Tôi mơ ước một thế giới biết chăm sóc thế giới tạo vật

và quan tâm đến những người yếu thế

 

Ðức Thánh Cha gửi lời chào thăm đến những người tham dự Tuần lễ xã hội của Pháp: "Tôi mơ ước một thế giới biết chăm sóc thế giới tạo vật và quan tâm đến những người yếu thế."

Mary Tran Vy

Vatican (VTW 28-11-2021) - Trong một lá thư do Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh ký, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chào thăm đến những người tham dự Tuần lễ Xã hội Pháp và mời gọi họ đừng ngại ngùng cùng nhau ước mơ. Vì khi chúng ta cùng nhau có những ước vọng, chúng ta sẽ có thể tạo ra "những thực tại mới".

"Khi chúng ta mơ ước một mình, mơ ước chỉ là một mơ ước; nhưng khi chúng ta cùng với những người khác cùng nhau mơ ước, những mơ ước này sẽ bắt đầu trở thành hiện thực." Trong thư gửi cho những người tham dự Tuần lễ Xã hội Pháp lần thứ 95, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã trích câu nói này của Ðức cố Tổng Giám mục Hélder Câmara của Brasil. Tuần lễ Xã hội đã được khởi sự tại Versailles vào ngày 26 tháng 11 năm 2021, với phương tiện trực tiếp diện kiến và trực tuyến trên mạng kéo dài ba ngày với chủ đề "Dare to Dream the Future: Taking Care of People and the Earth" (Dũng cảm mơ ước một tương lai: Chăm sóc nhân loại và trái đất). Trong một lá thư do Ðức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra suy tư của mình về tầm quan trọng của những mơ ước.

Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng "chúng ta đừng ngại ngùng có những ước mơ, nhất là khi tất cả chúng ta đều có chung một ước mơ và cùng nhau nỗ lực để biến nó thành hiện thực". Từ điều này, Ðức Thánh Cha đã nhắc lại một số ước mơ đầy tham vọng được mô tả trong Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về vùng Amazon "Amazon thân yêu": Mơ ước về một "xã hội luôn phấn đấu cho những quyền lợi của những người nghèo khổ nhất" để "tiếng nói của người nghèo" có thể được nghe thấy, và nhân phẩm của người nghèo được tôn trọng"; mơ ước về một thế giới có thể bảo vệ "sự phong phú về văn hóa", để "sự vinh quang của bản chất con người có thể tỏa sáng theo nhiều cách khác nhau." Ngoài ra, Ðức Thánh Cha cũng hy vọng rằng xã hội biết bảo vệ thế giới tạo vật, "tiếp nhận thông điệp của Tin Mừng", nghĩa là "công bố tình yêu vô tận của Thiên Chúa dành cho mọi người".

Cùng nhau ấp ủ những ước mơ nghĩa là hiện thực hóa "văn hóa gặp gỡ": Trong thế giới mà đại dịch đã hoành hành gần hai năm nay, "văn hóa gặp gỡ" càng trở nên không thể thiếu. Trong bối cảnh đó, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng "cần phải hình thành một xã hội mà mọi người có thể sống trong hy vọng." Trong thời điểm quan trọng này, đây cũng là những đức tính mà các Kitô hữu cần phải có để mang lại thiện ích cho thế giới. Ðức Thánh Cha nhắc lại những lời của ngài trong thông điệp "Tình Huynh Ðệ" (Fratelli Tutti): "Niềm hy vọng là một khích lệ lớn; nó có thể gạt bỏ những lợi ích cá nhân, từ bỏ những phần thưởng vụn vặt vốn thu hẹp cuộc sống ổn định và an toàn trong môi trường sống chung của chúng ta, thay vào đó nó có thể khai mở cho chúng ta để giúp chúng ta đạt tới những lý tưởng cao đẹp và lớn lao hơn và có giá trị hơn." (Số 55). Ðây là "khát vọng và hy vọng phải được thành toàn". Nó lấp đầy sự trống rỗng của quả tim, nâng cao cuộc sống tinh thần và giúp con người hướng tới những điều cao cả của Chân, Thiện, Mỹ, của công lý và tình yêu. ".

Ðể đạt được mục tiêu này, Ðức Thánh Cha kêu gọi tất cả những người tham dự Tuần Lễ Xã Hội hãy "hỗ trợ, bảo vệ và thúc đẩy việc chăm sóc thế giới tạo vật và quan tâm đến những người yếu thế nhất" và hãy "phát triển toàn diện kể cả về mặt thiêng liêng của mỗi một con người." Cuối cùng, Ðức Thánh Cha đã trao phó những sinh hoạt và những quyết định của Tuần Lễ Xã Hội này cho Thiên Chúa và qua sự chuyển cầu của Ðức Trinh Nữ Maria.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page