Những hoạt động cuối cùng

của Ðức Thánh cha tại Hy Lạp

 

Những hoạt động cuối cùng của Ðức Thánh cha tại Hy Lạp.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Athenes (RVA News 06-12-2021) - Sáng thứ Hai, ngày 06 tháng Mười Hai năm 2021 là ngày chót trong ba ngày viếng thăm của Ðức Thánh cha Phanxicô tại Hy Lạp.

Ban sáng, lúc 7 giờ, Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ riêng tại nguyện đường Tòa Sứ thần Tòa Thánh, và lúc 8 giờ 15, ngài tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp, ông Konstantinos Tasoulas.

Ông năm nay 62 tuổi, nguyên là một luật gia và làm đại biểu quốc hội từ hơn 20 năm nay. Ông cũng từng làm thứ trưởng quốc phòng Hy Lạp, Bộ trưởng Văn hóa và thể thao. Từ hai năm nay ông là Chủ tịch quốc hội.

Tiếp đến, Ðức Thánh cha giã từ các nhân viên Tòa Sứ thần, cám ơn các ân nhân đã hỗ trợ việc tổ chức chuyến viếng thăm của ngài, rồi tới trường thánh Dionigi của các nữ tu dòng Ursuline ở Maroussi, ngoại ô Athènes, cách đó 9 cây số, để gặp gỡ giới trẻ tại Hội trường, từ lúc gần 10 giờ.

Ðức Thánh cha gặp gỡ giới trẻ Công giáo tại Hy Lạp

Các nữ tu dòng thánh Ursuline đến Hy Lạp lần đầu tiên cách đây 350 năm (1670) và định cư tại thành Naxos, nơi các chị lập một trường học và một lưu xá. Ðó là trường ngoại quốc đầu tiên được thành lập tại Hy Lạp.

Trong thế kỷ XIX, các chị mở thêm trường ở đảo Tinos và đến năm 1947, các chị định cư ở thủ đô Athènes. Ðến năm 1959, các chị di chuyển về đường Psychiko và tại đây hiện có trường Mỹ, trường tiểu học thánh Dionigi và một trường mẫu giáo quốc tế. Số học sinh gia tăng nên năm 1962, các nữ tu tậu một khu nhà ở vùng Maroussi, ngoại ô phía bắc của Athènes.

Khi Ðức Thánh cha đến đây vào lúc gần 10 giờ, ngài được các nữ tu và các học sinh chào đón nồng nhiệt. Khi ngài tiến vào nơi gặp gỡ, là Hội trường đa dụng, nơi đây cũng là một sân chơi bóng rổ. Hiện diện tại đây có gần 100 người trẻ, cùng với một ca đoàn học sinh của trường Ursuline.

Chào mừng Ðức Thánh cha

Trong lời chào mừng Ðức Thánh cha, linh mục đặc trách mục vụ giới trẻ Công giáo Hy Lạp cho biết các bạn trẻ nam nữ hiện diện vui mừng và phấn khởi chào mừng Ðức Thánh cha. Họ đến đây từ mọi góc trời của Hy Lạp và bằng mọi phương tiện để thấy và nghe Ðức Thánh cha, và để tiếp tục với một đà tiến mới trong hành trình đức tin của họ.

Cha cũng nói rằng: Tại Hy Lạp, các tín hữu Công giáo chỉ là một đoàn chiên nhỏ bé bị phân tán trong các cộng đoàn bé nhỏ, và một số bạn trẻ sống và học hành tại các thành phố, không có cộng đoàn Công giáo nào nâng đỡ. Kinh nghiệm về các cuộc gặp gỡ giới trẻ liên Hy Lạp và cả Ngày Quốc tế giới trẻ nâng đỡ sự hăng say và giúp họ nuôi dưỡng ý thức rằng họ đang ở trên hành trình đức tin cùng với các bạn trẻ toàn thế giới và trong tình hiệp thông với toàn thể Giáo hội.

Các chứng từ

Tiếp đến, xen kẽ giữa những điệu vũ và bài ca, Ðức Thánh cha và mọi người đã nghe chứng từ của vài bạn trẻ.

Trước tiên là cô Ioanna Vidali, 26 tuổi, người Hy Lạp thuộc giáo phận Tinos, đã học về xã hội học, nhưng hiện đang hành nghề làm bánh ngọt, một hoạt động mà cô yêu thích và thấy có nhiều cơ hội sáng tác. Cô thuộc một gia đình sùng đạo, được mẹ và bà nội giáo huấn về đức tin, và lớn lên được một nữ tu dòng Ursuline nâng đỡ, giúp cô ý thức về niềm vui cho đi và liên đới.

Nhưng khi chuẩn bị vào đại học, Ioanna trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin, bắt đầu sợ Thiên Chúa và nghi ngờ về hành trình đức tin của mình. Thế nhưng một đêm kia, trong tình trạng căng thẳng xuống tinh thần, và định rời bỏ đức tin, trong giấc mơ, cô Ioanna thấy một hình người giống Chúa Kitô, thanh thản và tươi cười, chào cô từ xa xa. Cô do dự và đến gần, Chúa nói: "Dù con có làm ngơ không biết Cha, đối với Cha đó không phải là điều quan trọng, Cha chỉ cần hiện diện đối với tất cả những người tin là Cha hiện hữu, vậy là đủ rồi".

Cô Ioanna cho biết từ lúc đó, đức tin của cô được củng cố và đón nhận sự cao cả của tình yêu Chúa. Chúa đã cho cô sai lầm, và đã làm cho cô tìm được nhiều câu trả lời. Cô tỉnh dậy và ngày hôm sau đã thuật lại cho một trong các cô giáo của cô và hôm nay, đây là lần đầu tiên cô kể lại với Ðức Thánh cha và mọi người.

Cô cũng cho biết từ đó cô gắng giúp đỡ các bạn trẻ khác khám phá sự cao cả của Thiên Chúa.

Chứng từ thứ hai là của cô Katerina Binibini, người Philippines. Cô cho biết cô bị thử thách về đức tin mỗi khi thấy những người chịu đau khổ vì những hành động xấu của những người khác. Và mỗi khi cô nói chuyện với những người trẻ cùng lứa tuổi, họ hỏi cô về đức tin, nhưng cô không biết trả lời thế nào. Họ nói: "Nếu có Thiên Chúa thì tại sao Chúa cho phép bao nhiêu sự ác và đau khổ trên thế giới như thế?". Có những lúc cô gặp những người hảo tâm, nhưng họ không có đức tin. Từ đó cô tự hỏi: tại sao tôi phải tin để được coi là người tốt lành. Nhiều khi cô tức bực và ghen tương khi thấy những người không tin tưởng, nhưng dường như họ không chịu đau khổ và không có vấn đề, trong khi cô là tín hữu Kitô mà lại liên tục cảm thấy bị thử thách.

Trong thời đại dịch, đức tin của cô Katerina được củng cố. Cộng đoàn của cô bị mất một người rất được cộng đoàn quí mến, cũng là người hướng dẫn cộng đoàn, đó là nữ tu Emma. Nhưng cô không nghĩ đó là lỗi của Thiên Chúa vì chị Emma qua đời như vậy, trái lại nhờ đó cô có thể suy nghĩ và nói với Chúa trong một bầu không khí an bình. Cô thấy Chúa bảo vệ gia đình và tất cả những người chung quanh cô. Và cô không còn ghen tương với những người được đặc ân hơn cô. Cô biết ơn vì trong những khó khăn, Chúa đã soi sáng cho cô thực hiện những điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Nhờ đó cô đã tìm lại được an ủi trong Kinh thánh và hiểu dễ dàng hơn tình thương của Chúa đối với cô.

Chứng từ thư ba là của anh Aboud Babro, gốc Syria 18 tuổi, có em trai 12 tuổi đi kèm. Gia đình anh ở thành Aleppo bị thảm cảnh chiến tranh, chịu mọi thiếu thốn và năm 2012, anh quyết định rời bỏ Syria sau khi đạn pháo rơi trúng phòng ngủ của cha mẹ anh, nhưng may mắn cả gia đình thoát nạn.

Aboud vượt biên, sau khi hai lần làm đơn xin nhập cảnh tại đại sứ quán Hy Lạp tại Liban và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đều bị từ chối, vì thế anh phải vượt biên và đến Hy Lạp vào năm 2020. Tại đây anh được người chú và các nữ tu dòng thanh Giuse giúp đỡ lập lại cuộc đời. Hiện anh đang học năm thứ ba trung học cấp hai.

Huấn từ của Ðức Thánh cha

Trong huấn từ, Ðức Thánh cha lần lượt dựa vào những chứng từ của các bạn trẻ để đưa ra những nhận xét và kèm theo những lời nhắn nhủ.

Ngờ vực về đức tin

Ði từ những nghi ngờ về đức tin như được trình bày trong hai chứng từ, Ðức Thánh cha mời gọi các bạn trẻ đừng sợ những ngờ vực về đức tin. Ðó không phải là những thiếu sót về đức tin, trái lại những nghi ngờ là "vitamin" của đức tin, giúp củng cố và làm cho đức tin trở nên vững mạnh hơn, nghĩa là ý thức, tự do và trưởng thành hơn. Những nghi ngờ làm cho ta sẵn sàng hơn lên đường, tiến bước trong khiêm tốn, ngày qua ngày. Ðức tin chính là một hành trình hằng ngày với Chúa Giêsu, Chúa cầm tay và đồng hành với chúng ta, khích lệ chúng ta, và khi chúng ta ngã, Chúa nâng chúng ta dậy. Ðó là một thứ chuyện tình, trong đó ta cùng nhau tiến bước, ngày qua ngày.

Ơn tha thứ

Ðức Thánh cha cũng mời gọi các bạn trẻ ngạc nhiên về ơn tha thứ của Chúa. Trong sự ngạc nhiên ấy, chúng ta tìm được khuôn mặt của Chúa Cha và an bình nội tâm. Chúa nâng chúng ta trỗi dây và đổ tình thương của Ngài, vòng tay nâng chúng ta lên, phá tan sự ác đã phạm và làm cho sự đẹp đẽ tái rạng ngời trong chúng ta, làm nổi bật thân phận chúng ta là những người con được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương. Ðức Thánh cha nhấn mạnh rằng: "Chúng ta đừng để cho sự lười biếng, sợ hãi hoặc tủi hổ cướp mất kho tàng ơn tha thứ. Chúng ta hãy để cho mình ngạc nhiên về tình thương của Thiên Chúa!"

Niềm vui phục vụ

Từ chứng từ của cô Ioanna về những người khác trong hành trình đức tin của cô: một nữ tu đã tỏ cho cô thấy niềm vui khi coi cuộc sống như một việc phục vụ, Ðức Thánh cha nói: đúng vậy, phục vụ tha nhân là con đường để chinh phục niềm vui. Xả thân giúp người khác không phải là người đang bị mất mát, nhưng là những người chiến thắng, đó là con đường để thực hiện một cái gì đó thực sự là mới trong lịch sử.

"Các bạn muốn làm cái gì đó mới mẻ trong cuộc sống ư? Các bạn muốn tái trẻ trung ư? Ðừng hài lòng với việc công bố vài post hay vài tweet trên mạng. Ðừng hài lòng với những cuộc gặp gỡ tiềm thể, trực tuyến, nhưng hãy tìm những cuộc gặp gỡ thực sự, nhất là với những người đang cần bạn. Ðó là điều đặc sắc và cách mạng. Bao nhiêu người ngày nay ở trên mạng xã hội mà lại ít xã hội: họ khép kín nơi mình, là tù nhân của điện thoại họ cầm ở tay. Nhưng trên màn hình lại thiếu người khác, thiếu những đôi mắt, hơi thở, đôi bàn tay. Màn hình dễ trở thành một tấm gương nơi ta tưởng đang đứng trước thế giới, nhưng trong thực tế, bạn cô độc, trong một thế giới tiềm thể đầy những vẻ bề ngoài, đầy những hình ảnh được sửa đổi và tô điểm để luôn có vẻ đẹp hơn và tươi trẻ hơn. Trái lại, thật là đẹp khi ở với những người khác, khám phá sự mới mẻ của tha nhân!

Cầu nguyện

Sau huấn từ của Ðức Thánh cha, các bạn trẻ còn cùng nhau dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện, nói lên những âu lo của họ trước sự ác, và họ cầu xin Chúa giúp họ đón nhận mọi cơ hội để tăng trưởng trong tình thương, để có thể tha thứ cho anh chị em. Họ cũng cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Giáo hội, đồng thời cầu xin Chúa giúp các cộng đoàn bé nhỏ tại Hy Lạp được củng cố trong tình huynh đệ và hiệp nhất.

Sau khi Ðức Thánh cha ban phép lành kết thúc, một nhóm năm bạn trẻ đã tặng Ðức Thánh cha một cây kiểng, và ngài cũng tặng lại cho họ những hộp tràng hạt.

Cuộc gặp gỡ kết thúc lúc gần 11 giờ, giờ địa phương, và liền đó Ðức Thánh cha ra phi trường quốc tế Athènes, cách đó gần 30 cây số. Tại đây, có nghi thức tiễn biệt đơn sơn với sự hiện diện của Ngoại trưởng Hy Lạp.

Máy bay Airbus 320 của hãng Aegean chở Ðức Thánh cha và đoàn tùy tùng về tới phi trường Ciampino ở Roma khoảng 12 giờ 30 trưa, kết thúc tốt đẹp chuyến tông du thứ 35 của ngài tại nước ngoài.

Trên đường về, như thường lệ, Ðức Thánh cha ghé lại Ðền thờ Ðức Bà Cả để cầu nguyện trước ảnh Ðức Mẹ là "phần rỗi của dân Roma", cảm tạ Mẹ Thiên Chúa vì ơn phù trợ trong cuộc viếng thăm vừa qua.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page