Ðức Thánh cha gặp gỡ

các vị lãnh đạo Chính thống Cipro

 

Ðức Thánh cha gặp gỡ các vị lãnh đạo Chính thống Cipro.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Nicosia (RVA News 03-12-2021) - Lúc 8 giờ 30 phút, sáng thứ Sáu, 03 tháng Mười Hai năm 2021, là ngày thứ hai và cũng là ngày chót trong hai ngày viếng thăm của Ðức Thánh cha Phanxicô tại Cipro, Ðức Thánh cha đến thăm Ðức Tổng giám mục Giáo chủ Chính thống và sau đó gặp chung Thánh Hội đồng của Giáo hội này, là tôn giáo lớn nhất tại đây, với 80% dân số toàn quốc. Ðức Thánh cha cổ võ cuộc đối thoại huynh đệ và vượt thắng dư âm của chia rẽ và thành kiến trong quá khứ, để cùng nhau tiến bước hướng về sự hiệp nhất trọn vẹn.

Gặp Ðức Tổng giám mục Giáo chủ

Từ Tòa Sứ thần Tòa Thánh, lúc 8 giờ 30, Ðức Thánh cha đến Tòa Tổng giám mục Chính thống, chỉ cách đó một cây số rưỡi. Ðến nơi, ngài được một vị đại diện của Thánh Hội đồng đón tiếp và Ðức Tổng giám mục Chrysostomos II, đương kim Giáo chủ Chính thống Cipro chào đón Ðức Thánh cha.

Ðức Tổng giám mục năm nay 80 tuổi (1941), thụ phong linh mục năm 1972 và đã từng làm Viện phụ Ðan viện thánh Neophytos, trước khi được bầu làm Tổng giám mục Giáo phận Paphos năm 1978, rồi 28 năm sau đó, 2006, ngài được bầu làm Tổng giám mục toàn đảo Cipro, sau khi đã giữ nhiệm vụ nhiếp chính của Ðức Tổng giám mục Chrysotomos I bị đau nặng. Ðức Thượng phụ đã từng gặp Ðức Giáo hoàng Biển Ðức XVI, trong cuộc viếng thăm tại đảo này hồi năm 2010. Ðức Tổng giám mục là vị đã giữ vai trò tích cực trong mối tương quan với Giáo hội Công giáo, giúp đưa hai Giáo hội xích lại gần nhau.

Gặp gỡ Thánh Hội đồng

Sau 20 phút gặp gỡ riêng với Ðức Tổng giám mục Chrysostomos, Ðức Thánh cha đến Nhà thờ chính tòa thánh Gioan Tông đồ thần học gia của Chính thống, chỉ cách đó 100 mét để gặp gỡ 17 giám mục thành viên Thánh Hội đồng. Ðây là thẩm quyền cao nhất của Giáo hội Chính thống Cipro tự trị, trong đó, Ðức Tổng giám mục Giáo chủ là người đứng đầu trong số những người đồng hàng, và cũng chỉ có một phiếu như các thành viên khác. Thánh Hội đồng Chính thống Cipro có 12 Ủy ban với nhiệm vụ bảo tồn đạo lý, giáo luật và phụng vụ của Giáo hội Chính thống Cipro, đồng thời duy trì tình hiệp thông với Ðức Thượng phụ chung của Chính thống giáo tại Constantinople và các Giáo hội Chính thống khác, cũng như đảm trách các quan hệ đại kết và liên tôn.

Lời chào mừng của Ðức Tổng giám mục Chính thống

Trong lời chào mừng Ðức Thánh cha, Ðức Tổng giám mục Chrysostomos II gọi Cipro là "hải đảo của các thánh và các vị tử đạo", là "cửa ngõ của Kitô giáo hướng về thế giới dân ngoại", vì đây là Giáo hội đầu tiên của dân ngoại được thánh Barnabê thành lập. Từ năm 45 sau Chúa Kitô, các tông đồ đến Cipro để rao giảng Kitô giáo. Qua bao thăng trầm của lịch sử, Giáo hội này vẫn không bị chìm.

Ðức Tổng giám mục nói: "Nhưng rất tiếc từ năm 1974 đến nay, đảo Cipro và Giáo hội tại đây trải qua khúc quanh lịch sử rất khó khăn: Thổ Nhĩ Kỳ đã hung bạo tấn công và cướp mất 38% lãnh thổ tổ quốc chúng tôi bằng sức mạnh của võ khí, dân chúng bị trục xuất bằng gươm giáo và lửa. Các đền thánh của Chúa bị đốt phá và xúc phạm. 200,000 tín hữu Kitô bị trục xuất khỏi gia cư của họ với một sự man rợ không thể tưởng tượng được, và họ bị thay thế bằng những kiều dân đến từ vùng sâu vùng xa của miền Anatolia bên Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy văn hóa từ ngàn đời của chúng tôi. Họ tịch thu các thánh đường Bizantine cổ kính với những bức tranh khảm vô giá, các ảnh các thánh."

Ðức Tổng giám mục Chrysostomos cho biết trong quá khứ đã và nay đang xin sự hỗ trợ tích cực của các vị thủ lãnh Công giáo, đã xin Ðức Giáo hoàng Biển Ðức trợ giúp. "Và thực tế, nhờ sự trung gian của Ðức Biến Ðức, chính phủ Ðức đã đồng ý đưa trở về Cipro 500 di tích văn hóa Bizantine mà các nhà khảo cổ Thổ Nhĩ Kỳ đã chở tới thành Munich. Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi sự giúp đỡ của Ðức Giáo hoàng Phanxicô để bảo vệ và tôn trọng gia sản văn hóa của chúng tôi và để các giá trị khôn lường của nền văn hóa Kitô chúng ta được trổi vượt, các giá trị này đang bị Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm tàn bạo".

Diễn văn của Ðức Thánh cha

Về phần Ðức Thánh cha, lên tiếng sau lời chào mừng của Ðức Tổng giám mục Chrysostomos, ngài đã rút từ danh xưng, thân thế và sứ vụ của thánh Barnabê Tông đồ, bổn mạng của Cipro, những điều có thể áp dụng cho hoàn cảnh ngày nay.

Ðức Thánh cha nói: Thánh Barnabê, theo ý nghĩa biệt danh của ngài là "con của sự an ủi", nhắn nhủ chúng ta là những người em của ngài, hãy thi hành cùng một sứ mạng mang Tin mừng cho mọi người, mời gọi chúng ta hãy hiểu rằng việc loan báo không thể chỉ dựa trên những lời nhắn nhủ tổng quát, trên sự lập lại những giới luật và qui tắc phải giữ, như thường xảy ra. Việc loan báo phải theo con đường gặp gỡ đích thân, quan tâm đến những thắc mắc của dân chúng, những nhu cầu cốt yếu của họ. Ðể là những người con của sự an ủi, trước khi nói điều gì, ta cần lắng nghe, để cho mình được gọi hỏi, khám phá tha nhân, chia sẻ. Vì Tin mừng được thông truyền nhờ sự hiệp thông...

Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Tôi chân thành mong ước rằng sẽ có thêm những cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu nhau nhiều hơn, phá đổ bao nhiêu thành kiến và đặt mình ngoan ngoãn lắng nghe những kinh nghiệm đức tin của nhau" ... Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô khuyên chúng ta hãy an ủi nhau với cùng sự an ủi của Thiên Chúa dành cho chúng ta (Xc. 2 Cr 1,3-5). Theo nghĩa này, anh em thân mến, tôi muốn đoan chắc với anh em sự cầu nguyện và gần gũi của tôi và của Giáo hội Công giáo trong những vấn đề đau thương nhất làm cho anh em lo âu, cũng như trong những hy vọng đẹp và táo bạo nhất linh hoạt anh em. Những buồn sầu và vui mừng của anh em cũng là của chúng tôi, chúng tôi cảm thấy như của chính mình! Và chúng tôi cũng cảm thấy rất cần lời cầu nguyện của anh em".

Khía cạnh thứ hai, Ðức Thánh cha muốn nhấn mạnh, đó là thánh Barnabê được Tông đồ Công vụ trình bày như "Thầy Lêvi nguyên quán từ đảo Cipro" (Cv 4,36). Văn bản không nói thêm chi tiết nào về diện mạo cũng như con người của thánh nhân, nhưng ngay sau đó Công vụ cho ta khám phá Barnabê, qua hoạt động đặc biệt của thánh nhân: Barnabê là chủ một đồng ruộng, đã bán và đặt tiền dưới chân các Tông đồ" (v.37). Cử chỉ tuyệt vời này gợi ý rằng để giúp nhau hồi sinh trong tình hiệp thông và sứ mạng, cả chúng ta cũng cần có can đảm từ bỏ những gì, tuy quý giá, nhưng là trần tục, để giúp đạt tới sự hiệp nhất trọn vẹn. Ở đây, tôi muốn nói đến nguy cơ tuyệt đối hóa một số phong tục và thói quen không đòi phải có sự đồng nhất và đồng thuận của tất cả mọi người. Chúng ta đừng để mình bị tê liệt vì sợ cởi mở và thực hiện những cử chỉ táo bạo, chúng ta đừng hỗ trợ "sự không thể dung hợp của những khác biệt" không có trong Tin mừng! Chúng ta đừng để các tập tục truyền thống - ở số nhiều - có xu hướng trổi vượt hơn Thánh Truyền, Truyền Thống viết chữ hoa. Thánh Truyền này khuyên chúng ta hãy noi gương thánh Barnabê từ bỏ mọi sự, cả điều tốt, có thể làm thương tổn sự hiệp thông sung mãn, quyền tối thượng của đức bác ái và sự cần thiết của hiệp nhất".

Khía cạnh thứ ba Ðức Thánh cha nhấn mạnh là khi thánh Barnabê cùng với thánh Phaolô và Marco trở về đảo Cipro, thánh nhân thấy Elimas, "Một nhà ma thuật và tiên tri giả" (Cv 13,6) chống lại các Tông đồ bằng sự gian lác, và tìm cách làm cho con đường ngay thẳng của Chúa trở nên quanh co (Xc. vv. 8.10).

Từ sự kiện đó, Ðức Thánh cha nói: "Ngày nay cũng không thiếu sự giả dối và lường gạt mà quá khứ đặt trước mặt chúng ta và cản trở hành trình. Những thế kỷ chia rẽ và xa cách làm cho chúng ta hấp thụ, dù vô tình, nhiều thành kiến đố kỵ đối với nhau, những thiên kiến thường dựa trên những thông tin hiếm hoi và bị xuyên tạc, được phổ biến qua một thứ văn chương gây hấn và bút chiến. Nhưng tất cả những điều đó làm cho con đường ngay thẳng hướng về sự hòa hợp và hiệp nhất của Thiên Chúa trở nên quanh co. Anh em thân mến, sự thánh thiện của thánh Barnabê thật là hùng hồn đối với cả chúng ta! Bao nhiêu lần trong lịch sử giữa các tín hữu Kitô, chúng ta quan tâm chống đối nhau thay vì ngoan ngoãn đón nhận con đường của Thiên Chúa, nhắm tái tạo những chia rẽ trong tình bác ái! Bao nhiêu lần chúng ta đã phóng đại và tuyên truyền những thành kiến về người khác, thay vì thi hành lời nhắn mà Chúa lập lại đặc biệt trong Tin mừng theo thánh Marco, người đã cùng với thánh Barnabê tại đảo này, đó là hãy trở nên bé nhỏ, phục vụ lẫn nhau (Xc. Mc 9,35; 10,43-44).

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page