Ðức Thánh cha tiếp các Ðại sứ mới
của bảy nước cạnh Tòa Thánh
Ðức Thánh cha tiếp các Ðại sứ mới của bảy nước cạnh Tòa Thánh.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 17-12-2021) - Sáng hôm 17 tháng Mười Hai năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến các vị Ðại sứ cạnh Tòa Thánh của bảy quốc gia, là Moldavia, Kyrgyzstan, Namibia, Lesoto, Lussemburg, Ciad và Guinea Bissau. Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng nỗ lực để tất cả mọi người sớm có vắcxin chống đại dịch.
Bảy vị Ðại sứ này không thường trú tại Roma, nên được Ðức Thánh cha tiếp kiến chung, trong khi các vị Ðại sứ thường trú cạnh Tòa Thánh, thì được ngài tiếp kiến riêng, khi trình thư ủy nhiệm.
Trong lời chào các tân Ðại sứ, Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Một năm sau đại dịch Covid-19, chúng ta thấy nó còn tiếp tục gây đau khổ, không kể nó làm cho nhiều người thiệt mạng, tuy có nhiều tiến bộ trong lãnh vực này. Ðiều quan trọng là cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực cộng tác để tất cả mọi người được mau lẹ chích vắcxin. Ðây không phải là một vấn đề thích hợp hoặc tử tế, nhưng là công lý."
Ðức Thánh cha cũng nhận xét rằng thực tại đại dịch một lần nữa nhắc nhở chúng ta là một cộng đoàn hoàn cầu, trong đó các vấn đề của một người cũng là các vấn đề của tất cả mọi người" (Ft 32). Tuy có những tiến bộ về y khoa và kỹ thuật trong những năm qua, nhưng chỉ cần một vật li ti, có vẻ là vô nghĩa, đã thay đổi mãi mãi thế giới chúng ta, dù chúng ta có ý thức điều đó hay không. Vì thế, cần cấp thiết học từ kinh nghiệm này và mở mắt để nhìn điều gì quan trọng nhất, đó là "cùng với nhau". Ðặc biệt, tôi chân thành hy vọng rằng cộng đồng quốc tế ngày càng ý thức hơn chúng ta là một gia đình nhân loại duy nhất, mỗi người có trách nhiệm về các anh chị em của mình, không ai bị loại trừ. Chân lý này phải thúc đẩy chúng ta không những đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, nhưng còn tất cả các vấn đề làm thương tổn nhân loại và căn nhà chung của chúng ta - đó là nghèo đói, di cư, khủng bố, thay đổi khí hậu... một cách liên đới chứ không riêng rẽ".
Trong bối cảnh trên đây, Ðức Thánh cha cổ võ sự vun trồng những tương quan giúp thông cảm nhau, với những người thuộc các nền văn hóa và gốc gác khác biệt, để cùng nhau làm việc, xây dựng một thế giới công bằng hơn. Dụng cụ chính mà quí vị có để chu toàn nghĩa vụ này, là đối thoại.
(Sala Stampa 17-12-2021)