Tia hy vọng hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi
Tia hy vọng hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Bangui (RVA News 20-10-2021) - Một tia sáng hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi, từ lâu ở trong tình trạng nội chiến: Hôm 16 tháng 10 năm 2021, Tổng thống Faustin Touadéra đã tuyên bố đơn phương ngưng các cuộc hành quân trên toàn lãnh thổ quốc gia, từ nửa đêm ngày 17 tháng 10 năm 2021 để tạo điều kiện cho con đường hòa giải.
Cộng hòa Trung Phi bị Liên Hiệp Quốc xếp đứng hàng thứ hai trong số các nước kém phát triển nhất thế giới. Từ 15 năm nay, Trung Phi chịu nội chiến giữa các lực lượng chính phủ và nhiều nhóm phiến quân khác nhau. Có những nhóm phiến quân xưng mình là Hồi giáo và đòi nhiều quyền tự trị hơn cho miền bắc Trung Phi. Các vị lãnh đạo Công giáo và Hồi giáo Trung Phi đã nhiều lần kêu gọi đối thoại và dấn thân cổ võ hòa giải đất nước.
Năm 2020, phiến quân họp thành "Liên minh Yêu Nước để thay đổi" (Cpc) và chiếm tới hơn hai phần ba lãnh thổ quốc gia, để ngăn cản sự tái cử của Tổng thống Touadéra. Ông đã cầu cứu với Nga và nước Rwanda can thiệp để hỗ trợ quân chính qui.
Hồi cuối tháng Mười Một năm 2015, Ðức Thánh cha Phanxicô đã đến thủ đô Bangui để mở cửa Năm thánh Lòng thương xót, tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Bangui, bất chấp sự khuyên can của Pháp vì tình trạng thiếu an ninh.
Trước sáng kiến đơn phương ngưng chiến của Tổng thống Touadéra, cha Aurekio Gazzera, dòng Camelo, thừa sai tại Trung Phi, bày tỏ lạc quan dè dặt và chào mừng quyết định của Tổng thống như một dấu hiệu thiện chí, tuy rằng đất nước vẫn còn bị bạo lực và nhiều căng thẳng. Thực tại còn ở xa sự hòa giải. Cả Liên Hiệp Quốc cũng đang tạo sức ép để thúc đẩy các phe lâm chiến đối thoại, nhưng ít có hy vọng.
Cha Gazzera cho biết nhiều vùng tại Trung Phi hoàn toàn vượt khỏi sự kiểm soát của chính phủ và đồng minh Nga. Cả các đội quân mũ xanh của Liên Hiệp Quốc cũng mất sự kiểm soát nhiều vùng tại nước này. Dầu sao cử chỉ của Tổng thống cũng là một dấu hiệu thiện chí. Cha Gazzera nói: "Cộng đồng quốc tế có thể và phải làm hơn nữa. Trung Phi không thể tiếp tục sống như vậy nữa".
(Vatican News 17-10-2021)