Ơn cứu độ là một ân ban,

không phải là sự đổi chác

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Ơn cứu độ là một ân ban, không phải là sự đổi chác.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 11-10-2021) - Lúc 12 giờ trưa, Chúa nhật 10 tháng 10 năm 2021, từ cửa sổ phòng làm việc ở lầu ba Dinh Tông tòa, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô. Hiện diện trong dịp này, có hơn 6,000 người trong nội vi quảng trường và hàng ngàn người khác ở vòng bên ngoài quảng trường, dưới bầu trời nắng thu.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Marco (Mc 10,17-13), đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ XXVIII thường niên năm B.

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Phụng vụ Chúa nhật hôm nay trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người "có nhiều của cải" (Mc 10,22) và đi vào lịch sử như "chàng thanh niên giàu có" (Xc Mt 19,20-22). Thực vậy, Tin mừng theo thánh Marco nói về đương sự như "một người kia", mà không nói tên tuổi, như gợi ý cho chúng ta rằng nơi người ấy tất cả chúng ta có thể thấy chính mình. Cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Giêsu giúp chúng ta làm một cuộc trắc nghiệm về đức tin.

Phê bình lòng đạo đức "đổi chác"

Người ấy bắt đầu với một câu hỏi: "Con phải làm gì để được sự sống đời đời?" (v.17). Chúng ta nhận xét các động từ mà đương sự sử dụng: Phải làm - để có. Ðó là lòng đạo đức của anh: làm một nghĩa vụ, làm để có; "tôi làm cái gì đó để được điều hữu ích cho tôi". Nhưng đó là một tương quan thương mại với Thiên Chúa, tôi cho đi để bạn cho lại, "do ut des". Trái lại, đức tin không phải là một nghi thức lạnh lùng và máy móc, một "tôi phải-tôi làm -tôi được". Ðức tin là vấn đề tự do và tình thương.

Ðây là trắc nghiệm thứ nhất: đối với tôi đức tin là gì? Nếu đức tin chủ yếu là một nghĩa vụ hoặc một đồng tiền để đổi chác, thì chúng ta lạc đường, vì ơn cứu độ là một món quà, chứ không phải là một nghĩa vụ, đức tin là nhưng không và ta không thể mua.

Ðiều đầu tiên cần phải làm là giải thoát chúng ta khỏi một đức tin thương mại và máy móc, nó hàm chứa một hình ảnh sai lầm về một Thiên Chúa tính toán và kiểm soát, chứ không phải là người cha.

Tôn nhan đích thực của Thiên Chúa

Trong giai đoạn thứ hai, Chúa Giêsu giúp đỡ người ấy bằng cách chỉ cho đương sự thấy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa. Thực vậy, "Ngài nhìn người ấy" và "yêu mến" (v.21). Ðức tin nảy sinh và tái sinh từ đâu: không phải từ một nghĩa vụ, không phải từ một cái gì đó phải làm, nhưng từ một cái nhìn yêu thương cần đón nhận. Cũng vậy, đời sống Kitô trở nên đẹp đẽ, nếu không được xây trên những khả năng và dự án của chúng ta, nhưng dựa trên cái nhìn của Thiên Chúa. Ðức tin của bạn mệt mỏi và bạn có muốn cho nó được tăng cường không? Hãy tìm cái nhìn của Thiên Chúa: hãy đặt mình thờ lạy, hãy để cho mình được tha thứ trong bí tích Giải tội, hãy đứng trước Chúa Chịu Ðóng Ðanh. Tóm lại là hãy để cho mình được Chúa yêu thương.

Lời Chúa mời gọi: cho đi

Trong giai đoạn thứ ba và cuối cùng, sau câu hỏi và cái nhìn, có một lời mời gọi của Chúa Giêsu. Ngài nói: "Có một điều duy nhất anh còn thiếu". Người giàu có ấy thiếu cái gì? Anh thiếu sự trao tặng, sự nhưng không: "Hãy đi và bán những gì anh có, tặng người nghèo" (v. 21). Ðó là điều có lẽ cả chúng ta cũng thiếu. Thường chúng ta làm điều tối thiểu cần thiết, trong khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm tối đa có thể. Bao nhiêu lần chúng ta hài lòng với những nghĩa vụ - các giới luật và vài kinh nguyện - trong khi Thiên Chúa, Ðấng ban cho chúng ta sự sống, Ngài yêu cầu chúng ta những đà tiến! Trong Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy rõ sự chuyển tiếp từ nghĩa vụ đến trao tặng: Chúa Giêsu bắt đầu nhắc đến các giới răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, đừng trộm cắp..." (v.19) và Ngài đi tới một đề nghị tích cực: "Hãy đi, bán, cho đi, hãy theo tôi!" (Xc v.21). Ðức tin không thể giới hạn vào những cái không, vì đời sống Kitô là một sự đồng thuận, đồng thuận yêu thương.

Kiểm điểm đức tin của mình

Và Ðức Thánh cha kết luận: "Anh chị em thân mến, một đức tin không có sự trao tặng và nhưng không thì là một đức tin bất toàn. Chúng ta có thể ví đức tin ấy với một lương thực dồi dào và bổ dưỡng, nhưng không có hương vị, hoặc một trận đấu bóng không có bàn thắng nào. Một đức tin không có trao tặng, không có sự nhưng không, không có công việc bác ái, rốt cuộc nó sẽ làm ta trở nên buồn thảm: như người giàu ấy, tuy được Chúa Giêsu đích thân nhìn với lòng yêu mến, anh trở về nhà buồn sầu và nét mặt rầu rĩ (v.22). Ngày hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: "Ðức tin của tôi đến độ nào rồi?" Tôi có sống đức tin như một cái gì máy móc, như một tương quan nghĩa vụ hoặc lợi lộc với Thiên Chúa? Tôi có nhớ nuôi dưỡng đức tin bằng cách để cho Chúa Giêsu nhìn và yêu thương không? Và được Chúa lôi kéo, tôi có đáp lại nhưng không hay không?

Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Ðấng đã thưa xin vâng hoàn toàn đối với Thiên Chúa, một lời xin vâng không do dự, dè dặt, làm cho chúng ta nếm hưởng vẻ đẹp của sự biến đổi cuộc sống thành một sự trao tặng.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Ðức Thánh cha nhắc đến hai lễ phong chân phước cuối tuần qua và nói:

"Hôm nay, tôi cũng vui mừng loan báo việc tôn phong chân phước mới. Thứ Bảy hôm qua (09/10/2021), tại Napoli, có lễ phong chân phước cho bà Maria Lorenza Longo, một người vợ và mẹ gia đình sống vào thế kỷ thứ XVI. Sau khi chồng qua đời, bà đã thành lập, tại Napoli, nhà thương chữa những người bị bệnh nan y và lập Ðan viện các nữ tu thánh Clara Capuxin. Bà là một phụ nữ có đức tin mạnh mẽ và đời sống cầu nguyệt nhiệt thành, xả thân đáp ứng nhu cầu của những người nghèo và những người đau khổ."

"Chúa nhật hôm nay tại Tropea, miền Calabria, nam Italia, có lễ phong chân phước cho cha Francesco Mottola, sáng lập dòng Hiến sinh, nam và nữ, của Thánh Tâm Chúa Giêsu, qua đời năm 1969. Cha là một mục tử nhiệt thành và loan báo Tin mừng không biết mỏi mệt. Cha là nhân chứng gương mẫu về một chức linh mục được sống trong bác ái và chiêm niệm. Chúng ta hãy vỗ tay mừng các chân phước mới."

Ðức Thánh cha cũng không quên nhắc nhớ Chúa nhật, 10 tháng 10 năm 2021 là Ngày Thế giới về sức khỏe tâm thần. Ðức Thánh cha nói: "Tôi muốn nhắc nhớ anh chị em về những người bị xáo trộn về tâm trí, và cả các nạn nhân của nạn tự tử, rất thường khi là người trẻ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và gia đình họ, để họ không bị bỏ rơi một mình hay bị kỳ thị, nhưng được đón tiếp và nâng đỡ."

Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm các tín hữu Roma và khách hành hương khắp nơi. Ðức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chúa nhật an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page