Ðức Thánh cha chủ sự thánh lễ

cầu nguyện cho các hồng y, giám mục qua đời

 

Ðức Thánh cha chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho các hồng y, giám mục qua đời.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 04-11-2021) - Lúc 11 giờ sáng, ngày 04 tháng Mười Một năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện "Ngai tòa" (Cattedra), trong Ðền thờ thánh Phêrô để cầu nguyện cho 17 hồng y và 191 giám mục qua đời trong vòng mười hai tháng qua, trong đó đặc biệt có Ðức Hồng y Cornelius Sim, Ðại diện Tông tòa ở Tiểu quốc Brunei Darussalam, qua đời ngày 29 tháng Năm năm 2021, hưởng thọ 70 tuổi, sau sáu tháng được Ðức Thánh cha bổ nhiệm làm Hồng y.

Năm 2020, Ðức Thánh cha chủ sự thánh lễ ngày 05 tháng Mười Một để cầu cho sáu hồng y và 163 giám mục qua đời trong mười hai tháng trước đó. Lần này vì đại dịch, con số hồng y qua đời tăng quá gấp đôi, và số giám mục qua đời tăng thêm gần ba mươi vị.

Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có gần sáu mươi hồng y và giám mục thuộc Giáo triều Roma, trước sự hiện diện của hàng trăm tu sĩ và giáo dân.

Bài giảng

Trong bài giảng, Ðức Thánh cha diễn giải sách Ai Ca, đặc biệt là câu "Thật là tốt khi thinh lặng chờ đợi ơn cứu thoát của Chúa" (Ac 3,26). Ðức Thánh cha nói: "Anh chị em thân mến, thật là quan trọng việc học cách chờ đợi Chúa. Chờ đợi Chúa trong ngoan ngoãn, tín thác, xua đuổi mọi bóng ma, mọi thái độ cuồng tín và ồn ào; nhất là trong những thời kỳ thử thách, giữ thinh lặng trong thái độ đầy hy vọng. Chính như thế, chúng ta chuẩn bị cho cuộc thử thách cuối cùng và lớn nhất trong đời, đó là cái chết. Mỗi người chúng ta cần trưởng thành trong thái độ này. Ðứng trước những khó khăn và các vấn đề của cuộc sống, thật là khó kiên nhẫn và giữ thanh thản. Sự phẫn nộ và nhiều khi sự chán nản cũng thường xảy tới. Có thể xảy ra là ta bị sự bi quan và cam chịu cám dỗ mạnh mẽ, nhìn mọi sự đều đen tối, và quen có giọng điệu chán nản và phàn nàn, tương tư như những lời tác giả ở đầu sách Ai Ca".

Nhưng Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Trong vực thẳm, trong âu lo của sự vô nghĩa lý, Thiên Chúa đến gần và cứu thoát. Và khi sự cay đắng đạt tới tột đỉnh, thì bất chợt niềm hy vọng tươi nở, như sách Ai Ca đã nói (3,21).

Ðức Thánh cha giải thích: "Sự thay đổi này không xảy ra vì các vấn đề biến mất, nhưng vì cuộc khủng hoảng trở thành một cơ hội huyền nhiệm để thanh tẩy nội tâm. Thực vậy, sự thịnh vượng, nhiều khi làm ta trở nên mù quáng, hời hợt, kiêu hãnh. Trái lại, việc tiến qua thử thách, nếu được sống trong sức nóng của đức tin, dù cam go và có nước mắt, nó sẽ làm cho chúng ta hồi sinh, chúng ta trở nên khác so với quá khứ. Một Giáo phụ đã dạy rằng: "Không có gì hơn đau khổ giúp chúng ta khám phá những điều mới mẻ" (S. Gregorio di Nazianzo, Ep. 34).

Và Ðức Thánh cha kết luận: "Ngày hôm nay, trước mầu nhiệm sự chết được cứu chuộc, chúng ta hãy cầu xin ơn được nhìn những nghịch cảnh với cặp mắt khác. Chúng ta hãy xin ơn biết chúng trong thinh lặng dịu dàng và tín thác chờ đợi ơn cứu độ của Chúa, không than vãn cũng chẳng càu nhàu. Ðiều có vẻ là một hình phạt, thực ra là một ơn phúc, một sự chứng tỏ mới tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Kitô hữu không coi nhẹ sự nặng nề của khổ đau, nhưng hướng nhìn lên Chúa và dưới những ngón đòn của thử thách, tín thác nơi Chúa và cầu nguyện cho người đau khổ. Kitô hữu hướng nhìn lên trời nhưng đôi tay luôn giơ ra trên mặt đất để phục vụ tha nhân một cách cụ thể".

(Sala Stampa 4-11-2021)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page