Ðức Thánh cha tiếp
Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống
Ðức Thánh cha tiếp Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 27-09-2021) - Trong buổi tiếp kiến Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, sáng ngày 27 tháng 9 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô kêu gọi các nhà khoa học đa ngành chú ý tới cả những bệnh ít được thế giới quan tâm để cải tiến các phương pháp phòng ngừa và chữa trị.
Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống nhóm đại hội năm 2021, từ ngày 27 đến 29 tháng 09 năm 2021, về đề tài: "Sức khỏe công chúng trong viễn tượng hoàn cầu hóa. Ðại dịch, đạo đức sinh học và tương lai." Khóa họp tiến hành với sự hiện diện của khoảng 100 người nhưng cũng có một số người khác tham dự trực tuyến.
Ðức Tổng giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện, cho biết các Viện sĩ và chuyên gia năm châu trao đổi không những về đại dịch Covid-19, nhưng còn về thách đố hoàn cầu mà đại dịch đưa ra để có một sự phân phối công bằng các phương pháp trị liệu và trợ giúp y tế trên thế giới. Nếu để uổng phí cuộc khủng hoảng này, thì đó là điều còn tệ hại hơn chính cuộc khủng hoảng.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Cuộc khủng hoảng đại dịch làm nổi bật sự liên hệ sâu đậm giữa chúng ta cũng như giữa gia đình nhân loại và căn nhà chung của loài người (Laudato sì 86, 164). Các xã hội chúng ta, nhất là tại Tây phương, có xu hướng quên sự liên hệ với nhau như thế. Những hậu quả cay đắng đang ở trước mắt chúng ta. Vì thế trong thời kỳ chuyển tiếp rộng lớn này, cần cấp thiết đảo ngược xu hướng tai hại ấy và chúng ta có thể làm được điều này nhờ sự hợp lực của các ngành khác nhau".
Ðức Thánh cha lấy làm tiếc vì "bao nhiêu vấn đề rất trầm trọng bị làm ngơ không biết đến, do thiếu sự dấn thân thích hợp. Chúng ta hãy nghĩ đến ảnh hưởng tàn hại của một số bệnh như sốt rét ngã nước và bệnh lao: những điều kiện vệ sinh - y tế, mỗi năm gây ra hằng triệu cái chết trên thế giới, dù có thể tránh được. Nếu chúng ta so sánh thực tại này với mối quan tâm mà đại dịch Covid-19 tạo nên, chúng ta thấy nhận thấy có sự khác biệt rất lớn giữa nhận thức về sự trầm trọng của vấn đề và sự động viên năng lực và tài nguyên để đối phó".
Ðức Thánh cha cũng nói rằng: "Dĩ nhiên, điều tốt đẹp là chúng ta đưa ra tất cả các biện pháp để ngăn chặn và đánh bại Covid-19 trên bình diện hoàn cầu, nhưng bối cảnh lịch sử, trong đó chúng ta đang bị đe dọa gần kề về sức khỏe cũng phải làm cho chúng ta chú ý đến ý nghĩa của tình trạng dễ bị tổn thương và hằng ngày sống trong tình trạng bấp bênh. Như thế, chúng ta cũng cảm thấy có trách nhiệm về những hoàn cảnh sống của nhiều người khác mà cho đến nay chúng ta ít hoặc không hề quan tâm tới".
(Rei 27-9-2021)