Thánh Giuse người thợ mộc:

Công việc là một thành phần cốt yếu để nên thánh

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Thánh Giuse người thợ mộc: Công việc là một thành phần cốt yếu để nên thánh.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 12-01-2022) - Lúc 9 giờ sáng, thứ Tư 12 tháng Giêng năm 2022, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 1,000 tín hữu hành hương, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Ðây là buổi tiếp kiến chung thứ hai trong năm 2022. Ngồi hàng đầu trong thính đường, có một số người khuyết tật và các đôi tân hôn.

Sau khi Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá khai mạc, đến phần tôn vinh Lời Chúa, với đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu (13,54-55.57) được các linh mục công bố bằng tám thứ tiếng:

"Khi về đến quê hương của Ngài, [Chúa Giêsu] giảng dạy trong hội đường của họ và dân chúng ngạc nhiên và nói: "Từ đâu ông được khôn ngoan và làm những việc lạ lùng này? Ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Và mẹ ông chẳng phải tên là Maria sao? [...] và đối với họ đó là cớ vấp phạm."

Bài huấn giáo

Trong bài huấn giáo tiếp đó, Ðức Thánh cha tiếp tục loạt bài về thánh Giuse. Bài thứ bảy này mang tựa đề: "Thánh Giuse, người thợ mộc".

Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

"Các thánh sử Matthêu và Marco định nghĩa thánh Giuse là "người thợ mộc". Chúng ta vừa nghe thấy dân chúng ở Nazareth, khi nghe Chúa Giêsu nói, họ tự hỏi: "Người kia chẳng phải con bác thợ mộc sao?" (13,55; Xc Mc 6,3). Chúa Giêsu thực hành nghề của cha.

Thánh Giuse làm nghề "gỗ"

Từ "tekton" tiếng Hy Lạp được dùng để chỉ công việc của thánh Giuse, đã được dịch ra bằng nhiều cách. Các Giáo phụ Latinh dịch là "người thợ mộc". Nhưng chúng ta để ý rằng tại Palestine thời Chúa Giêsu, ngoài việc được dùng để chế tạo các cầy bừa và các dụng cụ khác, gỗ cũng được dùng để cất nhà, gồm các cửa và cửa sổ cũng như mái, sân thượng bằng gỗ được làm bằng những xà liên kết với những cành và đất.

Vì thế, "falegname" hay "carpentiere" là một từ chung, chỉ người thợ làm nghề gỗ cũng như thợ làm nghề xây cất nhà. Ðó là một nghề tương đối vất vả, vì phải làm việc với vật liệu nặng, như gỗ, đá và sắt. Về phương diện kinh tế, nghề này không bảo đảm lợi tức lớn, như ta đi từ sự kiện Mẹ Maria và thánh Giuse, khi dâng Chúa Giêsu vào Ðền thờ, chỉ dâng một đôi chim gáy hoặc bồ câu (Xc Lc 2,24), như qui định của Luật dành cho những người nghèo (Xc Lc 12,8).

Chúa Giêsu con bác thợ mộc

Vì thế, Chúa Giêsu niên thiếu đã học từ cha nghề này. Do đó, khi trưởng thành, Ngài bắt đầu rao giảng, những người đồng hương ngạc nhiên tự hỏi: "Từ đâu ông ta được sự khôn ngoan và những điều lạ lùng này?" (Mt 13,54), tại sao ông nói như các tiến sĩ luật, các chuyên gia Kinh thánh, và họ vấp phạm về Ngài (Xc v.57).

Thảm trạng trong lãnh vực lao động

Ðức Thánh cha bình luận rằng: "Chi tiết tiểu sử này của thánh Giuse và Chúa Giêsu làm cho tôi nghĩ đến tất cả các công nhân trên thế giới, đặc biệt những người làm những công việc làm hao mòn sức khỏe trong các hầm mỏ và tại một số công xưởng; tôi nghĩ tới những người bị bóc lột bằng việc làm đen; tới các nạn nhân lao động, các trẻ em buộc lòng phải làm việc và những em bới rác để tìm cái gì đó hữu dụng để bán... Tôi muốn lập lại điều tôi đã nói: chúng ta hãy nghĩ đến những công nhân lén lút, những người bị bóc lột bằng việc làm đen, làm lậu, mang lại lợi tức cho những kẻ buôn lậu, không có tiền hưu, chẳng có gì cả. Bao nhiêu trẻ em phải làm việc ở tuổi chơi đùa, phải làm việc như người lớn...

Tôi cũng nghĩ đến những người không có việc làm; những người có lý mà cảm thấy bị thương tổn trong phẩm giá của họ, vì không tìm được một việc làm. Nhiều người trẻ, nhiều người cha và nhiều bà mẹ ở trong thảm trạng không có việc làm để có thể sống thanh thản. Và bao nhiêu lần sự tìm việc làm trở nên bi thảm đến độ khiến họ mất mọi hy vọng và ước muốn sống. Trong thời đại dịch này, bao nhiêu người bị mất việc làm và một số khác, bị đè bẹp vì một gánh nặng không thể chịu nổi, đến độ quyên sinh. Ngày hôm nay, tôi muốn tưởng niệm mỗi người trong họ và gia đình họ."

Sau một phút cầu nguyện trong thinh lặng cho các nạn nhân, Ðức Thánh cha nói tiếp:

Tầm quan trọng của lao công

"Người ta không để ý đủ đến sự kiện công việc là một thành phần cốt yếu trong cuộc sống con người, và cả trên con đường nên thánh. Làm việc không những để được đồng lương xứng đáng: đó cũng là nơi trong đó ta biểu lộ chính mình, cảm thấy hữu ích và học bài học lớn trong sự cụ thể, giúp cuộc sống thiêng liêng không trở thành duy linh. Rất tiếc là công việc thường trở thành con tin của bất công xã hội và không những là một phương thế hạ nhục, nhưng còn trở thành ở ngoài lề cuộc sống. Bao nhiêu lần tôi tự hỏi: với tinh thần nào chúng ta thi hành công việc hằng ngày? Chúng ta có thấy hoạt động của chúng ta không những gắn liền với vận mệnh của chúng ta nhưng với cả vận mệnh của những người khác nữa hay không? Thực vậy, công việc là một cách biểu lộ nhân cách của chúng ta, tự bản chất nó có tính đặc tính tương quan.

Cần phục hồi giá trị của lao công

Thật là đẹp khi nghĩ rằng chính Chúa Giêsu đã làm việc và đã học nghề từ thánh Giuse. Ngày nay, chúng ta phải tự hỏi chúng ta có thể làm gì để phục hồi giá trị của lao công; và trong tư cách là Giáo hội, chúng ta có thể làm để lao công được cứu khỏi các tiêu chuẩn thuần túy lợi nhuận và có thể được sống như một quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của con người, biểu lộ và gia tăng nhân phẩm.

Cầu nguyện với thánh Giuse

Anh chị em thân mến, vì tất cả những điều đó, hôm nay tôi muốn cùng với anh chị em đọc kinh mà thánh Phaolo VI dâng lên thánh Giuse, vào ngày 01 tháng Năm năm 1969:

"Lạy thánh Giuse, Bổn mạng Giáo hội, cạnh Ngôi Lời nhập thể, thánh nhân đã làm việc mỗi ngày để mưu sinh, kín múc từ Người sức mạnh để sống và chịu cơ cực; thánh Giuse đã cảm thấy lo âu cho ngày mai, sự cay đắng của nghèo đói, sự bấp bênh của việc làm:

"Thánh Giuse đang chiếu tỏa tấm gương con người khiêm tốn của ngài trước loài người, nhưng rất lớn lao trước mặt Thiên Chúa, xin bảo vệ các công nhân trong cuộc sống vất vả hằng ngày của họ, bảo hệ họ khỏi sự nản chí, khỏi cuộc nổi loạn chối bỏ, cũng như khỏi cám dỗ duy khoái lạc và xin gìn giữ hòa bình trên thế giới, nền hòa bình duy nhất có thể bảo đảm sự phát triển các dân tộc. Amen".

Chào thăm và nhắn nhủ

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Ðức Thánh cha, như thường lệ, được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Ðức Thánh cha.

Bằng tiếng Pháp, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các bạn trẻ thuộc giáo phận Tarbes, được Ðức giám mục Emmanuel Gobillard, Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Lyon hướng dẫn. Ngài nói: "Ước gì nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse, những người trẻ, các cha mẹ đang thất nghiệp, và những người sống trong tình trạng bấp bênh và lo âu, vì gia đình họ, có công ăn việc làm để có cuộc sống xứng đáng và thanh thản".

Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắn nhủ các tín hữu hành hương hãy cùng với thánh Giuse người thợ mộc, xin Chúa cho thế giới ngày nay được nhạy cảm ơn với giá trị nhân bản và tinh thần của lao công. Thực vậy, như thánh Gioan Phaolô đã nói: "nhờ công việc làm, qua đó thánh Giuse cùng thi hành nghề với Chúa Giêsu, thánh nhân đưa lao công con người đến gần mầu nhiệm Cứu Chuộc" (Redemptoris custos, 22).

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt chào thăm các thành viên tu hội đời thánh Luigi Orione, và nói thêm rằng ước gì con người của thánh Giuse, người thợ mộc khiêm tốn ở Nazareth hướng dẫn chúng ta đến cùng Chúa Kitô, nâng đỡ những người đang hoạt động cho thiện ích và chuyển cầu cho những người bị mất công ăn việc làm hoặc không tìm được việc làm.

Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm những người cao niên, bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn, đồng thời nói rằng Chúa nhật vừa qua, chúng ta đã cử hành Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, là cơ hội thuận tiện để nghĩ lại phép rửa tội ta đã nhận lãnh trong niềm tin của Giáo hội. Anh chị em hãy khám phá ơn thánh đến từ Bí tích này và hãy biết biểu lộ ơn ấy trong những dấn thân hằng ngày trong cuộc sống.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page