Tự do Kitô giáo là cởi mở và đón nhận
mọi người và mọi nền văn hóa
Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Tự do Kitô giáo là cởi mở và đón nhận mọi người và mọi nền văn hóa.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 13-10-2021) - Sáng thứ Tư 13 tháng 10 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung 6,000 tín hữu hành hương, ngồi đầy Ðại thính đường Phaolô VI ở Nội thành Vatican.
Ðây là buổi tiếp kiến chung thứ 31 tính từ đầu năm 2021.
Sau khi Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá mở đầu, tám linh mục lần lượt đọc bằng tám ngôn ngữ khác nhau đoạn 5, thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát (5,1.13).
Lắng nghe Lời Chúa
"Chúa Kitô đã giải thoát tôi để sống tự do! Vì thế, anh chị em hãy kiên vững và đừng để mình lại bị áp đặt chiếc gông cùm nô lệ [...]. Thực vậy, anh chị em đã được kêu gọi sống tự do".
Bài huấn giáo
Tiếp đó, Ðức Thánh cha trình bày bài thứ 11 trong loạt bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Bài này có tựa đề là: "Tự do Kitô, men giải phóng đại đồng".
Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
"Trong hành trình huấn giáo của chúng ta về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, chúng ta đã có thể qui trọng tâm vào nòng cốt của tự do theo thánh Phaolô: đó là nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Nói khác đi: chúng ta được tự do vì chúng ta được giải thoát, giải thoát nhờ ơn thánh, nhờ tình thương trở thành luật tối thượng và mới mẻ hướng dẫn đời sống Kitô."
Ðời sống mới giúp cởi mở
"Hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh làm thế nào cuộc sống mới mẻ ấy làm cho chúng ta cởi mở đón nhận mọi dân tộc và văn hóa và đồng thời giúp mọi dân tộc và văn hóa đón nhận một tự do rộng lớn hơn. Thực vậy, thánh Phaolô nói rằng đối với người gắn bó với Chúa Kitô, không còn phân biệt là Do thái hay dân ngoại nữa. Ðiều đáng kể là "đức tin hành động nhờ đức bác ái" (Gl 5,6). Những kẻ vu khống thánh Phaolô đã tấn công ngài vì sự mới mẻ này. Họ cho rằng thánh nhân có lập trường như vậy là vì xu thời mục vụ, nghĩa là "để làm hài lòng tất cả mọi người", và coi nhẹ những đòi hỏi đã nhận được từ truyền thống tôn giáo nghiêm ngặt của mình. Như ta thấy sự phê bình đối với mọi mới mẻ của Tin mừng không phải chỉ có ngày nay, nhưng đã có một lịch sử dài trong quá khứ. Dầu sao thánh Phaolô không im lặng. Ngài thẳng thắn trả lời rằng: "Phải chăng tôi tìm kiếm sự đồng thuận của loài người, hay sự đồng thuận của Thiên Chúa? Phải chăng tôi tìm kiếm sự hài lòng của con người? Nếu tôi còn tìm kiếm sự hài lòng của loài người, thì tôi không còn là người phục vụ Chúa Kitô!" (Gl 1,10). Trước đó, trong thư gửi tín hữu Thessalonica, thánh nhân đã bày tỏ lập trường tương tự, khi nói rằng trong việc rao giảng, không bao giờ ngài dùng những lời "dua nịnh, và cũng chẳng có lòng tham [..] và không tìm vinh quang của người đời" (1 Ts 2,5-6).
Ðức tin không xung đột với văn hóa
"Tư tưởng của thánh Phaolô một lần nữa lại tỏ ra chiều sâu được linh hứng. Ðối với thánh nhân, đón nhận đức tin là từ bỏ, không phải trọng tâm các văn hóa và truyền thống, nhưng chỉ từ khước những gì có thể ngăn cản sự mới mẻ và tinh tuyền của Tin mừng. Vì tự do chúng ta nhận được từ cái chết và sự phục sinh của Chúa không xung đột với các nền văn hóa, với các truyền thống chúng ta đã nhận lãnh, nhưng đúng hơn, đức tin mang vào trong đó một tự do mới mẻ, một sự mới mẻ giải thoát, tự do của Tin mừng. Thực vậy, sự giải thoát đạt được với bí tích rửa tội giúp chúng ta đạt được phẩm giá hoàn toàn làm con Thiên Chúa, đến độ trong khi chúng ta ở trong cội rễ văn hóa, thì đồng thời chúng ta cởi mở đón nhận sự phổ quát của đức tin đi vào trong mọi nền văn hóa, nhìn nhận những mầm mống chân lý, trong đó và phát triển chúng bằng cách làm cho điều thiện chứa đựng trong đó tới mức độ viên mãn.
Hội nhập Tin mừng vào văn hóa
Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Trong lời kêu gọi sống tự do, chúng ta khám phá ý nghĩa đích thực của sự hội nhập Tin mừng vào văn hóa: có khả năng loan báo Tin mừng của Chúa Kitô Cứu Thế, đồng thời tôn trọng những gì là tốt và chân thực trong các nền văn hóa. Ðó không phải là một điều dễ dàng! Có bao nhiêu cám dỗ muốn áp đặt kiểu mẫu sống của mình như thể đó là điều tiến bộ nhất và đáng ưa chuộng nhất. Bao nhiêu sai lầm người ta đã phạm trong lịch sử loan báo Tin mừng, khi muốn áp đặt một kiểu mẫu văn hóa duy nhất! Nhiều khi người ta không từ bỏ cả bạo lực miễn là để cho quan điểm của mình được trổi vượt. Theo cách thức đó, người ta làm cho Giáo hội bị thiếu sự phong phú của bao nhiêu lối diễn tả địa phương, vốn chứa đựng truyền thống văn hóa của toàn thể dân tộc. Hành động như thế là điều hoàn toàn trái ngược với tự do Kitô!
Tôn trọng văn hóa của mỗi người
Tóm lại, quan niệm của thánh Phaolô về tự do được soi sáng và được phong phú nhờ mầu nhiệm Chúa Kitô, khi nhập thể, đã kết hiệp một cách nào đó với mỗi người, như Công đồng chung Vatican II đã dạy (GS 22). Từ đó nảy sinh nghĩa vụ tôn trọng gốc gác văn hóa của mỗi người, tháp nhập nó vào trong một không gian tự do không bị thu hẹp vì sự áp đặt nào do nền văn hóa duy nhất thịnh hành. Ðó là ý nghĩa khi ta nói mình là Công giáo, nói về Giáo hội Công giáo: không phải là một danh xưng xã hội học để phân biệt với các tín hữu Kitô khác; Công giáo là một tính từ có nghĩa là phổ quát, đại đồng. Công giáo có nghĩa là Giáo hội có trong chính bản tính của mình sự cởi mở đối với mọi dân tộc và văn hóa của mọi thời, vì Chúa Kitô đã sinh ra, chết và sống lại cho tất cả mọi người.
Ðàng khác, văn hóa tự bản chất nó luôn biến đổi. Ta hãy nghĩ chúng ta được kêu gọi loan báo Tin mừng thế nào trong thời điểm lịch sử có nhiều thay đổi văn hóa, trong đó một kỹ thuật ngày càng tân tiến: nếu chủ trương nói về đức tin như người ta vẫn làm trong các thế kỷ trước đây, thì chúng ta có nguy cơ không được các thế hệ trẻ thấu hiểu. Tự do của đức tin Kitô không phải là một quan niệm tĩnh về cuộc sống và văn hóa, nhưng năng động. Vì thế chúng ta đừng tự nhận mình sở hữu tự do. Chúng ta đã nhận lãnh như một hồng ân cần gìn giữ. Và đúng hơn chính tự do yêu cầu mỗi người hãy luôn luôn tiến bước, hướng về sự sung mãn của nó. Ðó là thân phận lữ hành, là trạng trái của người đi đường, liên tục bước đi: được tự do khỏi nô lệ để tiến về sự viên mãn của tự do.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm lược bài giáo lý của Ðức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.
Ðặc biệt khi chào bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng trong tuần này chúng ta kỷ niệm thánh Gioan Phaolô II được bầu làm Giáo hoàng (16/10/1978), và lễ kính nhớ thánh Gioan XXIII, thánh nữ Têrêsa Avila, thánh Edvige miền Slesia, Ba Lan. Cuộc sống của các ngài là những mẫu gương trong sáng về tự do Kitô. Kinh nghiệm của các vị thánh ấy nhắc nhở chúng ta rằng không có tự do nếu không có trách nhiệm và lòng yêu mến sự thật. Việc thực thi tự do và bác ái mạnh nhất được cụ thể hóa trong việc phục vụ.
Khi chào bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nhắc đến các dòng nữ tỳ Ðức Maria đền tạ đang tiến hành Tổng tu nghị. Ngài khuyến khích các chị tiếp tục trung thành phục vụ Tin mừng và anh chị em trong và vui tươi.
Sau cùng, - Ðức Thánh cha nói - "như thường lệ, tôi nghĩ đến những người cao niên, người trẻ, các bệnh nhân và đông đảo các đôi tân hôn. Hôm nay chúng ta kỷ niệm cuộc hiện ra lần chót của Ðức Mẹ tại Fatima (13/10/1917). Tôi phó thác tất cả anh chị em cho Mẹ Thiên Chúa, xin Mẹ đồng hành với anh chị em, với sự dịu dàng từ mẫu, và an ủi anh chị em giữa những thử thách của cuộc đời.
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.