẩy các tổ chức Giáo hội, cả phía bảo thủ nhất như các tín hữu Chính thống Hy Lạp, chấp nhận những thỏa hiệp, nhượng bộ". Về phương diện phụng vụ và Giáo hội, thì sự hiệp nhất đòi nhiều thời gian hơn, nhưng "sự hiệp nhất về mặt xã hội thì đã là một sự kiện trong thực tế. Nghĩa là "trong tư cách là các Giáo hội, chúng tôi ý thức rằng, vượt lên trên những khác biệt, chúng tôi cần phải nói bằng một tiếng nói duy nhất về phương diện chính trị và xã hội về tình trạng nói chung. Ðiều này trở nên hiển nhiên, được biểu lộ qua một loạt các tuyên ngôn chung về nhiều vấn đề địa phương".

(Sir 19-1-2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page