Chỉ tình yêu mới có sức mạnh
thu hút và thay đổi trái tim con người
Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Chỉ tình yêu mới có sức mạnh thu hút và thay đổi trái tim con người.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 28-10-2021) - Lúc 9 giờ sáng, thứ Tư 27 tháng 10 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, hiện diện đông đảo tại Ðại thính đường Phaolô VI ở Nội thành Vatican.
Ðây là buổi tiếp kiến chung thứ 33 tính từ đầu năm 2021.
Sau khi Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá mở đầu, mọi người nghe đọc một đoạn ngắn, trích từ đoạn 5, thư thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Galát (5,22-24):
Lắng nghe Lời Chúa
"Anh chị em, thành quả của Thánh Linh là tình thương, vui mừng, an bình, đại đảm, từ nhân, tốt lành, trung thành, dịu dàng, tự chủ; chống lại những điều ấy chẳng có Luật. Những người thuộc về Chúa Giêsu Kitô đã chịu đóng đinh xác thịt cùng với những đam mê và ước muốn của mình.
Bài huấn giáo
Tiếp đó, Ðức Thánh cha trình bày bài thứ 13, trong loạt bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Bài này có tựa đề là: "Thành quả của Thánh Linh".
Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Vị trí trung tâm của thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô
Việc rao giảng của thánh Phaolô hoàn toàn tập trung vào Chúa Giêsu và về mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa. Thực vậy, thánh Tông đồ tự giới thiệu mình là người loan báo Chúa Kitô, và Chúa Kitô chịu đóng đinh (Xc 1 Cr 2,2). Với những người thành Galát, bị cám dỗ muốn hạ thấp lòng đạo đức của họ vào việc tuân giữ các giới luật và truyền thống, thánh nhân nhắc nhở họ về chỗ đứng trung tâm của ơn cứu độ và đức tin, đó là cái chết và sự sống lại của Chúa. Ngài làm điều đó bằng cách đặt trước mặt họ thực tại thập giá Chúa Giêsu. Thánh nhân viết: "Ai đã mê hoặc anh chị em? Chính anh chị em là những người được thấy trước mắt Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đanh" (Gl 3,1).
Cám dỗ tập trung vào nghi thức và giới luật
Ngày nay, vẫn còn nhiều người tìm kiếm an ninh tôn giáo trước cả Thiên Chúa hằng sống và chân thực, tập trung vào những nghi thức và giới luật, hơn là đón nhận Thiên Chúa tình thương, với trọn con người của mình. Vì thế, thánh Phaolô xin các tín hữu Galát hãy trở về với điều thiết yếu, về với Thiên Chúa là Ðấng ban sự sống trong Chúa Kitô chịu đóng đanh. Thánh nhân đã đích thân làm chứng về điều đó: "Tôi đã được đóng đanh cùng với Chúa Kitô, không còn là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20). Và vào cuối lá thư, thánh nhân quả quyết: "Về phần tôi, tôi không hãnh diện về điều gì khác ngoài thập giá của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (6,14).
Vị thế trung tâm của thập giá
Nếu chúng ta mất con đường hướng dẫn đời sống thiêng liêng, nếu có hàng ngàn vấn đề và tư tưởng vây bủa chúng ta, thì chúng ta hãy nhận lời khuyên của thánh Phaolô: Chúng ta hãy đặt mình trước Chúa Kitô chịu đóng đanh, tái khởi hành từ Chúa. Chúng ta hãy cầm thánh giá trên tay, áp chặt vào con tim. Hoặc chúng ta dừng lại thờ lạy trước Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu là Bánh được bẻ ra cho chúng ta, Chúa chịu đóng đanh phục sinh, quyền năng của Thiên Chúa đổ tràn tình thương của Người trong tâm hồn chúng ta.
Thánh Linh ban sự sống
Giờ đây, tiếp tục được thánh Phaolô hướng dẫn, chúng ta hãy lùi lại một bước. Chúng ta hãy tự hỏi: điều gì xảy ra khi chúng ta gặp trong kinh nguyện Chúa Giêsu chịu đóng đanh? Thưa, xảy ra điều đã diễn ra nơi thập giá; Chúa Giêsu trao Thần Trí của Người (Xc Ga 19,30), nghĩa là ban chính sự sống của Người. Và Thánh Linh, phát sinh từ cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu, là nguyên lý đời sống thiêng liêng, chính Người thay đổi con tim: không phải do công việc của chúng ta, nhưng là hoạt động của Thánh Linh trong chúng ta! Chính Người hướng dẫn Giáo hội và chúng ta được kêu gọi tuân phục hoạt động của Chúa, Ðấng thổi nơi Người muốn. Ðàng khác, chính sự nhận thức Chúa Thánh Linh xuống trên tất cả và ơn thánh của Người hoạt động không loại trừ ai, để thuyết phục cả những người do dự nhất trong các tông đồ, hãy rằng Tin mừng của Chúa Giêsu được dành cho tất cả mọi người, chứ không phải cho vài người ưu tiên. Như thế, đời sống cộng đoàn được tái sinh trong Thánh Linh; và cũng luôn nhờ Người mà chúng ta nuôi dưỡng đời sống Kitô và tiến hành cuộc chiến đấu thiêng liêng của chúng ta.
Cuộc chiến đấu thiêng liêng
Chính cuộc chiến đấu thiêng liêng là một bài học lớn của thư gửi tín hữu Galát. Thánh Tông đồ trình bày hai phe đối nghịch nhau: một đàng là "những công việc của xác thịt"; và đàng khác là "thành quả của Thánh Linh". Ðâu là những công việc của xác thịt? Ðó là những thái độ trái ngược với Thánh Linh của Thiên Chúa. Thánh Tông đồ gọi những việc của xác thịt, không phải vì trong thể xác con người chúng ta có cái gì sai trái hoặc xấu xa; đúng hơn chúng ta đã thấy thánh Tông đồ nhấn mạnh về thực tại thể xác con người được Chúa Kitô mang trên thập giá! Xác thịt là một từ chỉ con người trong chiều kích hoàn toàn trần tục, khép kín trong mình, trong một cuộc sống theo chiều ngang, nơi đó nối tiếp những bản năng trần tục và khép cửa đối với Thánh Linh, Ðấng nâng chúng ta lên và mở chúng ta cho Thiên Chúa và tha nhân.
Những công việc của xác thịt
Nhưng xác thịt cũng nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những điều ấy trở nên già nua và qua đi, hư nát, trong khi Thánh Thần ban sự sống. Vì thế, thánh Phaolô liệt kê những công việc của xác thịt, chúng nói về việc sử dụng ích kỷ tính dục, những thực hành ma thuật là tôn thờ thần tượng và những gì làm hư hỏng tương quan giữa con người với nhau, như "bất hòa, ghen tương, bất thuận, chia rẽ, bè phái, ghen tị..." (Xc Gl 5,19-21).
Hoa trái của Thánh Linh
Trái lại, thành quả của Thánh Linh là: "tình thương, vui mừng, an bình, đại đảm, từ nhân, tốt lành, trung thành, hiền từ, tự chủ" (Gl 5,22). Các tín hữu Kitô đã được "mặc lấy Chúa Kitô" khi chịu phép rửa (Gl 3,27), họ được kêu gọi sống như thế. Có thể là một việc tập luyện tốt về linh đạo khi đọc danh sách của thánh Phaolô và xét lối cư xử của mình, để xem nó có tương ứng hay không, xem đời sống chúng ta có thực sự theo Thánh Linh, có mang lại những hoa trái hay không. Ví dụ, ba thành quả đầu tiên là tình thương, an bình và vui tươi: từ đó người ta nhận ra một người được Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trị.
Áp dụng vào các cộng đoàn Kitô
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Giáo huấn này của thánh Tông đồ đặt ra một thách đố đẹp, cả trong các cộng đoàn của chúng ta. Nhiều khi người đến gần Giáo hội có cảm tưởng mình đang đứng trước một loạt các giới răn và luật lệ. Nhưng trong thực tế, ta không thể lãnh nhận vẻ đẹp của đức tin trong Chúa Giêsu Kitô đi từ quá nhiều giới luật và từ một quan niệm luân lý, được phát triển trong nhiều trào lưu, có thể làm quên đi sự phong phú đặc sắc của tình thương, được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện mang lại an bình và chứng từ vui tươi. Ðồng thời, cuộc sống trong Thánh Linh được biểu lộ trong các Bí tích không thể bị bóp nghẹt vì bệnh bàn giấy, ngăn cản không cho tiến tới ơn thánh của Thánh Linh, tác giả của sự hoán cải tâm hồn. Vì thế chúng ta có trách nhiệm lớn loan báo Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại, được linh hoạt nhờ hơi thở của Thánh Thần Tình Yêu. Vì chỉ có Tình Yêu có sức mạnh thu hút và thay đổi trái tim của con người.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm lược bài giáo lý của Ðức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.
Khi chào bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha nói: "Theo lời thỉnh cầu của Hội "Ủng hộ sự sống" ở BaLan, hôm nay tôi đã làm phép các chuông tên là "Tiếng nói của các trẻ không được sinh ra". Các chuông này được gửi sang Ecuador và Ucraina. Ước gì đối với các nước đó và tất cả mọi người, các chuông này là dấu chỉ sự dấn thân bảo vệ sự sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Ước gì tiếng chuông loan báo cho thế giới "Tin mừng sự sống", thức tỉnh lương tâm con người và nhắc đến những trẻ không được sinh ra. Tôi phó thác cho kinh nguyện của anh chị em mỗi trẻ em được thụ thai, sự sống của các em là thánh thiêng và bất khả xâm phạm."
Khi chào bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nhắc đến một số tổ chức và hội đoàn, và cả cộng đoàn người Sri Lanka ở Napoli, nam Italia.
"Sau cùng, - Ðức Thánh cha nói - như thường lệ, tôi nghĩ đến những người cao niên, người trẻ, các bệnh nhân và đông đảo các đôi tân hôn. Tôi khích lệ anh chị em làm chứng về sứ điệp cứu độ mà hai thánh tông đồ Simon và Giuda, chúng ta mừng kính ngày mai, 28/10, đã làm chứng bằng chính cuộc sống của các ngài.
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.