Thánh lễ khai mạc

tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục

 

Thánh lễ khai mạc tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 10-10-2021) - Sau buổi suy tư chuẩn bị vào sáng thứ Bảy 09 tháng 10 năm 2021, với sự tham dự của 260 đại diện các tầng lớp Dân Chúa, lúc 10 giờ sáng, Chúa nhật 10 tháng 10 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Ðền thờ thánh Phêrô để chính thức khai mạc tiến trình hai năm chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ XVI, sẽ nhóm vào tháng Mười năm 2023, với chủ đề: "Tiến tới một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng". Việc khai mạc tiến trình này sẽ được cử hành tại các giáo phận trên thế giới vào Chúa nhật, 17 tháng 10 năm 2021.

Ðồng tế với Ðức Thánh cha trong thánh lễ, có hơn 70 hồng y, giám mục thuộc Giáo triều và đại biểu của các Hội đồng Giám mục quốc gia và miền, cũng như 60 linh mục, trước sự hiện diện của đại biểu về đời sống thánh hiến và các phong trào giáo dân và giới trẻ. Ðại diện cho hàng Giám mục Á châu có Ðức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon bên Myanmar, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu. Ngoài ra, có khoảng 6,000 giáo dân.

Bài giảng của Ðức Thánh cha

Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào bài Tin mừng theo thánh Marco (10,17) kể lại sự tích một người giàu có đến gặp Chúa Giêsu, đang đi đường và hỏi Chúa xem mình phải làm gì để được sự sống đời đời, từ đó Ðức Thánh cha rút ra những ý tưởng và nhận xét để áp dụng vào hành trình Thượng Hội đồng Giám mục.

Chúa đồng hành với chúng ta

Ðức Thánh cha nói: "Qua sự việc này, Chúa tỏ cho thấy Thiên Chúa không ở trong những nơi đã được "khử trùng" và yên hàn, xa cách thực tại, nhưng Chúa đồng hành với chúng ta, đến với chúng ta tại nơi chúng ta ở, trên những con đường nhiều khi gồ ghề trong cuộc sống. Và hôm nay, khi khai mạc hành trình công nghị này, tất cả chúng ta, Giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân, với tư cách là cộng đoàn Kitô, chúng ta có noi theo lối sống của Thiên Chúa, là Ðấng đồng hành trong lịch sử và chia sẻ những thăng trầm của nhân loại hay không? Chúng ta có sẵn sàng đối với những phiêu lưu trong hành trình, hay là sợ sệt những bất ngờ, ưa trốn chạy qua những cớ thoái thác, nào là "điều ấy chẳng ích gì" hoặc "từ trước đến giờ vẫn luôn làm như vậy"? Tiến hành Sinodo, công nghị, có nghĩa là đi với nhau trên cùng một con đường.

Ba thái độ của Chúa Giêsu

Ðức Thánh cha nhận xét về thái độ của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng: Chúa gặp gỡ người giàu có, lắng nghe câu hỏi của anh ta và sau cùng giúp anh phân định điều gì phải làm để được sự sống đời đời. Gặp gỡ, lắng nghe, phân định: đó là ba động từ của Công nghị mà tôi muốn dừng lại ở đây.

Gặp gỡ

Trước tiên là gặp gỡ. Một người gặp Chúa Giêsu, quì gối trước Ngài và hỏi một câu quyết định: "Lạy Thầy nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời?" (v.17). Một câu hỏi quan trọng như vậy đòi sự chú ý, thời gian, sự sẵn sàng gặp gỡ người khác và để cho mình bị sự bất an của họ gọi hỏi. Thực vậy, Chúa không xa cách, không tỏ ra khó chịu hay bị làm phiền, Ngài dừng lại với anh ta. Ngài sẵn sàng gặp gỡ... Chúa biết rằng một cuộc gặp gỡ có thể thay đổi cuộc sống. Và Tin mừng đầy những cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, nâng đỡ dậy và chữa lành.

Ðức Thánh cha nói: "Cả chúng ta đang khai mạc hành trình này, chúng ta cũng được kêu gọi trở thành chuyên gia về nghệ thuật gặp gỡ. Không phải trong việc tổ chức các biến cố hoặc thực hiện một suy tư lý thuyết về các vấn đề, nhưng trước tiên trong việc dành thời giờ để gặp gỡ Chúa và giúp có cuộc gặp gỡ giữa chúng ta. Một thời gian dành cho cầu nguyện, thờ lạy, và nghe điều Chúa muốn nói với Giáo hội; để chú ý nhìn khuôn mặt và nghe lời người khác, gặp gỡ nhau trực diện, để cho mình bị đánh động vì những câu hỏi của anh chị em, giúp đỡ nhau làm sao để sự khác biệt các đoàn sủng, ơn gọi và thừa tác vụ làm cho nhau được phong phú. Chúng ta biết mỗi cuộc gặp gỡ đều đòi phải có sự cởi mở, can đảm, sẵn sàng để cho khuôn mặt và cuộc đời của người khác đặt câu hỏi cho chúng ta.

Lắng nghe

Ðức Thánh cha nói tiếp: Ðộng từ thứ hai là: lắng nghe. Một cuộc gặp gỡ đích thực chỉ nảy sinh từ sự lắng nghe. Thực vậy, Chúa Giêsu lắng nghe câu hỏi của người đàn ông và băn khoăn tôn giáo và cuộc sống của ông. Ngài không đưa ra một câu trả lời chiếu lệ, không đưa ra một giải pháp tiền chế, không giả vờ trả lời tử tế chỉ với mục đích đẩy xa người ấy đi và tiếp tục con đường của mình. Chúa lắng nghe. Chúa Giêsu không sợ lắng nghe với trọn tâm hồn, chứ không phải chỉ bằng tai...

Chúng ta hãy tự hỏi: trong Giáo hội, chúng ta lắng nghe thế nào? Việc lắng nghe với con tim của chúng ta ra sao? Chúng ta có để cho người ta bày tỏ ý kiến, bước đi trong đức tin cho dù họ đã trải qua hành trình khó khăn trong cuộc sống, để họ góp phần vào đời sống cộng đoàn mà không bị cản trở, từ khước hoặc bị xét đoán? Thực hiện sự đồng hành, cử hành công nghị, là đặt mình trên cùng con đường của Ngôi Lời nhập thể làm người, là theo vết của Chúa, lắng nghe Lời Chúa cùng với những lời người khác. Là kinh ngạc khám phá thấy rằng Chúa Thánh Linh đang thổi một cách luôn gây ngạc nhiên, để gợi ý những hành trình và ngôn ngữ mới. Ðó là một việc thực hành chậm rãi, có lẽ vất vả, để học lắng nghe nhau - giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân - tránh những câu trả lời giả tạo và hời hợt.

Phân định

Sau cùng là phân định. Ðức Thánh cha giải thích: "Cuộc gặp gỡ và lắng nghe nhau không phải là mục đích tự nó, để rồi mọi sự vẫn như cũ. Trái lại, khi chúng ta đi vào cuộc đối thoại, chúng ta đặt mình trong cuộc thảo luận, trên hành trình, và sau cùng chúng ta sẽ không nguyên như trước, chúng ta thay đổi. Tin mừng hôm nay chứng tỏ điều đó. Chúa Giêsu trực giác thấy người thanh niên ở trước mặt Ngài là một người tốt, đạo đức và tuân giữ các giới răn, nhưng Ngài muốn dẫn anh đi xa hơn việc tuân giữ các giới luật. Trong cuộc đối thoại, Chúa giúp anh phân định. Ngài đề nghị với anh hãy nhìn vào nội tâm, dưới ánh sáng tình thương mà chính Ngài nhìn anh và yêu mến (Xc v.21) và phân định dưới ánh sáng này xem con tim anh quyến luyến cái gì. Rồi để khám phá thấy rằng điều tốt cho anh không phải là làm thêm các hành vi đạo đức khác, nhưng trái lại, là làm cho mình trống rỗng cái tôi: bán đi những gì đang chiếm hữu tâm hồn ông để dành chỗ cho Thiên Chúa.

Áp dụng vào thực tại của Giáo hội

Ðức Thánh cha nhận định rằng: "Ðó là một chỉ dẫn quí giá cho cả chúng ta. Thượng Hội đồng là một hành trình phân định tinh thần, chúng ta thực hiện trong sự thờ lạy, trong kinh nguyện, tiếp xúc với Lời Chúa. Bài đọc thứ hai hôm nay nói với chúng ta rằng Lời Chúa là "sinh động, hiệu nghiệm và sắc hơn mọi gươm hai lưỡi; đi thấu tới tận điểm phân chia giữa linh hồn và tinh thần, và kiểm điểm kỹ lưỡng những tình cảm và tư tưởng của con tim" (Dt 4,12). Lời Chúa giúp chúng ta phân định và soi sáng. Lời Chúa hướng dẫn Thượng Hội đồng để nó khỏi trở thành một "nghị viện" Giáo hội, một cuộc hội học hoặc một đại hội chính trị, nhưng là một biến cố ơn thánh, một tiến trình chữa lành do Chúa Thánh Linh hướng dẫn.

Và Ðức Thánh cha kết luận: "Anh chị em thân mến, hãy đồng hành tốt đẹp với nhau! Ước gì chúng ta có thể là những người lữ hành yêu mến Tin mừng, cởi mở đối với những điều gây ngạc nhiên của Chúa Thánh Linh. Chúng ta đừng đánh mất những cơ hội ơn thánh gặp gỡ, lắng nghe nhau, phân định. Và vui mừng được biết rằng trong khi chúng ta tìm Chúa, thì chính Chúa đến gặp chúng ta trước với tình thương của Ngài".

Cuối thánh lễ, có 20 đại diện các thành phần Dân Chúa tiến lên trước bàn thờ chính, để nhận phép lành của Ðức Thánh cha và sứ mạng góp phần vào tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI.

Thánh lễ kéo dài 1 giờ 20 phút và kết thúc lúc 11 giờ 20. Mọi người tiến ra quảng trường thánh Phêrô, cùng với nhiều người khác để dự buổi đọc kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page