Ðại diện Tòa Thánh tại OSCE
kêu gọi nhìn đại dịch cách tích cực
Ðại diện Tòa Thánh tại OSCE kêu gọi nhìn đại dịch cách tích cực.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Roma (RVA News 22-09-2021) - Ðại diện Tòa Thánh cạnh tổ chức An ninh và Cộng tác Âu châu, gọi tắt là OSCE, Ðức ông Janusz Urbanczyk, tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra cũng có thể là "một cơ hội để xây dựng một xã hội huynh đệ và cảm thương hơn".
Trong bài tham luận, sáng ngày 21 tháng 9 năm 2021, tại khóa họp của OSCE dưới dạng trực tuyến, về đề tài: "Nhân quyền và sức khỏe công cộng: những chia sẻ kinh nghiệm và các bài học từ Âu và Á châu", Ðức ông Urbanczyk nói rằng tình trạng khẩn cấp về y tế, nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của sự sống con người, và cho thấy rõ chúng ta lệ thuộc nhau, đồng thời cũng chứng tỏ "thái độ trách nhiệm và liên đới là những điều cơ bản để tránh gây nguy hiểm cho tha nhân. Tuy nhiên cũng không thiếu những khía cạnh tiêu cực: đại dịch đưa ra ánh sáng một cách bi thảm những chênh lệch có nguy cơ làm cho những người ở trong tình trạng dễ bị tổn thương và mong manh, bị đau khổ nhiều hơn".
Ðức ông Urbanczyk giải thích rằng trong khi sự cách ly là điều tương đối dễ dàng đối với những người khá giả, ở trong các gia cư thoải mái, nhưng nó trở thành điều khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, đối với những người nghèo, di dân, tù nhân, những người sống chen chúc trong các khu nhà tồi tàn, các trại tị nạn và nhà tù. Vì thế, vị đại diện Tòa Thánh kêu gọi đề ra và thực hiện những biện pháp bảo vệ khẩn cấp và cần thiết đối với tất cả mọi người, các biện pháp này cũng bao gồm khả năng được thuốc men và vắcxin".
Ðức ông Urbanczyk tố giác sự chênh lệch trong việc đạt được những thông tin và nguồn tài liệu từ các mạng, sự kiện này có thể tạo nên nhiều nạn nhân trong thời kỳ khẩn cấp về y tế, nhất là những thông tin thiết yếu về Covid-19, không phải mọi người đều có được những thông tin này.
Vị đại diện Tòa Thánh đặc biệt kêu gọi nâng đỡ các phụ nữ phải làm việc, nhất là những người hoạt động trong lãnh vực y tế công cộng, như Ðức Thánh cha Phanxicô đã nói: "Phụ nữ không thể bị kỳ thị về lương bổng và sự tiến thân hoặc bị mất công ăn việc làm; sự hiện diện của họ ngày càng quí giá trong các tiến trình canh tân xã hội, chính trị, lao động và cơ chế. Phụ nữ cần thiết cho việc đổi mới xã hội và kinh tế".
(Rei 21-9-2021)