Ðức Thánh cha thăm Tổng thống

và gặp chính quyền đảo Cipro

 

Ðức Thánh cha thăm Tổng thống và gặp chính quyền đảo Cipro.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Nicosia (RVA News 03-12-2021) - Hoạt động thứ hai của Ðức Thánh cha Phanxicô trong ngày đầu tiên tại đảo Cipro, là ngài đến thăm Tổng thống và gặp gỡ chính quyền và các đại diện xã hội.

Giã từ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, các giáo lý viên và các phong trào của Giáo hội tại Nhà thờ Chính tòa Ðức Mẹ Ân Phúc, Ðức Thánh cha đã đến Phủ Tổng thống Cipro, cách nhà thờ gần ba cây số để viếng thăm vị Nguyên thủ quốc gia.

Ðến nơi vào lúc 5 giờ 15 phút chiều, Ðức Thánh cha đã được Tổng thống Nicos Anastasiades đón tiếp tại cổng vào, gần tượng của vị Tổng thống đầu tiên của đảo này, là Ðức Tổng giám mục Chính thống Makarios.

Trong khuôn viên phủ Tổng thống đã diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức với hàng quân danh dự, quốc thiều, và đặt vòng hoa tại tượng Ðức Makarios và phần giới thiệu hai phái đoàn.

Tiếp đến là cuộc hội kiến riêng giữa Ðức Thánh cha và Tổng thống Cipro, tại thư phòng. Tổng thống Nicos năm nay 75 tuổi, nguyên là một luật sư và thuộc vào số các thành viên sáng lập đảng trung hữu dân chủ, gọi tắt là DISY. Ông được bầu làm Chủ tịch đảng hồi năm 1997, và sau đó được tái cử năm 1999, 2003 và 2006, đồng thời cũng làm đại biểu hạ nghị viện. Năm 2013, ông đắc Tổng thống Cộng hòa Cipro.

Sau khi hội kiến riếng, lúc 5 giờ rưỡi chiều, Ðức Thánh cha đã gặp gia đình Tổng thống, trước khi tiến sang sảnh đường nghi lễ để gặp gỡ khoảng 125 người, gồm các vị lãnh đạo chính trị, tôn giáo, ngoại giao đoàn, đại diện giới doanh nhân và xã hội dân sự, văn hóa.

Diễn từ của Ðức Thánh cha

Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Nicos, Ðức Thánh cha gọi Cipro là một viên ngọc trai rất quí giá giữa lòng Ðịa Trung Hải. Ðể trở thành viên ngọc trai đòi phải có thời gian: bao nhiêu năm trời để các lớp khác nhau làm cho viên ngọc trở nên rắn chắc và sáng bóng. Cũng vậy, vẻ đẹp của phần đất này xuất phát từ những nền văn hóa qua các thế kỷ đã gặp gỡ và hòa lẫn với nhau. Cả ngày nay, ánh sáng của Cipro có nhiều khía cạnh: có nhiều sắc dân và bộ tộc, với những sắc thái khác nhau, tạo nên dải màu của nhân dân đảo này.

Ngài nói:

Nhiều người nhập cư tại Cipro

"Tôi cũng nghĩ đến sự hiện diện của nhiều người nhập cư tại Cipro, xét về tỷ lệ thuộc hàng cao nhất trong các nước thuộc Liên hiệp Âu châu. Bảo tồn vẻ đẹp đa sắc và đa diện của tổng thể không phải là điều dễ dàng. Nó đòi phải có thời gian và kiên nhẫn như viên ngọc trai, cần có một cái nhìn bao quát về những nền văn hóa khác nhau và hướng về một tương lai "nhìn xa trông rộng". Theo nghĩa đó, điều quan trọng là bảo vệ và thăng tiến mọi thành phần của xã hội, đặc biệt là những thành phần thiểu số. Tôi cũng nghĩ đến các tổ chức Công giáo sẽ được chính quyền công nhận một cách thích hợp, để sự đóng góp của họ cho xã hội qua các hoạt động, đặc biệt là giáo dục và từ thiện, được xác định rõ ràng về phương diện pháp lý."

Tình trạng đảo Cipro còn bị chia cắt

Ðức Thánh cha cũng nhắc đến những đau khổ do đại dịch và đặc biệt là vết thương và nhất là phần đất này còn phải chịu, do sự xâu xé từ mấy thập niên qua, sự chia cắt giữa hai miền của đảo.

Ðức Thánh cha nói: "Tôi nghĩ đến đau khổ nội tâm của bao nhiêu người không thể trở về gia cư và nơi thờ phượng của họ. Tôi cầu nguyện cho an bình của anh chị em, và an bình của toàn đảo và tôi hết sức cầu mong như vậy. Con đường hòa bình, chữa lành mọi xung đột và tái sinh vẻ đẹp của tình huynh đệ, được đánh dấu bằng một từ, đó là "đối thoại". Chúng ta phải giúp đỡ nhau tin nơi sức mạnh kiên nhẫn và dịu hiền của đối thoại, kín múc từ các Mối Phúc Thật. Chúng ta biết rằng đây không phải là một con đường dễ dàng, nó thật dài và quanh co, nhưng không có con đường nào khác để tiến tới sự hòa giải. Chúng ta hãy nuôi dưỡng hy vọng bằng sức mạnh của những cử chỉ, thay vì hy vọng nơi những cử chỉ sức mạnh. Vì có một quyền lực của các cử chỉ chuẩn bị hòa bình: không phải sức mạnh của những cử chỉ quyền bính, đe dọa trả đũa và biểu dương sức mạnh, nhưng là những cử chỉ đấu dịu, những bước tiến cụ thể trong việc đối thoại. Ví dụ, tôi nghĩ đến sự dấn thân sẵn sàng đối chiếu chân thành với nhau, đặt lên hàng đầu những đòi hỏi của dân chúng, với sự can dự ngày càng tích cực của cộng đồng quốc tế. Tôi nghĩ đến việc bảo tồn gia sản tôn giáo và văn hóa, đến sự trả lại những gì thực sự là quí giá đối với dân chúng theo nghĩa đó, như các nơi hoặc các vật dụng thánh thiêng. Về vấn đề này tôi đánh giá cao và khích lệ dự án hòa bình tại Cipro do Ðại sứ quán Thụy Ðiển cổ võ, để có sự đối thoại giữa các vị lãnh đạo tôn giáo.

Ðề cao đóng góp hằng ngày của mọi người

Ðức Thánh cha cũng đề cao sự đóng góp hằng ngày của mỗi người cho hòa bình và nói rằng "hòa bình thường không nảy sinh từ những nhân vật lớn, nhưng từ sự quyết tâm hằng ngày của những người bé nhỏ hơn. Âu châu đang cần sự hòa giải và hiệp nhất, cần can đảm và một đà tiến để tiến bước. Vì không phải những bức tường sợ hãi và những phủ quyết do những lợi lộc quốc gia giúp đạt được tiến bộ, và cũng chẳng phải nguyên sự phục hồi kinh tế có thể bảo đảm an ninh và ổn định. Chúng ta hãy nhìn lịch sử của Cipro và thấy sự gặp gỡ và đón tiếp đã mang lại những thành quả phúc lợi về lâu về dài. Không những nhờ liên quan đến lịch sử của Kitô giáo mà đảo Cipro là một bàn đạp để tiến vào đại lục, nhưng còn do sự xây dựng một xã hội tìm được sự phong phú của mình trong sự hội nhập. Tinh thần mở rộng, khả năng nhìn xa hơn những biên cương của mình, trẻ trung hóa và giúp tìm lại sự rạng ngời đã bị mất.

Kết thúc cuộc gặp gỡ với chính quyền Cipro vào lúc 6 giờ 30 chiều, Ðức Thánh cha về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và qua đêm.

Tòa này tọa lạc trong khu vực tu viện Thánh Giá, tài sản của Dòng Phanxicô tại Thánh địa. Các tu sĩ của dòng hoạt động từ thế kỷ XIII tại đảo Cipro. Khu vực tu viện cũng bao gồm nhà thờ Công giáo Latinh duy nhất tại đảo này.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page