Ðức Thánh cha chủ sự thánh lễ

theo nghi thức Ðông phương tại Slovakia

 

Ðức Thánh cha chủ sự thánh lễ theo nghi thức Ðông phương tại Slovakia.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Kosice (RVA News 14-09-2021) - Thứ Ba 14 tháng 9 năm 2021 là ngày áp chót trong cuộc tông du thứ 34 của Ðức Thánh cha Phanxicô và cũng là một ngày làm việc khẩn trương của Ðức Thánh cha tại Slovakia, với 3 hoạt động tại miền đông nước này. Trước tiên là thánh lễ theo nghi thức Ðông phương vào ban sáng, tiếp đến vào ban chiều ngài gặp gỡ cộng đoàn những người du mục Rom, và sau cùng là cuộc gặp gỡ giới trẻ, trước khi trở về thủ đô Bratislava.

Lúc 7 giờ 40 phút sáng, Ðức Thánh cha rời Tòa Sứ thần Tòa Thánh để ra phi trường cách đó 11 cây số để đáp máy bay, lúc 8 giờ đến Kosice, thành phố cổ kính có 238,000 dân cư, cách thủ đô Bratislava 310 cây số về hướng đông. Trên máy bay, có 50 phút để mọi người dùng bữa sáng.

Kosice là thành phố lớn thứ hai của Slovakia, dân số bằng quá một nửa so với thủ đô Bratislava. Nơi đây là trụ sở của Tổng giáo phận Kosice, có gần 680,000 tín hữu Công giáo Latinh, với gần 500 linh mục triều và dòng, 400 nữ tu nam nữ các dòng. Các tín hữu Công giáo nghi lễ Ðông phương tại đây cũng khá đông đảo, họp thành một giáo phận với gần 74,000 thành viên, hơn 175 linh mục, đa số là những người có gia đình. Ðức Tổng giám mục Cyril Vasil, dòng Tên 56 tuổi, của giáo phận này nguyên là Tổng thư ký Bộ các Giáo hội Công giáo Ðông phương.

Ðến sây bay Kosice lúc 9 giờ 15, Ðức Thánh cha dùng xe đi ngay đến thành phố Presov, cách đó 47 cây số về mạn bắc, để cử hành thánh lễ. Presov là thành phố lớn thứ ba của Slovak, trụ sở Tổng giáo phận cùng tên thuộc Giáo hội Công giáo Ðông phương và có gần 118,000 tín hữu. Trong thời cộng sản, Giáo hội này bị nhà nước Tiệp Khắc xóa bỏ và ép các tín hữu phải sáp nhập vào Chính thống giáo, nhưng sau khi tìm lại được tự do, Giáo hội này phát triển mạnh mẽ và ơn gọi dồi dào: 282 linh mục triều và 19 linh mục dòng. Các linh mục triều không phải giữ luật độc thân. Ðức Tổng giám mục tại đây Jan Babjak, cũng thuộc dòng Tên. Các giám mục được chọn trong số các tu sĩ hoặc đan sĩ độc thân.

Thánh lễ

Ðến khu vực sân thể thao Mestská ở Presov lúc 10 giờ, Ðức Thánh cha được Ðức Tổng giám mục Babjak chào đón và hai tín hữu tặng hoa cho các vị, trong khi hai em bé mang bánh và muối để các vị làm phép, theo truyền thống đón tiếp của địa phương, rồi Ðức Thánh cha và Ðức Tổng giám mục lên xe mui trần tiến qua các lối đi ở quảng trường, trước sân thể thao để chào khoảng 50,000 tín hữu từ nhiều nơi tụ về đây để dự lễ theo nghi thức Ðông phương, được gọi là phụng vụ Bizantine của thánh Gioan Kim Khẩu, nguyên là Thượng phụ thành Constantinople, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng hồi đó là kinh đô của Ðế quốc La Mã ở Ðông phương.

Thánh lễ bắt đầu lúc 10 giờ rưỡi, cùng với hàng chục hồng y, giám mục trên lễ đài và hàng trăm linh mục đồng tế ở một khu vực riêng trước lễ đài, trong phẩm phục phụng vụ Ðông phương màu đỏ.

Thánh Lễ gồm phần phụng vụ chuẩn bị, rồi phụng vụ cho người dự tòng với các bài đọc sách thánh và bài giảng của Ðức Thánh cha.

Bài giảng

Trong bài giảng, lễ Suy tôn Thánh giá, Ðức Thánh cha đi từ câu Tin mừng theo thánh Gioan, là vị đã đứng dưới chân thập giá Chúa, để diễn giải và rút ra những bài học thực hành cho các tín hữu.

Chiêm ngưỡng thánh giá

Ðức Thánh cha nói: Thánh Gioan chiêm ngưỡng Chúa Giêsu đã từ trần, thân treo trên thập giá, và thánh nhân viết trong sách Tin mừng: "Người đã nhìn thấy và làm chứng về điều đó" (Ga 19,35). Thánh Gioan thấy và làm chứng. Thánh nhân thấy Chúa Giêsu vô tội và tốt lành, chịu chết tàn bạo giữa hai tên bất lương.

Thiên Chúa yếu đuối và bị đóng đanh. Bao nhiêu lần chúng ta khao khát một Kitô giáo chiến thắng, hiển thắng, giữ vai trò quan trọng, được vinh quang và được kính trọng. Nhưng một Kitô giáo không có thập giá thì phàm tục và trở nên khô cằn.

Trái lại, thánh Gioan đã thấy trong thập giá công trình của Thiên Chúa, thánh nhân đã nhận ra nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh vinh quang của Thiên Chúa.

Chọn thập giá là con đường khó khăn nhất... Nhưng chính tại nơi mà ta nghĩ Thiên Chúa không thể hiện hữu, thì Thiên Chúa đã đến đó. Ðể cứu người tuyệt vọng, Chúa đã muốn nếm tuyệt vọng, biến tuyệt vọng cay đắng nhất của chúng ta thành của Ngài, Chúa đã kêu trên thập giá: "Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con?" (Mt 27,46, Tv 22,1).

Ðức Thánh cha cảnh giác rằng: Ðeo thánh giá ở cổ, treo thánh giá trong nhà, trong xe, để trong túi, là điều không ích gì nếu chúng ta không dừng lại nhìn Ðấng chịu đóng đanh và không mở lòng cho Chúa, nếu chúng ta không để cho mình kinh ngạc vì những vết thương của Chúa mở toang vì chúng ta.

Làm chứng

Ðức Thánh cha bước sang điểm thứ hai và nói rằng: Từ chiêm ngắm Ðấng chịu đóng đanh nảy sinh bước thứ hai là làm chứng. Bao nhiêu người quảng đại đã chịu đau khổ và chết tại Slovakia này vì danh Chúa Giêsu! Một chứng tá được thi hành vì tình yêu đối với Ðấng mà họ đã chiêm ngắm lâu dài, đến độ trở nên giống Chúa kể cả trong cái chết.

"Tại đây tôi cũng nghĩ đến thời nay, không thiếu cơ hội làm chứng. Cám ơn Chúa tại đây không còn kẻ bách hại các tín hữu Kitô như quá nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng chứng tá có thể bị ô nhiễm vì tinh thần thế tục và tầm thường. Thánh giá đòi một chứng tá trong sáng. Vì thánh giá không muốn là một lá cờ trương lên, nhưng là nguồn mạch tinh tuyền một lối sống mới, đó là các mối Phúc Thật. Chứng nhân có thánh giá trong tâm hồn và không phải chỉ đeo ở cổ; chứng nhân không coi ai là kẻ thù, nhưng tất cả đều là anh chị em mà Chúa Giêsu đã hiến mạng vì họ. Chứng nhân của thập giá không nhớ những lỗi lầm quá khứ, và không than vãn vì hiện tại, không dùng những lối lường gạt và quyền lực trần tục, không muốn áp đặt, nhưng hiến mạng vì tha nhân, không tìm tư lợi, để rồi tỏ ra là người đạo đức: làm như thế là thứ tôn giáo hai mặt chứ không phải là làm chứng về Chúa chịu đóng đanh. Chứng nhân về thập giá chỉ theo một kế hoạch của Thầy, đó là tình yêu khiêm tốn, không chờ mong chiến thắng dưới trần thế này, nhưng biết rằng tình yêu Thiên Chúa phong phú trong đời sống thường nhật và làm mới mọi sự từ bên trong, như hạt giống rơi xuống đất, chết đi và mang lại nhiều hoa trái.

Sau bài giảng của Ðức Thánh cha là phần phụng vụ các tín hữu tức là những người đã chịu phép rửa tội, rồi tới nghi thức rước lễ.

Phần rước lễ thật lâu, vì mỗi tín hữu đều rước lễ dưới hai hình bánh và rượu.

Thánh lễ kết thúc lúc qua 12 giờ trưa, với đôi lời của Ðức Tổng giám mục sở tại chào kính và cám ơn Ðức Thánh cha. Sau đó, Ðức Thánh cha lại dùng xe đi 43 cây số về Ðại chủng viện thánh Carlo Borromeo của Tổng giáo phận Kosice để dùng bữa trưa lúc 1 giờ 30 và nghỉ ngơi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page