Ðức Thánh Cha thúc giục COP26:

Hãy chọn để trao lại cho con cháu

một trái đất lành mạnh

 

Ðức Thánh Cha thúc giục COP26: Hãy chọn để trao lại cho con cháu một trái đất lành mạnh.

Mary Tran Vy

Glasgow (VTW News 3-11-2021) - Ðức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã đọc một thông điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô gửi những người tham dự tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu ở Glasgow. Trong thông điệp Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng mọi người phải hành động cụ thể để cứu trái đất, cũng như cứu loài người đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ðức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đang ở Glasgow, Scotland, đại diện cho Ðức Thánh Cha và Tòa Thánh tại cuộc họp lần thứ 26 của Hội nghị toàn thể các thành viên của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu. Vào chiều ngày 2 tháng 11 năm 2021, Ðức Hồng y Parolin đã đọc thông điệp của Ðức Thánh Cha trước các đại biểu. Trong thông điệp Ðức Thánh Cha chỉ ra rằng trách nhiệm chính của phiên họp này là thể hiện ý chí chân thành, có trách nhiệm và dũng cảm với cộng đồng quốc tế nhằm triển khai nhiều hơn nữa về nhân bản, kinh tế. Tận dụng các khả năng khoa học và công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực của sự biến đổi khí hậu và giúp đỡ những người nghèo nhất và yếu nhất đang phải gánh chịu do hậu quả của sự biến đổi này.

Nhiệm vụ này ngày càng trở nên khó khăn hơn vì phải đạt được trong thời kỳ đại dịch toàn cầu. Ðức Hồng y diễn giải rằng bệnh dịch dạy chúng ta là để chống lại bệnh dịch, tất cả mọi người phải đoàn kết cùng nhau chung tay tham gia vào sự phòng chống dịch. Cuộc sống sau đại dịch chắc chắn khác với trước đại dịch, và cuộc sống sau đại dịch đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau xây dựng và sửa chữa những sai lầm trong quá khứ. Ðiều này cũng đúng đối với vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu. Chúng ta không còn cách nào khác. Chỉ khi làm việc cùng nhau và cùng chịu trách nhiệm, chúng ta mới có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Thỏa thuận Paris. Ðó là một mong ước trong tất cả các mong ước và không thể trì hoãn nữa, và ngày nay chính những người đang tham dự trong Ðại hội này là những người sẽ đưa ra những quyết định, định hướng cho một tương lai lành mạnh của thế giới.

Sau đó, Hồng y Parolin tiếp rằng chúng ta đang trải qua những thay đổi của thời đại và những thách thức của nền văn minh. Trước tình hình đó, các quốc gia cần phát huy khả năng lớn hơn để đi đầu trong lĩnh vực tài chính chi cho những chi phí cho việc giảm thiểu sự biến đổi khí hậu. Ðức hồng y kể ra hai phương án chính của Tòa thánh trong việc giảm thiểu khí thải: thứ nhất, Nhà nước Thành phố Vatican hứa sẽ đạt được mục tiêu này vào năm 2050; thứ hai, Tòa thánh cam kết thúc đẩy giáo dục về hệ sinh thái tổng thể, nhận thức rõ ràng rằng quá trình giáo dục phải đi đôi với chính trị, khoa học, công nghệ và với các biện pháp thiết thực, và đặc biệt là thúc đẩy lối sống mới trong giới trẻ, khuyến khích phát triển dựa trên tình huynh đệ và các mô hình văn hóa lành mạnh, và nhận thức sự tương quan không thể tách rời giữa con người và môi trường tự nhiên. Ðối mặt với thời kỳ hậu đại dịch, chúng ta cần hy vọng và dũng cảm, bởi vì con người có nhiều phương cách khác nhau để đối phó với những biến đổi này; và trong quá trình chuyển đổi, chúng ta cũng phải xem xét cẩn thận các ảnh hưởng tác hại đối với giới lao động.

Về vấn đề này, Ðức Hồng Y Parolin kêu gọi sự quan tâm đặc biệt đến những người dễ bị tổn thương nhất và vấn đề "còn thiếu nợ sinh thái" đối với họ. Những nhóm dễ bị tổn thương nhất đáng được chăm sóc đặc biệt. Ở một mức độ nào đó, "món nợ sinh thái" cũng gợi nhớ đến vấn đề nợ nước ngoài và áp lực thường cản trở sự phát triển của con người. Giai đoạn sau đại dịch có thể và nên bắt đầu lại việc đo lường tất cả các khía cạnh liên quan để tạo ra sự phát triển mà mọi người đều có thể tham gia.

Ngoài ra, Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng chỉ ra một điều đáng buồn là chúng ta vẫn còn quá xa với mục tiêu mong muốn trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chúng ta không thể tiếp tục với hiện trạng như vậy mãi. Nhiều sự kiện diễn ra trước hội nghị về sự biến đổi khí hậu này cho thấy thời gian không còn nhiều. Chúng ta hiểu rằng cuộc khủng hoảng này liên quan đến quyền lợi của các thế hệ tương lai, và trong tương lai gần, số lượng người di dân vì những thiên tai do sự biến đổi môi trường sẽ vượt quá số lượng người tị nạn do các xung đột gây ra. Vì vậy, chúng ta rất cần phải có những hành động dũng cảm và với trách nhiệm.

Trong phần cuối thông điệp của Ðức Thánh Cha, Ðức Hồng y Parolin phát biểu rằng trong vài năm qua, giới trẻ đã thúc giục chúng ta nhanh chóng hành động. Trái đất tương lai của những người trẻ sẽ là những gì mà chúng ta chọn để quyết định truyền lại cho họ, và nền tảng của nó chính là sự quyết định cụ thể mà chúng ta đưa ra ngày hôm nay. Cuối cùng, Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã chuyển lời và lòng mong muốn đích thân tới tham dự Ðại Hội của Ðức Thánh Cha, đồng thời đảm bảo với tất cả mọi người có mặt rằng Ðức Thánh Cha sẽ đồng hành với họ trong suốt các buổi cầu nguyện của ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page