Lòng trung thành với Chúa

tùy thuộc sự sẵn sàng phục vụ của chúng ta

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Lòng trung thành với Chúa tùy thuộc sự sẵn sàng phục vụ của chúng ta.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 19-09-2021) - Trưa Chúa nhật, 19 tháng Chín năm 2021, như thường lệ, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hơn 2,000 tín hữu hành hương, tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô. Trong phần chào thăm các tín hữu, Ðức Thánh cha đặc biệt chia buồn và kêu gọi trợ giúp các nạn nhân bị lụt tại Mêhicô.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Marco, ghi lại Chúa Giêsu dạy ai muốn làm đầu thì phải phục vụ anh chị em mình.

Mở đầu bài huấn dụ, Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa có tiêu chuẩn khác để đánh giá

Bài Tin mừng trong phụng vụ hôm nay (Mc 9,30-37) kể lại rằng, trên đường tiến về Jerusalem, các môn đệ tranh luận với nhau xem "ai là người lớn trong họ" (v.34). Bấy giờ, Chúa Giêsu nói với họ một câu mạnh mẽ, cũng được áp dụng cho chúng ta ngày nay: "Nếu ai muốn là người thứ nhất, thì hãy là người chót trong tất cả và phục vụ mọi người" (v.35). Qua câu nói vắn tắt này, Chúa làm một cuộc đảo lộn: Ngài lật ngược các tiêu chuẩn chứng tỏ điều gì thực sự là đáng kể. Giá trị của một người không còn tùy thuộc vai trò họ đảm nhận, sự thành công của họ, công việc họ làm, tiền bạc họ có trong ngân hàng; không phải vậy, sự cao cả và thành công, dưới mắt Thiên Chúa, có một thước đo khác: chúng được đo lường theo sự phục vụ. Không phải theo điều họ có, nhưng là theo điều mà họ cho. Bạn muốn là người đứng đầu ư? Hãy phục vụ.

Phục vụ là gì?

Ngày nay, từ "phục vụ" có phần bị mờ nhạt, bị hao mòn. Nhưng trong Tin mừng, nó có một ý nghĩa chính xác và cụ thể. Phục vụ không phải là kiểu nói lịch sự: đó là làm như Chúa Giêsu. Chúa tóm tắt cuộc sống của Ngài trong vài lời, và nói là Ngài đến "không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ" (Mc 10,45). Vì thế, nếu chúng ta muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta phải đi cùng con đường chính Chúa đã vạch ra, con đường phục vụ. Lòng trung thành với Chúa tùy thuộc sự sẵn sàng phục vụ của chúng ta. Ðiều này nhiều khi phải trả giá, "có mùi thánh giá". Hễ sự săn sóc và sẵn sàng của chúng ta đối với tha nhân càng gia tăng, thì chúng ta càng được tự do hơn trong nội tâm, trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Hễ chúng ta càng phục vụ, thì chúng ta càng nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhất là khi chúng ta phục vụ người không có gì để đáp trả, những người nghèo, đón nhận những khó khăn, những nhu cầu của họ với lòng cảm thương dịu dàng: như thế, chúng ta khám phá mình cũng được Thiên Chúa yêu thương và ấp ủ.

Giá trị của bé nhỏ trước mặt Chúa

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Ðể diễn tả điều này, sau khi nói về chỗ đứng thứ nhất của sự phục vụ, Chúa thực hiện một cử chỉ: Ngài dắt một em bé và đặt giữa các môn đệ, tại nơi quan trọng nhất (Xc v.36). Trong Tin mừng, trẻ em không tượng trưng sự ngây thơ trong trắng cho bằng sự bé nhỏ. Vì những người bé nhỏ, như các trẻ em, tùy thuộc vào những người khác, những người lớn, họ cần được lãnh nhận. Chúa Giêsu ôm lấy em bé đó và nói rằng ai đón nhận một người nhỏ là đón nhận Ngài (Xc v.37). Nhất là người phục vụ: những người cần lãnh nhận mà không có gì để đền đáp. Khi đón nhận người ở ngoài lề, bị lơ là, tức là chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, vì chính Ngài ở đó. Ngài ở trong một người bé nỏ, một người nghèo mà chúng ta phục vụ, chúng ta cũng đón nhận vòng tay ôm dịu dàng của Thiên Chúa.

Áp dụng vào cuộc sống

Ðức Thánh cha nói: "Anh chị em thân mến, được Tin mừng gọi hỏi, chúng ta hãy tự hỏi: phần tôi, tôi có theo Chúa Giêsu, quan tâm đến những người bị lơ là nhất hay không? Hoặc như các môn đệ hôm đó, tôi đi tìm sự bù đắp cho bản thân? Tôi có coi cuộc sống như một cuộc tranh đấu để tìm được chỗ tốt mà gây thiệt hại cho những người khác hay là tôi nghĩ rằng được chỗ nhất có nghĩa là phục vụ? Và một cách cụ thể: tôi có dành thời giờ cho vài người "bé nhỏ", một người không có phương thế để đền đáp hay không? Tôi có chăm sóc người không thể đền bù cho tôi hay chỉ săn sóc cha mẹ và bạn hữu của tôi thôi?

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Xin Ðức Trinh Nữ Maria, nữ tỳ khiêm hạ của Chúa giúp chúng ta hiểu rằng phục vụ không giảm giá của chúng ta, nhưng làm cho chúng ta tăng trưởng; và cho đi thì vui hơn là nhận lãnh. (Xc Cv 20,35).

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Ðức Thánh cha nói: "Tôi gần gũi các nạn nhân bị lụt tại bang Hidalgo, bên Mêhicô, nhất là các bệnh nhân bị thiệt mạng tại nhà thương Tula và thân nhân họ."

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Tôi muốn đoan chắc sẽ cầu nguyện cho những người bị giam cầm bất công tại các nước ngoài: rất tiếc là trong nhiều trường hợp, họ bị giam vì những lý do khác nhau, nhiều khi phức tạp. Tôi cầu mong rằng, khi chu toàn công lý một cách đúng đắn, những người ấy sớm có thể trở về quê hương."

Ðức Thánh cha chào thăm các tín hữu Roma và khách hành hương từ nhiều nước; Ba Lan, Slovakia, Honduras. Ngài nói: "Tôi chào các gia đình, các nhóm, các hội đoàn và mỗi cá nhân tín hữu. Ðặc biệt, tôi chào nhóm các em chịu phép thêm sức ở Scandicci và Hiệp hội các cựu học viên của Vị Tôi tớ Chúa, linh mục Gianfranco Maria Chiti, dòng Capuchino, hôm nay là kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của cha.

Cha Chiti nguyên là một thiếu tướng chỉ huy trường hạ sĩ quan ở Viterbo, cách Roma 80 cây số. Sau đó đã xin giải ngũ và đi tu dòng Capuchino.

Ðức Thánh cha cũng nhắc đến các tín hữu tụ tập tại Ðền thánh Ðức Mẹ La Salette bên Pháp, nhân kỷ niệm 175 năm Ðức Mẹ hiện ra với hai thiếu niên. Ðức Mẹ khóc, nước mắt của Ðức Mẹ làm ta nghĩ tới nước mắt của Chúa Giêsu, khi đến gần thành Jerusalem và nỗi lo buồn của Chúa tại Vườn Giệtsimani: nước mắt của Ðức Mẹ là phản ánh đau khổ của Chúa Kitô vì tội lỗi chúng ta và một lời kêu gọi luôn thời sự, hãy tín thác nơi lòng thương xót của Chúa.

Trước khi kết thúc, Ðức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chúa nhật tốt đẹp và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page