Ðức Thánh cha cử hành

thánh lễ tại Hy Lạp

 

Ðức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Hy Lạp.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Athenes (RVA News 06-12-2021) - Chiều Chúa nhật 05 tháng Mười Hai năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ duy nhất cho các tín hữu Công giáo tại Athènes, thủ đô Hy Lạp. Ngài mời gọi mọi người hãy có tinh thần khiêm hạ, tín thác nơi Chúa giữa những khó khăn, và trở về cùng Chúa, vượt thắng sự tự phụ và tự mãn.

Lúc 4 giờ 15 phút chiều, Ðức Thánh cha đã rời Tòa Sứ thần Tòa Thánh để đến Nhà hát Quốc gia Megaron, cũng là một Trung tâm Hội nghị quốc tế, cách đó gần bốn cây số rưỡi. Nhà hát Quốc gia này là một Trung tâm hòa nhạc, được coi là gia sản văn hóa quốc gia, với các hoạt động trình diễn âm nhạc, các hoạt động văn hóa và giáo dục, được khánh thành cách đây ba mươi năm, và dần dần được mở rộng thêm. Tại đây, cũng có một thư viện nổi tiếng về âm nhạc với khoảng 10,000 băng thu các sáng tác, các sưu tập hiếm và âm nhạc truyền thống.

Tham dự thánh lễ, được cử hành bằng tiếng Latinh và Hy Lạp về Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng, có hơn 1,000 người ngồi đầy hội trường. Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có các giám mục địa phương và các hồng y, giám mục thuộc đoàn tùy tùng và khoảng 50 linh mục.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng, Ðức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng của ngày lễ, nói về việc lời Chúa xuống trên Gioan, con ông Zacaria trong hoang địa. Và thánh nhân đi khắp miền sông Giordan rao giảng phép rửa thống hối và kêu gọi hoán cải.

Chúa chọn người khiêm hạ

Ðức Thánh cha đặc biệt phân tích hai từ: hoang địa và hoán cải. Ngài nhận xét rằng Lời Chúa không xuống trên những người quyền hành nhưng lại chọn xuống trên một người không được biết đến và cô độc. "Thiên Chúa làm ngạc nhiên, những chọn lựa của Chúa gây ngạc nhiên, không đi vào những dự tính của con người, không theo quyền lực và sự cao cả mà con người thường gắn liền với những chọn lựa. Chúa ưa thích sự bé nhỏ và khiêm hạ. Chúa không bắt đầu việc cứu chuộc bằng cách gửi lời Ngài đến Jerusalem, Athènes hay Roma, nhưng nơi hoang địa... Ðiều này có nghĩa là có quyền hành, thông thái và nổi tiếng không phải là một bảo đảm làm hài lòng Chúa; trái lại, chúng có thể dẫn đến sự kiêu ngạo và từ khước Chúa. Cần có tâm hồn khó nghèo, như hoang địa là nơi nghèo.

Chúa đến với chúng ta giữa thử thách

Chính nơi hoang địa, nơi nghèo nàn, khô cằn, trống rỗng lại là nơi được Chúa chọn để tỏ lộ vinh quang của Ngài. Sứ điệp của điều này là, ngày nay cũng như xưa kia, Thiên Chúa đoái nhìn những nơi có nhiều sầu muộn và cô đơn. Chúng ta có thể cảm nghiệm điều đó trong cuộc sống: Chúa thường không đến được với chúng ta trong khi chúng ta được hoan hô và chỉ nghĩ đến mình; nhưng Chúa đến được với chúng ta trong những giờ thử thách. Chúa viếng thăm chúng ta trong những tình trạng khó khăn, trong những trống rỗng của chúng ta, dành chỗ cho Ngài.

Và Ðức Thánh cha nói: "Anh chị em thân mến, trong cuộc sống của một người hoặc của một dân tộc, không thiếu những lúc chúng ta có cảm tưởng đang ở nơi hoang địa. Và chính lúc đó Chúa hiện diện, Chúa không đến nơi những người cảm thấy mình thành công, nhưng nơi những người thất bại. Chúa đến với những lời gần gũi, cảm thương và dịu dàng: "Con đừng sợ, vì Ta ở với con; con đừng hoang mang ngỡ ngàng, vì Ta là Thiên Chúa ở với con. Ta làm cho con mạnh mẽ và Ta đến cứu giúp con" (Is 41,1).

Mời gọi hoán cải

Ý tưởng thứ hai được Ðức Thánh cha nhấn mạnh là sự hoán cải. Thánh Gioan Tẩy Giả không ngừng rao giảng sự hoán cải và với giọng mạnh mẽ (Xc Lc 37). Ðức Thánh cha nhận xét rằng: nói về hoán cải có thể gợi lên sự buồn sầu, dường như khó dung hòa với Tin mừng hân hoan. Nhưng điều đó xảy ra khi chúng ta nghĩ hoán cải chỉ là một cố gắng luân lý, như thể đó chỉ là kết quả sự dấn thân của chúng ta mà thôi. Nếu chỉ cậy dựa sức riêng của chúng ta, thì có thể có sự buồn sầu tinh thần và thất vọng: chúng ta muốn hoán cải, tốt đẹp hơn, vượt thắng những khuyết điểm của chúng ta, thay đổi, nhưng ta không thấy mình có khả năng, và mặc dù có thiện chí, chúng ta luôn sa ngã, như chính thánh Phaolô đã cảm nghiệm: "Nơi tôi có ước muốn làm điều thiện, nhưng tôi không có khả năng thực hiện; thực vậy tôi không làm điều thiện tôi muốn, nhưng lại làm điều ác mà tôi không muốn" (Rm 7,18-19).

Ý nghĩa của hoán cải

Ðức Thánh cha giải thích rằng hoán cải, tiếng Hy Lạp là "Metanoiéin", nghĩa là đi xa hơn điều mình vẫn nghĩ, ra ngoài những khuôn khổ tâm trí mọi khi của chúng ta, cái khuôn khổ thu hẹp mọi sự vào cái tôi, thái độ tự phụ tự mãn của mình; hoặc cần đi xa hơn những khép kín vì cứng nhắc, vì sợ hãi làm tê liệt, đi xa hơn cám dỗ nói rằng "từ trước đến nay vẫn làm như vậy".

Như thế, hoán cải có nghĩa là không nghe theo những gì dập tắt hy vọng, không theo những người lập đi lập lại rằng trong cuộc sống chẳng bao giờ có sự thay đổi. Hoán cải là từ chối không tin rằng chúng ta thế nào cũng bị chìm sâu trong cát lún của sự tầm thường, không đầu hàng trước những ảo giác nội tâm xuất hiện đặc biệt trong những lúc bị thử thách để làm chúng ta nản chí và nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ không thành công.... Không phải như vậy, vì có Thiên Chúa! Cần tín thác nơi Chúa vì Chúa là sức mạnh của chúng ta. Tất cả sẽ thay đổi nếu chúng ta để Chúa ở chỗ thứ nhất.

Lời cám ơn cuối thánh lễ

Cuối thánh lễ, Ðức cha Theodoros Kontidis, dòng Tên, Tổng giám mục giáo phận thủ đô Athènes đã ngỏ lời cám ơn Ðức Thánh cha, và ngài đã tặng cho giáo phận một chén lễ quí giá.

Ðức Thánh cha cũng ngỏ lời cám ơn mọi người vì sự đón tiếp. Ngài đặc biệt cám ơn chính quyền dân sự và các anh em giám mục cũng như tất cả những người cộng tác vào việc chuẩn bị và tổ chức cuộc viếng thăm này.

Thánh lễ kết thúc lúc quá 6 giờ chiều. Trước khi rời Trung tâm Hòa nhạc Megaron, Ðức Thánh cha còn được thị trưởng thành Athènes trao tặng một huân chương cao quí.

Sau khi về tới tòa Sứ thần Tòa Thánh, Ðức Thánh cha còn đón tiếp Ðức Tổng giám mục Ieronimos II, Giáo chủ Chính thống Hy Lạp và đoàn tùy tùng đến viếng thăm đáp lễ Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page