Hãy học nơi thánh Giuse,

phản ứng lại sợ hãi bằng niềm tín thác

nơi sự quan phòng của Thiên Chúa

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Hãy học nơi thánh Giuse, phản ứng lại sợ hãi bằng niềm tín thác nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 29-12-2021) - Lúc 9 giờ sáng thứ Tư, ngày 29 tháng Mười Hai năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng hơn 5,000 tín hữu hành hương, tại Ðại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Ðây là buổi tiếp kiến chung thứ 43 và cũng là cuối cùng của năm 2021.

Sau khi Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá khai mạc, mọi người nghe đọc đoạn Tin mừng theo thánh Mathêu (2,13-13) thuật lại lời thiên thần dạy thánh Giuse mang Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập:

"Khi các Ðạo sĩ đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với thánh Giuse trong lúc ngủ và bảo: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập và ở đó cho đến khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Giuse thức dậy, đem Hài Nhi và Mẹ Người lên đường trốn sang Ai Cập đang lúc ban đêm và ở đó cho đến khi Hêrôđê băng hà".

Bài huấn giáo

Trong huấn từ tiếp đó, Ðức Thánh cha đã tiếp tục loạt bài về thánh Giuse. Bài thứ năm này mang tựa đề: "Thánh Giuse, người di dân bị bách hại và can đảm".

Ðức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Ngày nay còn nhiều người di dân và tị nạn

Hôm nay, tôi muốn trình bày với anh chị em thánh Giuse như người di dân bị bách hại và can đảm. Thánh sử Matthêu mô tả như thế. Biến cố đặc biệt này trong đời sống của Chúa Giêsu có cả những nhân vật chính là thánh Giuse và Mẹ Maria, theo truyền thống chuyện này được biết đến như "cuộc chạy trốn sang Ai Cập" (Xc Mt 2,13-23). Thánh gia Nazareth đã chịu tủi nhục ấy và đích thân cảm nghiệm sự bấp bênh, sợ hãi, đau khổ vì phải rời bỏ quê hương. Ngày nay vẫn còn bao nhiêu anh chị em chúng ta buộc lòng phải sống cùng những bất công và đau khổ như vậy. Nguyên nhân hầu như luôn luôn là sự kiêu ngạo và bạo lực của những kẻ cường quyền. Ðối với Chúa Giêsu cũng đã xảy ra như vậy.

Thái độ của Hêrôđê

Vua Hêrôđê biết được qua các Ðạo sĩ về sự giáng sinh của "vua người Do Thái", và tin này làm cho ông bị sốc. Ông cảm thấy bị đe dọa trong quyền hành của mình. Vì thế, ông triệu tập tất cả giới hữu trách ở Jerusalem để tìm hiểu thêm về nơi sinh, và yêu cầu các Ðạo sĩ cho ông biết chính xác nơi sinh ra của vua ấy, để - ông nói dối - mình cũng có thể đến thờ lạy Người. Nhưng khi được biết các Ðạo sĩ đã đi con đường khác để về nước, vua Hêrôđê có một kế hoạch gian ác, đó là giết tất cả các hài nhi ở Bethlehem từ hai tuổi trở lên.

Những báo trước trong Cựu ước

Trong khi đó một thiên thần truyền cho thánh Giuse: "Hãy trỗi dậy mang Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập và hãy ở đó cho đến khi tôi báo cho ông. Thực vậy, Hêrôđê muốn tìm để giết Hài Nhi" (Mt 2,13). Kế hoạch của Hêrôđê gợi lại kế hoạch của vua Pharaon quẳng xuống sông Nilo tất cả các nam hài nhi của dân Israel (Xc Xh 1,22). Và cuộc chạy trốn sang Ai Cập gợi lại toàn thể lịch sử cứu độ của Israel, bắt đầu từ Abraham, người đã từng cư ngụ tại Ai Cập (Xc St 12,10) cho đến ông Giuse, con Giacob, bị các anh bán (Xc St 37,36), rồi trở "thành thủ lãnh cả nước" (Xc St 41,37-57); và Môisê, người đã giải thoát dân khỏi ách nô lệ Ai Cập (Xc Xh 1,18).

Hai nhân vật tương phản

Cuộc chạy trốn của Thánh gia sang Ai Cập cứu Chúa Giêsu, nhưng không cấm cản được Hêrôđê thực hiện cuộc thảm sát. Thế là chúng ta đứng trước hai nhân vật đối nghịch nhau: Một bên là Hêrôđê tàn ác và bên kia là thánh Giuse, với sự ân cần và can đảm. Hêrôđê muốn bảo vệ quyền lực của mình bằng sự tàn ác dữ dằn, như những cuộc hành quyết của ông đối với một trong những người vợ của ông, một vài người con của ông và hàng trăm người chống đối. Ông là biểu tượng của bao nhiêu bạo chúa trong quá khứ và ngày nay; và con người trở thành "lang sói" đối với người khác. Lịch sử đầy những nhân vật sống tùy thuộc sự sợ hãi của họ, tìm cách thắng sợ hãi, qua sự thi hành quyền hành một cách độc đoán và thực hiện những chủ đích bạo lực vô nhân đạo. Nhưng chúng ta không được nghĩ rằng ta chỉ ở trong đường hướng của Hêrôđê, nếu ta trở thành bạo chúa; trong thực tế, đó là một thái độ mà tất cả chúng ta có thể rơi vào trong đó, mỗi khi chúng ta tìm cách xua đuổi sự sợ hãi của chúng ta bằng sự kiêu hãnh, kể cả bằng lời nói hoặc bằng những lạm dụng nhỏ để hành hạ những người xung quanh.

Thánh Giuse trái ngược với Hêrôđê: trước tiên thánh nhân là "một người công chính" (Mt 1,19); ngoài ra, ngài tỏ ra can đảm trong việc thi hành lệnh của thiên thần. Ta có thể tưởng tượng những cơ cực thánh Giuse phải chịu trong hành trình dài và nguy hiểm, cũng như những khó khăn trong sự lưu ngụ tại một nước xa lạ. Lòng can đảm của thánh nhân cũng trổi vượt khi trở về, sau khi được thiên thần trấn an, ngài đã vượt thắng những lo sợ dễ hiểu, và cùng với Mẹ Maria và Chúa Giêsu, thánh nhân định cư ở Nazareth (Xc Mt 2,19-23). Hêrôđê và thánh Giuse là hai nhân vật ngược nhau, phản ánh hai mặt của nhân loại ngàn đời. Thật là một sai lầm thường thấy khi coi can đảm như một nhân đức chỉ dành cho người anh hùng. Trong thực tế, cuộc sống thường nhật của mỗi người đòi phải đương đầu với những khó khăn mỗi ngày. Trong thời đại và mọi nền văn hóa, chúng ta thấy những người nam nữ can đảm, để sống hợp với xác tín của mình, đã vượt lên trên mọi loại khó khăn, chịu đựng những bất công, bị kết án và thậm chí cả cái chết. Can đảm đồng nghĩa với sức mạnh, cùng với đức công bằng, khôn ngoan và tiết độ thuộc vào nhóm các nhân đức nhân bản, được gọi là các "nhân đức trụ".

Bài học của thánh Giuse

Bài học mà thánh Giuse để lại cho chúng ta hôm nay, là: cuộc đời luôn dành cho chúng ta những nghịch cảnh, và đứng trước những nghịch cảnh ấy, cả chúng ta cũng cảm thấy bị đe dọa, sợ hãi, nhưng không phải hành động một cách tệ nhất, như Hêrôđê, mà chúng ta có thể vượt thắng những lúc ấy, trái lại, bằng cách cư xử như thánh Giuse, phản ứng lại sợ hãi bằng niềm tín thác nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người di dân, tất cả những người bị bách hại và tất cả những nạn nhân của nghịch cảnh và cảm thấy nản chí và bị bỏ rơi.

Lạy thánh Giuse, ngài đã cảm nghiệm đau khổ của người phải trốn chạy để cứu mạng những người thân yêu nhất, xin bảo vệ tất cả những người trốn chạy vì chiến tranh, oán ghét, đói khổ.

Xin nâng đỡ họ trong tình cảnh khó khăn, củng cố họ trong niềm hy vọng và làm cho họ được tiếp đón và liên đới.

Xin hướng dẫn những bước chân của họ và mở lòng của những người có thể giúp đỡ họ. Amen.

Chào thăm và nhắn nhủ

Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Ðức Thánh cha, như thường lệ, được các linh mục thông dịch lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Ðức Thánh cha.

Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắn nhủ rằng: "đến gần cuối năm rồi, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì những ân phúc đã nhận và mọi điều tốt đẹp đã cho chúng ta cảm nghiệm, mặc dù những khó khăn thời nay. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Chí Thánh của Thiên Chúa và thánh Giuse, Hôn phu của người, chúng ta hãy cầu nguyện để năm tới đây là năm hạnh phúc cho chúng ta và mọi người, đại dịch chấm dứt và chúng ta có thể được hưởng an bình trong tâm hồn, trong gia đình, xã hội và thế giới.

Trong phần chào thăm bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các Nữ tông đồ của Thánh Tâm Chúa Giêsu và nhắn nhủ các chị hãy tái gắn bó với Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vâng phục để thông truyền tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa trong bối cảnh ngày nay.

Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm những người cao niên, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nhắc nhở họ rằng: "Anh chị em hãy biết kiên cường trong đức tin, ngắm nhìn Chúa Hài Ðồng, trong mầu nhiệm Giáng sinh, hiến thân như hồng ân cho toàn nhân loại."

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page