Sứ điệp Ðức Thánh cha gửi Hội nghị COP26
Sứ điệp Ðức Thánh cha gửi Hội nghị COP26.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 02-11-2021) - Ðức Thánh cha Phanxicô kêu gọi các phái đoàn chính phủ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP26, về sự thay đổi khí hậu, thực sự quyết tâm dấn thân bằng các phương thế thích hợp để đối phó với nạn thay đổi khí hậu.
Ðức Thánh cha đưa ra lời kêu gọi này, trong sứ điệp gửi Hội nghị Thượng định đang tiến hành tại thành phố Glasgow, từ ngày 31 tháng Mười đến ngày 12 tháng Mười Một năm 2021. Sứ điệp được Ðức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Trưởng phái đoàn Tòa Thánh tại COP26 tuyên đọc tại Hội nghị, trước sự tham dự của gần 200 nước trên thế giới cùng với đông đảo các chuyên gia về khí hậu.
Ðức Thánh cha nhận định rằng Hội nghị Thượng đỉnh này "có một nghĩa vụ quan trọng, là chứng tỏ cho toàn thể cộng đồng quốc tế xem thực sự có ý chí chính trị, thành tâm, với tinh thần trách nhiệm và can đảm, dành nhiều hơn nhân lực, tài nguyên và kỹ thuật để làm dịu bớt những hậu quả tiêu cực của sự thay đổi khí hậu hay không, để giúp đỡ các dân tộc nghèo và dễ bị tổn thương, là những người phải chịu nhiều hậu quả nhất".
Ðức Thánh cha xác quyết rằng: "Chúng ta không có những giải pháp khác. Chúng ta chỉ có thể đạt được những mục tiêu đã ghi trong Hiệp định Paris, năm 2015 chặn bớt sự thay đổi khí hậu, nếu chúng ta hành động một cách có phối hợp trong tinh thần trách nhiệm. Ðó là những mục tiêu rộng lớn và khó khăn, nhưng không thể hoãn lại được. Hội nghị COP26 này có thể và phải tích cực góp phần vào sự xây dựng đầy ý thức một tương lai, trong đó những thái độ hằng ngày và những đầu tư kinh tế tài chánh có thể thực sự cứu vãn những điều kiện của một cuộc sống xứng đáng với nhân loại hôm nay và ngày mai, trên một trái đất "lành mạnh".
Ðức Thánh cha cũng nhận xét rằng: "những vết thương do đại dịch Covid-19 và hiện tượng thay đổi khí hậu gây ra, có thể ví như những hậu quả của một xung đột hoàn cầu. Vì thế, cũng như sau thời Thế chiến thứ II, ngày nay toàn thể cộng động quốc tế cũng phải coi là ưu tiên việc thực hiện những hoạt động tập thể, liên đới và sáng suốt. Chúng ta đang cần hy vọng và can đảm. Nhân loại có các phương tiện để đương đầu với sự biến đổi này, nó đòi một sự hoán cải, thay đổi thực sự, cá nhân cũng như cộng đoàn, và ý chí quyết định tiến bước trên con đường này. Vấn đề ở đây là chuyển tiếp, tiến đến một kiểu mẫu phát triển dựa trên tình liên đới và trách nhiệm; một sự biến đổi trong đó cần chú ý đến cả những hậu quả trên thế giới lao động".
Cũng trong sứ điệp, Ðức Thánh cha kêu gọi cộng đồng quốc đừng quên vấn đề các món nợ của các nước nghèo đối với các nước ngoài, sức ép của các món nợ này thường cản trở sự phát triển của các dân tộc. Thời hậu đại dịch Covid-19 có thể và phải tái khởi hành, để ý đến mọi khía cạnh, gắn liền với cả việc khởi sự các tiến trình thương thuyết để tha nợ nước ngoài, liên kết với một sự cơ cấu hóa kinh tế lâu bền và công bằng hơn, nhắm nâng đỡ tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Ðiều cần thiết là các nước phát triển góp phần giải quyết món nợ về sinh thái, bằng cách giới hạn nhiều việc tiêu thụ các năng lượng không tái tạo được và cung cấp nguồn tài nguyên cho các nước túng thiếu nhất, để thăng tiến những chính sách và chương trình phát triển bền vững".
Ðức Thánh cha cũng cho biết từ tháng Mười Hai năm ngoái, Tòa Thánh đã chấp nhận một kế hoạch giảm bớt hoàn toàn số thán khí thải ra, bằng cách tiến hành trên hai bình diện: trước tiên Quốc gia thành Vatican cam kết đạt tới mục tiêu này trước năm 2050, và tiếp đến là Tòa Thánh dấn thân thăng tiến một nền giáo dục sinh thái toàn diện, với ý thức rằng các biện pháp chính trị, kỹ thuật và hành động phải đi kèm với tiến trình giáo dục, nhất là nơi giới trẻ, cổ võ những lối sống mới, hỗ trợ một kiểu mẫu văn hóa phát triển và bền vững, qui trọng tâm vào tình huynh đệ và liên minh giữa con người và môi trường thiên nhiên".
(Sala Stampa 2-11-2021)