Sức mạnh của ơn thánh

phải dẫn đến công việc từ bi, bác ái

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Sức mạnh của ơn thánh phải dẫn đến công việc từ bi, bác ái.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 29-09-2021) - Lúc quá 9 giờ sáng, thứ Tư 29 tháng 9 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng gần 5,000 tín hữu hành hương, tại Ðại Thính đường Phaolô VI ở Nội thành Vatican.

Ðây là buổi tiếp kiến chung thứ 29, tính từ đầu năm 2021. Sau khi Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá mở đầu, tám linh mục lần lượt đọc bằng tám ngôn ngữ khác nhau đoạn thứ hai thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát (2,19-20):

Lắng nghe Lời Chúa

[Anh em], tôi đã bị đóng đanh cùng với Chúa Kitô, không còn là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi. Và cuộc sống này, mà tôi sống trong thân xác, tôi sống trong niềm tin nơi Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương và hiến mình vì tôi".

Bài huấn giáo

Tiếp đó, Ðức Thánh cha trình bày bài thứ chín trong loạt bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Bài này có tựa đề là: "Ðời sống trong đức tin".

Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình của chúng ta để hiểu rõ hơn giáo huấn của thánh Phaolô, hôm nay chúng ta gặp một đề tài khó khăn nhưng quan trọng, đó là đề tài sự công chính hóa. Người ta đã thảo luận rất nhiều về đề tài này, để tìm ra sự giải thích phù hợp hơn với tư tưởng của thánh Tông đồ, và như thường xảy ra, người ta cũng đi tới cả những lập trường đối nghịch nhau. Trong thư gửi tín hữu Galát, cũng như trong thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô nhấn mạnh điều này: ơn công chính hóa đến từ niềm tin nơi Chúa Kitô.

Ý nghĩa "công chính hóa"

Ðiều gì ẩn đằng sau từ "công chính hóa" (giustificazione), trở nên công chính, là điều rất quan trọng đối với đức tin? Không dễ đi tới một định nghĩa trọn vẹn, nhưng trong toàn bộ tư tưởng của thánh Phaolô, ta có thể nói một cách đơn sơ rằng công chính hóa là hệ luận của "lòng thương xót của Thiên Chúa, Ðấng ban ơn tha thứ" (SGLCG n.1990). Thực vậy, Thiên Chúa, qua cái chết của Chúa Giêsu, đã hủy diệt tội lỗi và ban cho chúng ta, một cách chung kết, ơn tha thứ và cứu độ. Ðược trở nên công chính như thế, các tội nhân được Thiên Chúa đón nhận và hòa giải với Ngài. Ðiều này giống như trở lại tương quan nguyên thủy giữa Ðấng Tạo Hóa và thụ tạo, trước khi xảy ra sự bất tuân phục của tội lỗi. Vì thế, sự công chính hóa mà Thiên Chúa thực hiện làm cho chúng ta phục hồi sự vô tội đã bị mất vì tội lỗi. Sự công chính hóa diễn ra như thế nào? Trả lời câu hỏi này có nghĩa là khám phá một sự mới mẻ khác trong giáo huấn của thánh Phaolô: nghĩa là sự công chính hóa diễn ra nhờ ơn thánh.

Kinh nghiệm bản thân của thánh Phaolô

Thánh Tông đồ luôn nghĩ tới kinh nghiệm đã thay đổi cuộc sống của Ngài: đó là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu trên đường Damasco. Phaolô vốn là một người hãnh diện, có lòng đạo đức và nhiệt thành, xác tín rằng cuộc sống công chính hệ tại tuân giữ tỉ mỉ các giới răn. Nhưng giờ đây, Phaolô được Chúa Kitô chinh phục và niềm tin nơi Chúa đã biến đổi Phaolô một cách sâu rộng, làm cho Phaolô khám phá một chân lý cho đến bấy giờ bị giấu ẩn: không phải chúng ta trở nên công chính nhờ những cố gắng của mình, nhưng chính Chúa Kitô, với ơn thánh của Ngài, làm cho chúng ta trở nên công chính. Nhờ đó thánh Phaolô có một ý thức đầy đủ về mầu nhiệm Chúa Giêsu, và sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà trước đây ngài giàu có (Xc Pl 3,7), vì đã khám phá thấy rằng chỉ ơn thánh Chúa mới cứu vớt ngài.

Vai trò bao gồm của đức tin

Ðối với thánh Tông đồ, đức tin có một giá trị bao gồm mọi sự. Ðức tin liên hệ tới mọi lúc và mọi khía cạnh của đời sống tín hữu: từ lúc được rửa tội cho đến lúc giã từ cõi đời này, tất cả đều được thấm nhiễm niềm tin nơi sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Ðấng ban ơn cứu độ. Sự công chính hóa nhờ đức tin nhấn mạnh vị thế trước tiên của ơn thánh mà Thiên Chúa ban cho những người tin nơi Chúa Con, không phân biệt ai.

Giá trị của việc tuân giữ các giới răn

Tuy nhiên, chúng ta không được kết luận rằng đối với thánh Phaolô, Luật Môisê không còn giá trị nữa, trái lại, vẫn là một hồng ân không thể hồi lại được của Thiên Chúa, Luật vẫn là "thánh" như thánh Tông đồ đã viết (Rm 7,12). Cũng vậy đối với đời sống thiêng liêng của chúng ta, điều thiết yếu là tuân giữ các giới răn, nhưng cũng trong vấn đề này chúng ta không thể cậy dựa vào sức riêng: điều cơ bản là ơn thánh của Thiên Chúa mà chúng ta lãnh nhận trong Chúa Kitô. Từ Chúa, chúng ta lãnh nhận được tình yêu nhưng không giúp chúng ta yêu thương một cách cụ thể.

Thánh Giacôbê: đức tin cần việc làm

Trong bối cảnh này, cũng nên nhớ rằng giáo huấn đến từ thánh Giacôbê tông đồ, khi thánh nhân viết: "Con người được nên công chính do công việc và không phải chỉ nhờ đức tin. [...]. Thực vậy, như thân xác không có hồn thì chết, cũng vậy đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2,24.26). Như thế những lời của thánh Giacôbê bổ túc giáo huấn của thánh Phaolô. Vì vậy đối với cả hai, câu trả lời của đức tin đòi phải tích cực trong tình yêu đối với Thiên Chúa và trong tình yêu đối với tha nhân.

Chúa ban ơn công chính hóa qua ơn thánh

Sự công chính hóa tháp nhập chúng ta vào trong lịch sử dài của ơn cứu độ, tỏ cho chúng ta sự công chính của Thiên Chúa: đứng trước những sa ngã liên tục và những thiếu sót của chúng ta, Chúa không cam chịu, nhưng Ngài muốn làm cho chúng ta trở nên công chính và Chúa thực hiện điều đó nhờ ơn thánh, qua hồng ân của Chúa Giêsu Kitô, sự chết và sống lại của Người. Thế là ánh sáng đức tin giúp chúng ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa vô biên dường nào, ơn thánh hoạt động để mưu ích cho chúng ta. Nhưng cũng ánh sáng ấy làm cho chúng ta thấy trách nhiệm được ủy thác cho chúng ta để cộng tác với Thiên Chúa trong hoạt động cứu độ của Ngài. Sức mạnh của ơn thánh cần liên kết với công việc từ bi của chúng ta, chúng ta được kêu gọi sống để làm chứng tình yêu của Thiên Chúa cao cả dường nào.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm lược bài giáo lý của Ðức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.

Bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha chào thăm các nhóm tín hữu hành hương đến từ Ðan Mạch và Hoa Kỳ. Ngài đặc biệt chào các chủng sinh thuộc Giáo hoàng Học viện Bắc Mỹ và gia đình các thầy tựu họp để tham dự lễ truyền chức phó tế. Ðức Thánh cha cầu xin ơn vui mừng và an bình của Chúa trên mọi người.

Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha mời gọi các tín hữu "hãy đặc biệt phó thác cho sự bảo vệ của các Tổng lãnh Thiên thần: Micae chiến đấu chống Satan và các thần dữ, Gabriel mang tin mừng của Chúa và Raphael chữa lành và đồng hành trong việc tìm kiếm điều thiện. Với sự phù trợ của các vị, anh chị em cũng hãy trở thành những sứ giả ân phúc và lòng thương xót của Chúa"

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha bày tỏ sự gần gũi, liên đới với dân chúng Nigeria và nói: "Tôi đau buồn hay tin về những vụ tấn công võ trang hôm Chúa nhật vừa qua (26/9), chống lại các làng ở miền bắc Nigeria. Tôi cầu nguyện cho những người chết, những người bị thương và toàn thể nhân dân Nigeria. Tôi cầu mong rằng sự an toàn của mọi công dân tại nước này luôn được bảo đảm".

Những vụ tấn công đó xảy ra tại bang Kaduna làm cho 34 người chết.

Tiếp đến, Ðức Thánh cha đặc biệt chào các Nữ tông đồ Thánh Tâm và Tổng huynh đoàn Ðức Mẹ Sầu Bi ở Casolla. Ngài nhắn nhủ mỗi người hãy biết nhận ra và theo tiếng nói của Thầy Chí Thánh trong nội tâm, Chúa nói trong lương tâm chúng ta.

Sau cùng, - Ðức Thánh cha nói - như thường lệ, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và đông đảo các đôi tân hôn. Lễ Các thánh Tổng lãnh Thiên thần Micae, Gabriel và Raphael hôm nay, cùng với lễ các Thiên thần bản mệnh sắp tới, là một lời mời gọi hãy luôn chú ý đến các kế hoạch của Chúa và sự biểu lộ các kế hoạch này. Anh chị em đừng do dự tín thác bước theo những con đường mà Chúa Quan Phòng chỉ cho anh chị em mỗi ngày.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page