Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô

Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân Lần Thứ 30

Ngày 11 tháng 2 năm 2022

 

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân Lần Thứ 30 Ngày 11 tháng 2 năm 2022.

Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Ðặng Minh An

Vatican (VietCatholic News 5-01-2022) - Hàng năm vào ngày 11 tháng 2, Giáo Hội mừng Lễ Ðức Mẹ Lộ Ðức. Ðó cũng là Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích về tương quan của hai ngày lễ này như sau: Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân là một cố gắng để tái khám phá "quan hệ sâu sắc" giữa Ðức Mẹ và những người đau yếu.

"Ðiều đáng nói là có một sự liên kết gần gũi giữa Ðức Mẹ Lộ Ðức và thế giới những người đau khổ và yếu đau. Trong đền thánh vươn lên bên cạnh hang đá Massabielle, những bệnh nhân luôn là những người được ưu tiên và theo giòng thời gian, Lộ Ðức đã trở nên một cứ điểm thật sự của đời sống và hy vọng. Nguồn suối phun lên từ lòng đất, mà Ðức Mẹ đã mời Bernadette uống, mang đến sức mạnh của Thần Khí Chúa Kitô, là điều chữa lành con người hoàn toàn và mang đến cho con người sự sống muôn đời".

Theo ý hướng đó, ngày thứ Sáu 11 tháng 2 năm 2022, Giáo Hội trên toàn thế giới sẽ cử hành Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân.

Sứ điệp nhân ngày này, được công bố hôm 4 tháng Giêng năm 2022, có chủ đề là một câu trích từ Phúc Âm theo Thánh Luca (Lc 6:36) "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ". Ðứng bên cạnh những người đau khổ trên con đường bác ái.

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ:

 

"Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ" (Lc 6,36).

Ðứng bên cạnh những người đau khổ trên con đường bác ái

Anh chị em thân mến,

Cách đây 30 năm, Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân để khuyến khích dân Chúa, các tổ chức y tế Công Giáo và xã hội dân sự ngày càng chú ý hơn đến người bệnh và những người chăm sóc họ. [1]

Chúng ta biết ơn Chúa về những tiến bộ đạt được trong những năm qua tại các Giáo Hội địa phương trên toàn thế giới. Nhiều tiến bộ đã được thực hiện, tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để bảo đảm rằng tất cả những bệnh nhân, cũng như những người sống trong những nơi và những hoàn cảnh nghèo khó và thiệt thòi, có thể nhận được sự chăm sóc sức khỏe mà họ cần, cũng như sự chăm sóc mục vụ có thể giúp họ trải qua bệnh tật trong sự kết hợp với Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh. Cầu mong Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân lần thứ ba mươi - mà lẽ ra thánh lễ bế mạc sẽ diễn ra ở Arequipa, Peru, nhưng vì đại dịch coronavirus sẽ được cử hành tại Ðền Thờ Thánh Phêrô ở Vatican - giúp chúng ta phát triển trong sự gần gũi và phục vụ người bệnh và những gia đình của họ.

1. Nhân từ như Chúa Cha

Chủ đề được chọn cho Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân lần thứ ba mươi này là "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ" (Lc 6,36), trước tiên khiến chúng ta hướng cái nhìn về Thiên Chúa, Ðấng "giàu lòng thương xót" (Ep 2: 4); Ngài luôn dõi theo những đứa con của mình với tình yêu của một người cha, ngay cả khi chúng quay lưng lại với Ngài. Lòng thương xót là danh của Thiên Chúa tuyệt hảo; lòng thương xót, được hiểu không phải là một cảm giác ủy mị chợt đến chợt đi mà là một động lực luôn hiện hữu và tích cực, thể hiện chính bản chất của Thiên Chúa. Lòng thương xót kết hợp sức mạnh và sự dịu dàng. Vì lý do này, chúng ta có thể nói với đầy nỗi bồi hồi và biết ơn rằng lòng thương xót của Thiên Chúa bao trùm cả tình phụ tử và tình mẫu tử (x. Is 49:15). Thiên Chúa chăm sóc chúng ta bằng sức mạnh của một người cha và sự dịu dàng của một người mẹ; Ngài không ngừng mong muốn ban cho chúng ta sự sống mới trong Chúa Thánh Thần.

2. Chúa Giêsu, lòng nhân từ của Chúa Cha

Chứng nhân tối cao về tình yêu thương xót của Chúa Cha dành cho các bệnh nhân là Con một của Thiên Chúa. Biết bao lần các sách Phúc âm đã kể lại những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người mắc nhiều loại bệnh khác nhau! Ngài "đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân." (Mt 4:23). Chúng ta cũng nên tự hỏi tại sao Chúa Giêsu lại tỏ ra quan tâm đến những người đau yếu như vậy, đến nỗi Người coi đó là điều tối quan trọng trong sứ mệnh của các tông đồ, những người được Thầy sai đi loan báo Tin Mừng và chữa lành những người bệnh (x. Lc. 9: 2).

Một nhà triết học ở thế kỷ 20 gợi ý rằng lý do cho điều này là "Nỗi đau cô lập con người một cách tuyệt đối, và sự cô lập tuyệt đối làm nảy sinh nhu cầu thu hút người khác, kêu gọi người khác". [2] Khi các cá nhân trải qua sự yếu đuối và đau khổ trong xương thịt của mình do bệnh tật, trái tim của họ trở nên nặng nề, nỗi sợ hãi lan rộng, sự bất định nhân lên và những câu hỏi về ý nghĩa của những gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ trở nên cấp bách hơn. Về phương diện này, làm sao chúng ta có thể quên được tất cả những bệnh nhân, những người đã phải trải qua những giờ phút cuối cùng của cuộc đời dương thế trong cô đơn, trong một phòng chăm sóc đặc biệt, được hỗ trợ bởi các nhân viên y tế quảng đại, nhưng lại phải xa những người thân yêu của họ và những người quan trọng nhất trong cuộc đời của họ? Ðiều này giúp chúng ta thấy tầm quan trọng của sự hiện diện bên cạnh chúng ta của những chứng nhân cho lòng bác ái của Thiên Chúa, những người, theo gương Chúa Giêsu, là lòng thương xót của Chúa Cha, xoa dầu an ủi và đổ rượu hy vọng lên vết thương của bệnh nhân. [3]

3. Ðược chạm vào xác thịt đau khổ của Chúa Kitô

Lời mời gọi thương xót như Chúa Cha của Chúa Giêsu có ý nghĩa đặc biệt đối với các nhân viên y tế. Tôi nghĩ đến tất cả những bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nhân viên hỗ trợ và người chăm sóc các bệnh nhân, cũng như rất nhiều tình nguyện viên đã dành thời gian quý báu của họ để hỗ trợ những người đau khổ. Các nhân viên y tế thân mến, sự phục vụ của anh chị em bên cạnh các bệnh nhân, được thực hiện bằng tình yêu và khả năng chuyên môn, vượt qua những giới hạn nghề nghiệp của anh chị em, và trở thành một sứ mệnh. Bàn tay của anh chị em, chạm vào da thịt đau khổ của Chúa Kitô, có thể là dấu chỉ của bàn tay nhân từ của Chúa Cha. Hãy lưu tâm đến phẩm giá tuyệt vời của nghề nghiệp mình, cũng như các trách nhiệm gắn liền với nghề nghiệp đó.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa về những tiến bộ mà khoa học y tế đã đạt được, đặc biệt là trong thời gian gần đây; các công nghệ mới đã giúp điều chế các liệu pháp điều trị giúp ích cho các bệnh nhân; các nghiên cứu tiếp tục mang đến các đóng góp có giá trị để loại bỏ các bệnh lý cũ và mới; y học phục hồi chức năng đã mở rộng chuyên môn và kỹ năng của mình rất nhiều. Tuy nhiên, không điều gì trong số những điều này có thể làm cho chúng ta quên đi tính độc đáo của mỗi bệnh nhân, phẩm giá và sự yếu đuối của họ. [4] Bệnh nhân luôn quan trọng hơn bệnh tật của họ, và vì lý do này, không có phương pháp điều trị nào có thể ngăn cản việc lắng nghe bệnh nhân, tiền sử, lo lắng và sợ hãi của họ. Ngay cả khi không thể chữa lành, vẫn luôn có thể chăm sóc họ. Luôn có thể an ủi, luôn có thể khiến mọi người cảm thấy sự gần gũi, quan tâm đến người đó hơn là bệnh lý của người đó. Vì lý do này, tôi hy vọng rằng chương trình đào tạo được cung cấp cho các nhân viên y tế có thể giúp họ phát triển khả năng lắng nghe và liên hệ với những người khác.

4. Các trung tâm chăm sóc như "những ngôi nhà của lòng thương xót"

Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân cũng là một dịp tốt để tập trung sự chú ý của chúng ta vào các trung tâm chăm sóc. Trong nhiều thế kỷ, việc bày tỏ lòng thương xót đối với người bệnh đã khiến cộng đồng Kitô mở ra vô số "nhà trọ của người Samaritanô nhân hậu", nơi có thể dành tình yêu thương và sự chăm sóc cho những người mắc nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là những người không được đáp ứng nhu cầu sức khỏe vì nghèo đói hoặc vì bị xã hội loại trừ hoặc gặp những khó khăn liên quan đến việc điều trị một số bệnh lý. Trong những tình huống này, trẻ em, người già và những người ốm yếu thường phải trả giá đắt nhất. Thương xót như Chúa Cha, vô số nhà truyền giáo đã kết hợp việc rao giảng Tin Mừng với việc xây dựng bệnh viện, trạm xá và nhà chăm sóc. Ðây là những phương tiện quý giá nhờ đó lòng bác ái của Kitô Hữu trở nên hữu hình và tình yêu của Chúa Kitô, qua chứng tá của các môn đệ Ngài, trở nên đáng tin hơn. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người ở những khu vực nghèo nhất trên hành tinh của chúng ta, nơi đôi khi cần phải đi một quãng đường dài để tìm các trung tâm điều trị, là những nơi mặc dù với nguồn lực hạn chế, vẫn cung cấp những gì sẵn có. Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải tiến bước; ở một số quốc gia, việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc đầy đủ vẫn còn là điều xa xỉ. Chúng ta thấy rõ điều này, chẳng hạn, trong sự khan hiếm vắc-xin có sẵn để chống lại Covid-19 ở các nước nghèo; nhưng thậm chí còn thiếu nhiều hơn nữa các phương pháp điều trị cho những căn bệnh cần những loại thuốc đơn giản hơn nhiều.

Trong bối cảnh này, tôi muốn tái khẳng định tầm quan trọng của các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công Giáo: chúng là một kho tàng quý giá cần được bảo vệ và gìn giữ; sự hiện diện của các cơ sở này đã làm nổi bật lịch sử của Giáo Hội, cho thấy sự gần gũi của Giáo Hội với những bệnh nhân và người nghèo, cũng như những tình huống bị lơ là. [5] Có bao nhiêu các vị thành lập các gia đình tôn giáo đã lắng nghe tiếng kêu của anh chị em mình, những người không được chăm sóc hoặc được chăm sóc kém, và đã hết mình phục vụ! Ngày nay, ngay cả ở những nước phát triển nhất, sự hiện diện của các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công Giáo là một phúc lành, vì ngoài việc chăm sóc cơ thể bằng tất cả các chuyên môn cần thiết, họ luôn có thể trao tặng món quà bác ái, tập trung vào bản thân người bệnh và gia đình của họ. Vào thời đại mà văn hóa lãng phí còn phổ biến và sự sống không phải lúc nào cũng được thừa nhận là đáng được chào đón và đáng sống, những công trình kiến trúc này, giống như "những ngôi nhà của lòng thương xót", có thể là mẫu mực trong việc bảo vệ và chăm sóc mọi sự sống, dù là mong manh nhất, từ lúc khởi đầu cho đến lúc kết thúc tự nhiên của nó.

5. Lòng thương xót mục vụ: hiện diện và gần gũi

Trong ba mươi năm qua, việc chăm sóc sức khỏe mục vụ cũng được ngày càng được công nhận là sứ vụ không thể thiếu. Nếu sự phân biệt đối xử tồi tệ nhất mà người nghèo phải gánh chịu - kể cả các bệnh nhân, và người có sức khỏe kém - là thiếu sự quan tâm về mặt thiêng liêng, thì chúng ta không thể không cống hiến cho họ sự gần gũi của Thiên Chúa, lời chúc phúc và Lời Chúa, cũng như việc cử hành các bí tích và cơ hội cho một hành trình thăng tiến và trưởng thành trong đức tin. [6] Về vấn đề này, tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng việc gần gũi các bệnh nhân và chăm sóc mục vụ cho họ không chỉ là nhiệm vụ của một số thừa tác viên được chỉ định cụ thể; đi thăm các bệnh nhân là một lời mời gọi mà Chúa Kitô ngỏ với tất cả các môn đệ của Người. Bao nhiêu người già bệnh tật đang ở nhà chờ người đến thăm! Mục vụ an ủi là một nhiệm vụ của mỗi người đã được rửa tội, hãy lưu tâm đến lời Chúa Giêsu: "Ta đau yếu và các ngươi đã đến thăm Ta" (Mt 25:36).

Anh chị em thân mến, tôi xin phó thác cho sự chuyển cầu của Ðức Maria, Ðấng là Sức Khoẻ của những ai đau yếu, tất cả các bệnh nhân và gia đình của họ. Cầu xin cho họ khi kết hợp với Chúa Kitô, Ðấng gánh chịu nỗi đau của thế giới, có thể tìm thấy ý nghĩa, sự an ủi và tin cậy. Tôi cầu nguyện cho các nhân viên y tế ở khắp mọi nơi, để họ giàu lòng thương xót, và có thể cung cấp cho các bệnh nhân sự chăm sóc thích hợp, và đồng thời sự gần gũi huynh đệ của họ.

Với tất cả mọi người, tôi thân ái ban Phép lành Tòa Thánh.

+ Ðức Thánh Cha Phanxicô

Rôma, Ðền Thờ Thánh Gioan Latêranô, 10 tháng 12 năm 2021, Lễ Nhớ Ðức Mẹ Loreto.

- - - - - - - - - - - - - -

[1] Xem Thánh Ðức Gioan Phaolô II, Thư gửi Ðức Hồng Y Fiorenzo Angelini, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Chăm sóc Sức khỏe Nhân viên Y tế, về việc Thành lập Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân (13 tháng 5 năm 1992).

[2] E. Lévinas, "Une éthique de la souffrance", in Souffaces. Corps et âme, épreuves partagées, được biên tập bởi J.-M. von Kaenel, Autrement, Paris 1994, trang 133-135.

[3] Xem Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng chung VIII, Chúa Giêsu người Samaritanô nhân hậu.

[4] Xem Phát biểu trước Liên đoàn Quốc gia về Các Bác sĩ và Bác sĩ phẫu thuật Nha khoa, ngày 20 tháng 9 năm 2019.

[5] Xem huấn dụ buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật từ Bệnh viện Gemelli, Rome, ngày 11 tháng 7 năm 2021.

[6] Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Phúc Âm (24 tháng 11 năm 2013), 200.

 

(Source: Holy See Press OfficeMESSAGE OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS FOR THE THIRTIETH WORLD DAY OF THE SICK February 11, 2022)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page