Tình yêu tự huỷ

chạm đến tận cùng của thân phận con người

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Tình yêu tự huỷ chạm đến tận cùng của thân phận con người.

Ngọc Yến

Vatican (Vatican News 21-09-2021) - Từ ngày 21 đến 24 tháng 9 năm 2021, tại Ðại học Giáo hoàng Latêranô, Dòng Thương Khó tổ chức Ðại hội Thần học Quốc tế, với chủ đề "Sự khôn ngoan của Thập giá trong một thế giới đa nguyên". Nhân dịp này Ðức Thánh Cha gửi sứ điệp đến cha Joachim Rego, Bề trên Tổng quyền Dòng Thương Khó và các tham dự viên, trong đó nhấn mạnh rằng tình yêu tự hủy và giàu lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, qua Thập giá, đụng chạm đến mọi khía cạnh và đến nơi tận cùng của thân phận con người.

Sau khi nói đến Ðại hội là một phần của việc cử hành mừng 300 thành lập Dòng, và nhằm mục đích đào sâu mối liên hệ của Thập giá với hoàn cảnh hiện nay, trong sứ điệp gửi đến các tham dự viên của Ðại hội, Ðức Thánh Cha viết: "Theo nghĩa này, Ðại hội đáp ứng mong muốn của thánh Phaolô Thánh Giá, hoạt động để Mầu nhiệm Vượt qua, trung tâm của đức tin Kitô và đặc sủng gia đình các tu sĩ Dòng Thương Khó, chiếu toả và loan truyền, đáp ứng những mong đợi và hy vọng của thế giới".

Trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, trong đó vị Tông đồ dân ngoại nói về kích thước dài sâu rộng của tình yêu của Ðức Kitô (Ep 3, 18), Ðức Thánh Cha viết: "Khi chiêm ngắm Ðấng chịu Ðóng Ðinh, chúng ta thấy mọi chiều kích con người được lòng thương xót Thiên Chúa ôm lấy. Qua Thập giá, tình yêu tự hủy và giàu lòng trắc ẩn của Người chạm đến mọi khía cạnh và đến nơi tận cùng của thân phận con người chúng ta, kết hợp một cách mầu nhiệm mối quan hệ chiều dọc với Thiên Chúa và chiều ngang với nhân loại, trong một tình huynh đệ mà cái chết của Chúa Giêsu đã làm cho nó hoàn toàn trở nên phổ quát".

Ðức Thánh Cha viết tiếp: "Ðối với thần học, quyền năng cứu độ xuất phát từ sự yếu đuối của Thánh giá chỉ cho thấy tầm quan trọng của một phương pháp biết kết hợp tầm cao của tư tưởng với sự khiêm nhường của con tim. Trước Ðấng chịu Ðóng Ðinh, thần học cũng được mời gọi hướng đến những tình trạng mong manh và cụ thể nhất của con người, và từ bỏ những phương pháp và ý định mang tính luận chiến, chia sẻ cách vui tươi sự khó nhọc của nghiên cứu và tìm kiếm những hạt giống quý giá mà Lời đã gieo vào trong sự đa dạng và đôi khi mâu thuẫn của văn hóa".

"Thập giá của Chúa, nguồn ơn cứu độ cho mọi người ở mọi nơi và mọi lúc, vì thế cũng mang tính thời sự và hữu hiệu, như trong thời đại hiện nay, với những thay đổi nhanh chóng và phức tạp. Do đó, Ðại hội Thần học rất thích hợp cho việc nghiên cứu Sự Khôn ngoan của Thập giá trong nhiều bối cảnh, như thách đố của các nền văn hóa, thúc đẩy tinh thần nhân văn và đối thoại liên tôn, đồng thời kết hợp suy tư khoa học trong các lĩnh vực khác nhau".

Ðức Thánh Cha kết thúc sứ điệp với hy vọng, qua việc thúc đẩy các tương tác hiệu quả về thần học, văn hóa và mục vụ, sáng kiến này sẽ góp phần vào sự hiểu biết mới về các thách thức đương thời dưới ánh sáng của Sự khôn ngoan của Thập giá, để thúc đẩy việc rao giảng Tin Mừng cách trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa và chú ý đến nhân loại. (CSR_6361_2021)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page