Ngoại trưởng Tòa Thánh

tại Hội nghị thượng đỉnh về lương thực

 

Ngoại trưởng Tòa Thánh tại Hội nghị thượng đỉnh về lương thực.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

New York (RVA News 23-09-2021) - Ngoại trưởng Tòa Thánh, Ðức Tổng giám mục Paul Gallagher, kêu gọi các vị lãnh đạo các nước hãy tiến từ những lời tuyên bố và việc đề ra các kế hoạch, tới những hành động cấp thiết và cụ thể để đối phó với nạn đói trên thế giới.

Ðức Tổng giám mục Gallagher đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong bài tham luận hôm 23 tháng 9 năm 2021, tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên Hiệp Quốc ở New York, về các hệ thống lương thực. Ngài cám ơn ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã phát động sáng kiến quan trọng và đúng lúc hiện nay.

Ðức Tổng giám mục nói: "Hiện đang có một nhu cầu cấp thiết cần tăng cường hoạt động quốc tế để biến đổi các hệ thống lương thực và bài trừ tình trạng bất an về lương thực và suy dinh dưỡng. Ðức Giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh rằng trong thế kỷ XXI này, nạn đói không những là một thảm trạng đối với nhân loại, nhưng cũng là một nguyên nhân thực sự gây tủi hổ. Vì thế, nay đã đến lúc đi từ những tuyên bố và dự án đề ra các kế hoạch để tiến tới hoạt động hữu hiệu và cấp thiết".

"Vấn đề cấp thiết là làm sao biến đổi các hệ thống lương thực để chúng có thể đẩy mạnh việc thực hiện chương trình hành động năm 2030 của Liên Hiệp Quốc về phát triển lâu bền, hỗ trợ sự hồi sinh các hệ thống xã hội sau đại dịch Covid-19 và thăng tiến sự phát triển toàn diện mỗi người, đồng thời bảo vệ sự toàn vẹn của trái đất chúng ta".

Ngoại trưởng Tòa Thánh cũng tái khẳng định rằng: "Ðạt được lương thực là một quyền căn bản của con người và là điều thiết yếu để có một cuộc sống xứng đáng. Lương thực cho tất cả mọi người là một nghĩa vụ luân lý. Tuy nhiên, cho kẻ đói ăn mà thôi thì vẫn chưa đủ. Chúng ta còn cần cung cấp cho người nghèo và những người ở trong tình trạng dễ bị tổn thương những tài nguyên cần thiết để hỗ trợ bản thân và gia đình họ về lâu về dài".

"Một câu trả lời là cung cấp cho họ những cơ may lớn hơn để sử dụng và sở hữu đất đai, các nguồn tài chánh và huấn luyện. Ðiều này rất quan trọng đối với những người làm nghề nông, kể cả gia đình các nông dân".

Sau cùng, Ðức Tổng giám mục Gallagher khẳng định rằng: "Chúng ta cần thay thế thứ văn hóa vứt bỏ bằng một nền văn hóa chăm sóc bảo vệ phẩm giá nội tại của mỗi người và bảo tồn căn nhà chung của chúng ta. Ðể thành công, cần áp dụng một quan niệm về các hệ thống lương thực, bao gồm các chiều kích nhân sự, kinh tế, môi trường và kỹ thuật. Cộng đồng quốc tế có thể cậy vào Tòa Thánh để giúp làm cho quan niệm ấy trở thành thực tại, qua nhiều sáng kiến của Giáo hội Công giáo ở các nơi trên thế giới".

Liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về các hệ thống lương thực, ông Joachim von Braun, chuyên gia người Ðức về Nông nghiệp và phát triển, cố vấn của Hội nghị thượng đỉnh này cho biết: "Hiện nay trên giới có khoảng 768 triệu người đói, thêm vào đó ba tỷ người không có lương thực lành mạnh. Cần phải có thêm tiền và những liên minh mới để đạt tới mục tiêu xóa bỏ nạn đói vào năm 2030. Ðây là điều có thể nhưng phải gia tăng gấp đôi các cố gắng, lý do vì trong 5 năm qua không có tiến bộ nào trong cuộc chiến chống đói, tiếp đến là vì có sự gia tăng ô nhiễm môi trường do hệ thống lương thực, nhất là nước và khí hậu. Ví dụ, sự tiêu thụ thịt quá nhiều tại các nước công nghệ cao và nạn đốt rừng ở miền Amazonia có liên hệ với nhau: người ta đốt rừng để lấy đất canh tác đậu nành, như lương thực nuôi súc vật. Tình trạng này cũng ảnh hưởng tới khí hậu, môi trường và con người sống tại đó, nhất là các thổ dân.

(KNA 21-9-2021; Rei 23-9-2021)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page