Cần chuyển từ tuyên bố sang hành động
đối với vấn đề lương thực
Ðức Tổng Giám Mục Gallagher: Cần chuyển từ tuyên bố sang hành động đối với vấn đề lương thực.
Ngọc Yến
New York (Vatican News 23-09-2021) - Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về Hệ thống Lương thực trong ngày 23 tháng 9 năm 2021, Ðức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh nói rằng, tiếp cận thực phẩm là quyền cơ bản của con người và là điều cần thiết cho một cuộc sống xứng nhân phẩm. Do đó, đối với hệ thống lương thực, cần phải chuyển từ tuyên bố sang hành động.
Tại Hội nghị, trước hết Ðức Tổng Giám mục nói: "Cần tăng cường hành động quốc tế để chuyển đổi hệ thống lương thực và chống lại tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng. Ðức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng trong thế kỷ XXI, nạn đói không chỉ là một tai họa cho nhân loại, nhưng còn là nguyên nhân gây ra những điều xấu. Do đó, đã đến lúc phải chuyển từ tuyên bố và trình bày chiến lược sang hành động hiệu quả và khẩn cấp".
Theo Ngoại trưởng Toà Thánh, vấn đề quan trọng là làm thế nào để chuyển đổi các hệ thống lương thực có thể thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, hỗ trợ tái tạo các hệ thống xã hội sau đại dịch Covid-19, và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mỗi người, đồng thời bảo vệ sự toàn vẹn hành tinh của chúng ta. Như Ðức Thánh Cha đã khẳng định vào tháng 7 năm 2021, trong thông điệp gửi tới hội nghị thượng đỉnh, chúng ta phải cố gắng "gia tăng khả năng phục hồi, củng cố nền kinh tế địa phương, cải thiện dinh dưỡng, giảm lãng phí thực phẩm, cung cấp chế độ ăn lành mạnh và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người, bền vững với môi trường và tôn trọng văn hóa địa phương".
Tiếp cận thực phẩm là quyền cơ bản của con người và là điều cần thiết cho một cuộc sống xứng nhân phẩm. Thực phẩm cho mọi người là một bổn phận đạo đức. Nhưng cho người đói ăn là chưa đủ. Chúng ta còn phải cung cấp cho người nghèo và những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương các nguồn lực cần thiết để họ có thể nuôi sống chính họ và gia đình. Cần phải cung cấp cho họ nhiều cơ hội hơn trong việc sử dụng và sở hữu đất đai, nguồn tài chính và đào tạo. Ðiều này đặc biệt quan trọng đối với lao động nông nghiệp.
Trong khi điều cần thiết là phải sử dụng khoa học tốt nhất và công nghệ tiên tiến hiện có, thì cách tiếp cận phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc đạo đức nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người và theo đuổi công ích. Ðể làm được điều này, chúng ta cần thực hiện một tầm nhìn về các hệ thống phổ quát toàn diện các thành phần con người, kinh tế, môi trường và công nghệ.
Cộng đồng quốc tế có thể tin tưởng vào sự giúp đỡ của Tòa Thánh để biến tầm nhìn này thành hiện thực, thông qua nhiều sáng kiến của Giáo hội Công giáo được thực hiện trên khắp thế giới. (CSR_6372_2021)