Khủng hoảng tại Nigeria

ngày càng có sắc thái thánh chiến chống Kitô

 

Khủng hoảng tại Nigeria ngày càng có sắc thái thánh chiến chống Kitô.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Markudi (RVA News 22-12-2021) - Ðức cha Wilfred Chikpa Anagbe, Giám mục giáo phận Markudi ở miền bắc Nigeria, cho biết cuộc khủng hoảng tại Nigeria hiện nay ngày càng có sắc thái như một cuộc thánh chiến Hồi giáo chống các tín hữu Kitô tại nước này.

Trong một sứ điệp được tổ chức bác ái Trợ giúp các Giáo hội đau khổ truyền đi, ngày 17 tháng Mười Hai năm 2021, Ðức cha Anagbe nói rằng việc phá hủy các nhà thờ, trường học Kitô, giết hại các linh mục và mục sư tại Nigeria chứng tỏ các cuộc tấn công nhắm đến các Kitô hữu. "Chính phủ và một số người khác muốn làm cho thế giới tin rằng bạo lực tại Nigeria hiện nay chẳng liên hệ gì tới tôn giáo, nhưng trong thực tế, càng ngày chúng càng giống như một cuộc thánh chiến chống Kitô hữu".

Ðức cha Anagbe giải thích rằng những kẻ thực hiện các cuộc tấn công chống Kitô hữu phần lớn đến từ miền bắc Nigeria và đa số là người Hồi giáo. Cách thức tàn phá của họ phản ánh các nhóm khủng bố Hồi giáo đang hoạt động tại các vùng khác, và một số nhóm này tuyên bố trung thành với các lực lượng khủng bố Hồi giáo khác, như Nhà nước Hồi giáo ISIS ở Irak và Syria, hoặc lực lượng Nhà nước Hồi giáo gọi tắt là ISWAP ở Tây Phi. Tất cả những kẻ tấn công đều là những kẻ cực đoan.

Ðức cha Anagbe nói thêm rằng trong nhiều năm trời, những kẻ cực đoan đó nhắm đánh vào các trường học và nhà thờ Kitô, cố làm sao để dân chúng cảm thấy bất lực, trở nên đói khổ ngay và mù chữ về lâu về dài. Tại các nơi khác ở Nigeria, những hoạt động đê tiện nhắm vào các tín hữu Kitô vì tín ngưỡng của họ và điều này ngày càng trở nên thông thường. Những hoạt động đó nhắm tới các nhân viên mục vụ, như bắt cóc các linh mục và nữ tu và họ chỉ được trả tự do sau khi trả tiền chuộc mạng".

Theo Ðức giám mục giáo phận Markudi, để đối phó với các cuộc khủng này, các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại Nigeria cần có một cuộc thảo luận cởi mở về vai trò của tín ngưỡng trong xã hội. Ngoài ra, các vị lãnh đạo tôn giáo có bổn phận giúp dân chúng tiếp tục lạc quan về tương lai. "Ðau khổ thực là lớn và các vết thương cần thời gian để được chữa lành, nếu không có đức tin, chúng ta không thể làm đẹp lòng Chúa và đức tin này phải được thực hành".

(Aci Africa 18-12-2021)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page