Ðức Thánh Cha cám ơn

các linh mục tu sĩ và các giáo dân

đã giúp đỡ chăm sóc các bệnh nhân AIDS

 

Ðức Thánh Cha cám ơn các linh mục tu sĩ và các giáo dân đã giúp đỡ chăm sóc các bệnh nhân AIDS.

Mary Tran Vy

Vatican (VTW 17-11-2021) - Ký giả Michael O'Loughlin đã ghi lại nhiều bài báo và podcast để nói lên những công việc của các thành viên của giáo hội trong việc chăm sóc các bệnh nhân AIDS. Trong một bức thư trả lời gửi cho ký giả này, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi những thành viên này của giáo hội đã vì "lòng trắc ẩn" của họ khi mạo hiểm với công việc đầy rủi ro và nguy hiểm của họ.

Ðức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến nhiều linh mục, nữ tu và giáo dân đã giúp đỡ chăm sóc các bệnh nhân AIDS. Trong những thập niên 1980 và 1990, khi loại virus của bệnh AIDS chưa rõ nguồn gốc này đem lại tử vong gần như là 100%, họ là những người đã liều mạng để chung tay giúp đỡ chăm sóc những người bị nhiễm. Ðức Thánh Cha đã bày tỏ lòng biết ơn của mình trong một bức thư gửi cho ký giả Michael O'Loughlin. Ký giả này gần đây đã xuất bản một cuốn sách mới với tựa đề "Lòng thương xót chưa được biết đến: AIDS, Các tín hữu Công giáo, và câu chuyện về lòng thương xót trước những nỗi kinh hoàng mà chưa được kể lại".

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong một bức thư ngắn: "Cảm ơn nhiều linh mục, nữ tu và giáo dân đã làm gương sáng cuộc đời qua những công việc bác ái nhân đạo của họ. Họ đã chọn công việc đồng hành, hỗ trợ và chăm sóc những anh chị em đang mắc bệnh AIDS, đã mạo hiểm trong công việc với nhiều rủi ro nguy hiểm. "Khác với" sự thờ ơ, xa lánh hoặc thậm chí lên án của xã hội, những người này được thúc đẩy bởi lòng thương xót của Cha trên trời và đã phục vụ các bệnh nhân AIDS như một sự nghiệp trong đời của họ; đó là lòng thương xót trong một công tác hết sức cẩn thận, khiêm tốn và không khoa trương, nhưng đã có thể giúp đỡ và một lần nữa mang lại cho chúng ta một cuộc sống và một sự kiện đáng nhớ."

Ngày nay, công việc chăm sóc và giúp đỡ về thể chất cũng như tinh thần cho các bệnh nhân AIDS là một phần trong sứ mệnh của giáo hội. Tuy nhiên, khác với những trường hợp ở thuở ban đầu trước đây. Ở khoảng thời gian ban đầu của thập niên 1980, khi các nhà y khoa học mới phát hiện ra loại bệnh gây tử vong mới này trên một số bệnh nhân ở Mỹ, tuy các bệnh nhân không có triệu chứng gì ở giai đoạn đầu nhưng lại có khả năng lây nhiễm cực mạnh và đã nhanh chóng làm gây hoang mang trong xã hội. Tiếp theo là sự phân biệt đối xử và kỳ thị đối với những bệnh nhân này, thậm chí cả những người bị nghi ngờ là mắc bệnh.

Có rất nhiều trường hợp của các bệnh nhân AIDS ở New York vào thời điểm đó, và những bệnh nhân này đôi khi bị bệnh viện từ chối điều trị. Sự từ chối này đặc biệt xảy ra đối với những người đồng tính luyến ái, bởi vì có rất nhiều người đồng tính luyến ái bị nhiễm bệnh AIDS vào thời điểm đó. Vì lý do này, căn bệnh này ban đầu được định nghĩa là "hội chứng suy giảm miễn dịch liên quan đến người đồng tính luyến ái." Từ lâu, AIDS đã bị gán cho cái tên "bệnh dịch đồng tính luyến ái." Người đồng tính bị đuổi khỏi nơi làm việc và xa lánh các giáo xứ, vì có những thành viên của giáo hội gọi loại virus này là "sự trừng phạt của Thiên Chúa về tình dục trái đạo đức". Những trường hợp này đã được kéo dài trong nhiều năm. Sau đó, cũng có nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh xảy ra trên những người không phải là người đồng tính, từ đó mới làm rõ ràng rằng căn bệnh này rằng không liên hệ gì đến những người đồng tính, và từ đó người ta đặt tên cho căn bệnh này là "hội chứng suy giảm miễn dịch". Mặc dù vậy, bệnh nhân AIDS vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều sự kỳ thị.

Ngay khi tất cả mọi người đều khinh bỉ và xa lánh về đại dịch AIDS, Mẹ Teresa, người sáng lập Dòng Nữ tu Thừa Sai Bác ái Truyền giáo, đã xin Ðức Tổng giám mục New York lúc bấy giờ, là Ðức Hồng y Terence Cooke, vào dịp lễ Giáng sinh năm 1985, thành lập Trung Tâm "Ân Tình Yêu Thương" để chuyên môn chăm sóc các bệnh nhân AIDS. Nhiều năm sau, khi Mẹ Teresa nhớ lại giai đoạn đầu của công việc này đã chia sẻ rằng: "Ban đầu chúng tôi chuẩn bị 15 giường cho 15 bệnh nhân. Ðợt bệnh nhân đầu tiên là 4 bệnh nhân được đưa ra khỏi từ nhà tù vì họ không muốn chết trong tù. Tôi đã chuẩn bị một Nhà Nguyện nhỏ cho họ. Những người trẻ đó, có thể là họ chưa bao giờ đến với Chúa Giê-su, hoặc có thể đã xa lánh Chúa Giê-su, nhưng từ nay nếu họ muốn, họ có thể đến gần với Chúa Giê-su trong Nhà Nguyện nhỏ này". "Từ từ, cảm ơn Chúa, Tâm hồn cứng cõi của họ đã trở nên dịu hiền". Mẹ Teresa kể về cuộc gặp gỡ của Mẹ với một thanh niên đang ở giai đoạn cuối của bệnh AIDS: Người thanh niên này lẽ ra phải được đưa đến bệnh viện, nhưng anh ta cầu xin nữ tu cho anh ta ở lại "Nhà" (Trung Tâm) để anh ta có thể được ở gần với nữ tu và Chúa Giê-su, bởi vì những đau nhức trên đầu của anh, trên lưng của anh và tay chân của anh khiến anh ta nhớ đến những vết thương đau đớn của Chúa Giê-su trên thập giá.

Ngoài những công việc của Mẹ Teresa đã được rất nhiều người biết đến, vẫn còn có rất nhiều các nữ tu, linh mục và giáo dân ngay cả trước khi Mẹ Teresa bắt đầu với công việc này, họ đã tận tâm dấn thân giúp đỡ và chăm sóc những bệnh nhân AIDS, đặc biệt là vào những thời cao điểm của bệnh AIDS của những năm 1982 đến năm 1996. Ngoài những công việc từ thiện bác ái này, các thành viên của giáo hội trong thời đó cũng phải hết mình đấu tranh để chống lại với những định kiến bất công và phân biệt đối xử đối với các bệnh nhân AIDS.

Ký giả Michael O'Loughlin đã ghi lại những hành động tử tế của những người này trong nhiều bài báo và podcast, đồng thời ký giả cũng viết thư cho Ðức Thánh Cha để giới thiệu tác phẩm của ông. Trong thư trả lời, Ðức Thánh Cha đã trích dẫn "Phúc âm của Thánh Matthêu" và chỉ rõ chúng ta sẽ bị phán xét như thế nào: "Khi Ta đói, bạn cho ta ăn; Ta khát, bạn cho Ta uống; Ta là khách lạ, bạn đã tiếp đón Ta. Ta trần truồng, bạn đã cho Ta quần áo mặc; Ta bị bệnh, bạn đã chăm sóc Ta; Ta ở trong tù, bạn đã đến thăm viếng Ta." (Mt 25,35-36)

Ðiều đáng chú ý là khi Ðức Thánh Cha Phanxicô còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires, ngài đã rửa chân cho 12 bệnh nhân AIDS vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2008. Vào tháng 1 năm 2019, khi Ðức Thánh Cha đến Panama để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới, ngài đã đến thăm các bệnh nhân AIDS tại Trung Tâm Bác ái Samaritan. Ðức Thánh Cha nói vào thời điểm đó: "Người Samaritanô nhân từ cũng giống như Trung tâm của bạn đây, nói lên cho chúng ta thấy rằng người thân cận của ta trước hết họ cũng là một con người. Cho dù họ đang ở trong hoàn cảnh như thế nào, họ luôn là một con người với khuôn mặt cụ thể và thật sự, chứ không phải là một thứ gì đó để bị bỏ qua một bên hay bị lãng quên."

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page