Hãy ngỏ lời với Thiên Chúa hết tâm hồn,
trong niềm tin tưởng Chúa lắng nghe mọi kinh nguyện
Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Hãy ngỏ lời với Thiên Chúa hết tâm hồn, trong niềm tin tưởng Chúa lắng nghe mọi kinh nguyện.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 25-10-2021) - Trưa Chúa nhật, 24 tháng 10 năm 2021, bầu trời Roma trong xanh, đã có khoảng 8,000 người đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô.
Trong phần chào thăm, Ðức Thánh cha bày tỏ tình liên đới với hàng ngàn người di dân đang đau khổ tại Libia và kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm giải pháp cho vấn đề này. Ðức Thánh cha cũng chào mừng hai vị chân phước mới và, nhân dịp Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 95, ngài nhiệt liệt cám ơn các thừa sai đang dấn thân tại các nước trên thế giới.
Huấn dụ của Ðức Thánh cha
Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Marco (Mc 10,46-52), đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ XXX thường niên năm B, thuật lại phép lạ Chúa chữa người mù Bartimeo ở ngoại thành Giêricô.
Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúa Giêsu dừng lại trước tiếng kêu của người mù
Tin mừng trong phụng vụ hôm nay kể lại sự tích Chúa Giêsu, khi đi ra khỏi thành Giêricô, đã chữa lành ông Bartimeo, một người mù ăn xin bên vệ đường (Xc Mc 10,46-52). Ðó là một cuộc gặp gỡ quan trọng cuối cùng, trước khi Chúa vào thành Jerusalem để chịu khổ nạn. Bartimeo bị mù nhưng không mất tiếng nói! Thực vậy, khi nghe Chúa Giêsu sắp đi qua đó, ông bắt đầu kêu to: "Lạy Ðức Giêsu, Con Vua Ðavít, xin thương xót con!" (v.48). Chúa Giêsu nghe thấy, liền dừng lại ngay. Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu của người nghèo. Ngài không hề bị làm phiền vì tiếng nói của Bartimeo, trái lại, Ngài nhận thấy rằng tiếng nói ấy đầy lòng tin, một niềm tin không ngại nài nỉ, gõ cửa tâm hồn Thiên Chúa, mặc dù bị hiểu lầm và trách cứ. Và đây chính là căn cội của phép lạ. Thực vậy, Chúa Giêsu nói với ông ta: "Ðức tin của ông đã cứu ông" (v.52).
Ðức tin từ lời cầu nguyện
Ðức tin của Bartimeo xuất phát từ kinh nguyện của ông. Ðó không phải là một kinh nguyện rụt rè và chiếu lệ. Nhất là ông gọi Chúa là "Con Vua Ðavit": nghĩa là ông nhìn nhận Ngài là Ðức Messia, vị Vua đến trong trần thế. Rồi ông gọi danh Ngài với lòng tín thác: "Ðức Giêsu". Ông không sợ hãi Ngài, không xa cách. Và thế là, từ con tim, ông nói lên tất cả thảm trạng của ông với Thiên Chúa: "Xin thương xót con!". Ông không xin Ngài những đồng tiền cắc, như ông vẫn xin những người qua đường. Ông xin tất cả mọi sự với Ðấng có thể làm mọi sự": "Xin thương xót con, thương xót trọn thân phận của con". Ông không xin một ơn, nhưng trình bày bản thân: ông xin lòng thương xót cho con người của ông, cho cuộc sống của ông. Ðó không phải là một lời xin ít ỏi, nhưng rất đẹp đẽ, vì khẩn cầu lòng từ bi, nghĩa là sự cảm thương, lòng xót thương của Thiên Chúa, sự dịu dàng của Ngài.
Lời cầu xin của Bartimeo
Bartimeo không dùng nhiều lời. Ông nói điều thiết yếu và phó thác cho tình thương của Thiên Chúa, Ðấng có thể làm cho cuộc sống của ông được tươi nở bằng cách thực hiện điều mà con người không thể làm được. Vì thế, ông không xin Chúa tiền bố thí, nhưng biểu lộ tất cả, sự mù lòa và đau khổ của ông, đi xa hơn tình trạng không thể nhìn thấy. Sự mù lòa của ông chỉ là đỉnh của một băng sơn, nhưng trong tâm hồn ông đã có những vết thương, tủi nhục, những giấc mơ bị tan vỡ, lỗi lầm, hối hận.
Áp dụng vào cuộc sống
"Lạy Ðức Giêsu, Con Vua Ðavit, xin thương xót con!" Ngày hôm nay chúng ta hãy chọn kinh nguyện này làm lời cầu của chúng ta. Chúng ta hãy lặp lại. Và chúng ta hãy tự hỏi: "Kinh nguyện của tôi như thế nào?" Có can đảm, có nài nỉ tha thiết, như lời cầu của Bartimeo hay không, có biết "bám lấy" Chúa đi qua, hay tôi chỉ hài lòng chào Ngài một cách chiếu lệ thỉnh thoảng, khi tôi nhớ đến Ngài? Và rồi: kinh nguyện của tôi có "chất lượng", bộc lộ con tim cho Chúa hay không? Tôi có kể lại cho Chúa lịch sử và những bộ mặt của cuộc đời tôi hay không? Hay là vô hồn, hời hợt, với những nghi thức không có tình cảm và không có hồn? Khi đức tin sinh động, thì kinh nguyện tha thiết: không xin những đồng tiền cắc, không thu hẹp vào những nhu cầu nhất thời. Cần xin mọi sự với Chúa Giêsu, Ðấng có thể làm mọi sự. Chúa mong đổ tràn ơn thánh và niềm vui của Ngài trong tâm hồn chúng ta, nhưng đáng tiếc là chính chúng ta giữ khoảng cách xa Chúa, vì nhút nhát, lười biếng hoặc không tin tưởng. Bartimeo nêu gương cho chúng ta về niềm tin cụ thể của ông, nài nỉ và can đảm.
Rồi Ðức Thánh cha kết luận: "Xin Ðức Mẹ, là Ðức Trinh Nữ cầu nguyện, dạy chúng con ngỏ lời với Thiên Chúa hết tâm hồn, trong niềm tin tưởng Chúa lắng nghe mọi kinh nguyện".
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Ðức Thánh cha nhắc đến thảm trạng hàng ngàn người di dân đang ở trong các trại tại Libia và nói nơi họ bị đối xử với bạo lực và tàn ác. Tại Libia, có những trại tập trung thực sự. Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm giải pháp thích hợp và nhân đạo.
Ðức Thánh cha cũng nhắc đến hai chân phước được tôn phong cuối tuần qua: Trước tiên là nữ tu Lucia Ðức Mẹ Vô Nhiễm, thuộc Dòng Nữ Tỳ Bác Ái, qua đời năm 1954 lúc mới được 45 tuổi vì bệnh ung thư gan, được tôn phong sáng thứ Bảy, 23 tháng 10 năm 2021, tại thành Brescia, bắc Ý. Chị nổi bật về đức bác ái và tinh thần phục vụ tha nhân trong các sinh hoạt hằng ngày tại tu viện cũng như những người nghèo khổ khác.
Tiếp đến là chân phước Sandra Sabattini, một sinh viên y khoa, qua đời lúc 22 tuổi vì tai nạn xe hơi, nổi bật về đời sống cầu nguyện và bác ái. Chị được tôn phong chiều Chúa nhật, 24 tháng 10 năm 2021 tại Rimini, trung Ý.
Sandra sống trong vui tươi và trung thành chu toàn bổn phận của mình, với những cử chỉ bé nhỏ yêu thương hướng đến tột đỉnh, trong một tình bạn nồng nhiệt với Chúa Kitô "nghèo hèn và phục vụ", trong một việc phục vụ quảng đại và không biết mệt mỏi dành cho người nghèo...".
Nhân ngày Thế giới Truyền giáo, Ðức Thánh cha nhiệt liệt cám ơn các thừa sai đang loan báo Tin mừng và phục vụ tại các nơi trên thế giới, không phải để "chiêu dụ tín đồ", nhưng làm chứng nhân cho Chúa.
Sau hết, Ðức Thánh cha chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương. Ngài cầu chúc mọi người một Chúa nhật an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.