Chuyến tông du tại Hungary và Slovakia

là cuộc hành hương cầu nguyện và hy vọng

 

Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Chuyến tông du tại Hungary và Slovakia là cuộc hành hương cầu nguyện và hy vọng.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 22-09-2021) - Lúc quá 9 giờ sáng, thứ Tư 22 tháng 9 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng hơn 5,000 tín hữu hành hương, tại Ðại Thính đường Phaolô VI ở Nội thành Vatican.

Ðây là buổi tiếp kiến chung thứ 28 tính từ đầu năm 2021 đến nay. Sau khi Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá mở đầu, tám linh mục lần lượt đọc bằng tám ngôn ngữ khác nhau đoạn thứ 13 (46-49.52) trích từ Tông đồ Công vụ:

Lắng nghe Lời Chúa

Phaolô và Barnaba thẳng thắn tuyên bố: [...] Chúa đã truyền cho chúng tôi thế này: "Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi mang ơn cứu độ đến tận bờ cõi trái đất". Khi nghe điều ấy, dân ngoại vui mừng và tôn vinh Lời Chúa, và tất cả những người được tiền định được sự sống đời đời đều tin. Lời Chúa lan truyền khắp vùng [...], các môn đệ tràn đầy vui mừng và Thánh Linh".

Bài huấn giáo

Tiếp đó, Ðức Thánh cha tạm gác lại loạt bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, để trình bày chuyến tông du ngài mới thực hiện tại Hungary và Slovakia, từ ngày 12 đến 15 tháng 9 năm 2021.

Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em về chuyến tông du tôi mới thực hiện tại Budapest và Slovakia (12-15/9), kết thúc cách đây một tuần lễ, thứ Tư tuần trước. Tôi tóm tắt thế này: đó là một cuộc hành hương cầu nguyện, một cuộc lữ hành về nguồn, một chuyến hành hương hy vọng.

Hành hương cầu nguyện

1. Chặng dừng thứ nhất ở Budapest, để cử hành thánh lễ bế mạc Ðại hội Thánh Thể quốc tế, bị hoãn lại đúng một năm vì đại dịch. Có đông đảo tín hữu tham gia buổi lễ. Dân thánh của Thiên Chúa, trong Ngày của Chúa, đã tụ họp trước mầu nhiệm Thánh Thể, từ đó họ liên tục được sinh ra và tái sinh. Họ được thánh giá ngự trên bàn thờ ôm lấy, chỉ cùng một hướng đi như Thánh Thể, nghĩa là con đường yêu thương khiêm tốn và vô vị lợi, tình yêu quảng đại và tôn trọng đối với tất cả mọi người, đức tin thanh tẩy khỏi sự phàm tục và dẫn tới điều cốt yếu.

Và cuộc lữ hành cầu nguyện được kết thúc tại Slovakia, ngày lễ Ðức Mẹ Sầu Bi. Tại nước này, ở Sastin, gần Ðền thánh Ðức Mẹ Bảy Sự, dân chúng đông đảo, con của Mẹ, đã đến dự lễ của Mẹ, hôm đó cũng là đại lễ tôn giáo của quốc gia. Cuộc hành hương của tôi là một cuộc lữ hành cầu nguyện giữa lòng Âu châu, bắt đầu bằng buổi chầu Thánh Thể và kết thúc với lòng đạo đức bình dân. Vì Dân Thiên Chúa được kêu gọi trước tiên thờ lạy, cầu nguyện, tiến bước, lữ hành, thống hối và qua đó cảm thấy niềm an vui mà Chúa ban. Và điều đặc biệt quan trọng ở Ðại lục Âu châu, nơi mà sự hiện diện của Thiên Chúa bị tan loãng trong trào lưu duy tiêu thụ và trong "những hơi nước" của một tư tưởng duy nhất, kết quả của một sự pha trộn những ý thức hệ cũ và mới. Cả trong bối cảnh như thế, câu trả lời chữa lành đến từ kinh nguyện, từ chứng tá và từ tình yêu khiêm tốn.

Và đó là điều tôi đã thấy trong cuộc gặp gỡ với dân thánh của Thiên Chúa: một dân trung thành, đã chịu đau khổ vì cuộc bách hại của vô thần. Tôi cũng đã thấy nơi khuôn mặt của các anh chị em Do thái, cùng với họ, chúng tôi đã tưởng niệm cuộc diệt chủng. Vì không có kinh nguyện nếu không có ký ức.

Hành hương về nguồn cội

2. Khía cạnh thứ hai: cuộc tông du này là một cuộc hành hương về cội nguồn. Khi gặp các anh em giám mục ở Budapest cũng như ở Bratislava, tôi đã có thể động chạm cụ thể ký ức biết ơn về những căn cội đức tin và đời sống Kitô, sinh động trong tấm gương rạng ngời của các chứng nhân đức tin, như Ðức Hồng y Mindszenty và Korec, như chân phước giám mục Pavel Peter Gojdic. Những cội rễ đi sâu tới thế kỷ thứ IX, đến công việc loan báo Tin mừng của hai thánh anh em Cirillo và Metodio, hai vị đã đồng hành cuộc tông du này qua sự hiện diện liên lỷ. Tôi đã cảm thấy sức mạnh của những cội rễ này trong buổi cử hành thánh lễ theo nghi thức byzantine, tại Presov, ngày lễ tôn vinh thánh giá. Trong các thánh ca, tôi đã cảm thấy con tim sinh động của dân thánh trung thành, được rèn luyện bằng bao nhiêu đau khổ vì đức tin.

Nhiều lần tôi đã nhấn mạnh về sự kiện những cội rễ này luôn sinh động, đầy nhựa sống, là Thánh Linh, và trong tư cách đó cần phải được bảo tồn: không phải như những đồ vật trong viện bảo tàng, không bị ý thức hệ hóa hoặc lợi dụng để kiếm uy tín và quyền lực, hay để củng cố một căn tính khép kín. Không phải vậy! Làm như thế có nghĩa là phản bội và làm cho các cội rễ ấy bị son sẻ! Thánh Cirillo và thánh Metodio đối với chúng ta không phải là những nhân vật để tưởng niệm, nhưng là những mẫu gương cần noi theo, những bậc thầy ta luôn có thể học hỏi được tinh thần và phương pháp loan báo Tin mừng của các vị, cũng như để dấn thân về mặt dân sự - trong cuộc tông du giữa lòng Âu châu tôi thường nghĩ đến các vị khai sáng Liên hiệp Âu châu-. Ðược hiểu và sống như thế, căn cội ấy là bảo đảm tương lai: từ đó nảy sinh những cành lá đầy hy vọng.

Cuộc lữ hành hy vọng

3. Khía cạnh thứ ba của chuyến viếng thăm: đó là một cuộc lữ hành hy vọng. Tôi đã thấy bao nhiêu hy vọng nơi đôi mắt của những người trẻ, trong cuộc gặp gỡ không thể quên được, tại sân thể thao thành Kosice. Ðặc biệt trong thời đại dịch, lễ hội ấy là một dấu chỉ mạnh mẽ và đầy khích lệ, cũng nhờ sự hiện diện của đông đảo các đôi vợ chồng trẻ, với các con cái. Thật là mạnh mẽ và có đặc tính ngôn sứ chứng từ của nữ chân phước Anna Kolesarova, thiếu nữ Slovakia đã bảo vệ phẩm giá của mình chống lại sự bạo hành dù phải trả giá bằng mạng sống: một chứng tá thời sự hơn bao giờ hết, rất tiếc là sự bạo hành phụ nữ vẫn còn là một vết thương mở toang.

Tôi đã thấy hy vọng nơi bao nhiêu người, họ âm thầm săn sóc và quan tâm đến tha nhân. Tôi nghĩ đến các nữ tu thừa sai bác ái tại trung tâm Bethlehem ở Bratislava, đón tiếp những người vô gia cư. Tôi nghĩ đến cộng đoàn người du mục Rom và những người dấn thân với họ trên một cuộc hành trình huynh đệ và bao gồm mọi người. Và thật là cảm động khi chia sẻ buổi lễ với cộng đoàn người Rom: một buổi lễ đơn sơ, mang hương thơm Tin mừng.

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: Anh chị em thân mến, niềm hy vọng này chỉ được thể hiện, được cụ thể hóa nếu được đi cùng một từ khác, đó là 'cùng nhau'. Tại Budapest và Slovakia, chúng tôi đã ở cùng nhau với các nghi lễ khác nhau của Giáo hội Công giáo, cùng với các anh em thuộc các hệ phái Kitô khác, với các anh chị em Do thái, các tín hữu thuộc các tôn giáo khác, cùng với những người yếu thế nhất. Ðó là con đường, vì tương lai sẽ có hy vọng nếu cùng với nhau.

Cám ơn

Sau cuộc hành trình ấy, trong tâm hồn đôi có một lời cám ơn rất đậm đà. Cám ơn các giám mục và các chính quyền dân sự; cám ơn tất cả mọi người cộng tác vào việc tổ chức; cám ơn bao nhiêu người thiện nguyện; cám ơn mỗi người đã cầu nguyện. Và xin anh chị em vui lòng thêm một kinh nguyện để những hạt giống đã gieo vãi trong cuộc hành trình mang lại những hoa trái tốt.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài tường trình bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm lược bài giáo huấn của Ðức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.

Bằng tiếng Anh, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các nhóm đến từ Anh và Mỹ. Ngài nhắc đến các chủng sinh ở Học viện Anh đang bắt đầu chương trình đào tạo ở Roma.

Bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha cám ơn vì có nhiều người Ba Lan đến đồng hành với ngài bằng sự hiện và cầu nguyện trong cuộc hành hương vừa qua.

Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nhắc đến các nữ tu dòng thánh Anna đang nhóm Tổng tu nghị, những người di dân được tiếp đón tại Trung tâm Thế Giới tốt đẹp hơn, ở Rocca di Papa, gần Roma.

Sau cùng, - Ðức Thánh cha nói: - "như thường lệ, tôi nghĩ đến những người cao niên, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Lễ thánh sử Matthêu chúng ta cử hành hôm qua, 21 tháng 9, là điểm khởi hành để tôi mời gọi anh chị em hãy theo học tại trường Tin mừng, là hướng đạo chắc chắn để tiến bước trong cuộc sống."

Buổi tiếp kiến kéo dài 45 phút và sau đó, Ðức Thánh cha còn chào một số giám mục hiện diện, rồi ngài chào thăm hàng chục người, đặc biệt là các anh chị em bệnh nhân và khuyết tật ngồi trên các xe lăn.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page