Ðức Thánh cha chủ sự thánh lễ
bế mạc Ðại hội Thánh Thể Quốc tế thứ 52
Ðức Thánh cha chủ sự thánh lễ bế mạc Ðại hội Thánh Thể Quốc tế thứ 52.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Budapest (RVA News 12-09-2021) - Hoạt động thứ tư và cũng là hoạt động quan trọng nhất của Ðức Thánh cha Phanxicô sáng Chúa nhật 12 tháng 9 năm 2021 là thánh lễ ngài cử hành tại Quảng trường Các Vị Anh Hùng, ở thủ đô Budapest của Hungary, với sự tham dự của các đại biểu đến từ 80 nước trên thế giới, không kể hàng trăm ngàn tín hữu ở Hungary và từ các nước lân cận đến tham dự nhiều sinh hoạt khác trong những ngày đại hội. Chủ đề của Ðại hội là: "Mọi nguồn mạch của Ta ở trong con" (Tv 87,6).
Lúc 10 giờ 45, Ðức Thánh cha đã dành hơn 20 phút để đi xe bọc kính, Papamobile, tiến vào Quảng trường Các Vị Anh Hùng lớn nhất tại Budapest, có thể tiếp nhận được 250,000 người. Ngài tiến qua các lối đi, để chào thăm các tín hữu, cả những người ở những con đường xa xa, dự lễ qua các màn hình khổng lồ. Ngoài các tín hữu Hungary, còn có các đoàn đến từ các nước lân cận, và các đại biểu đến từ các nước.
Ðồng tế với Ðức Thánh cha, có hàng trăm hồng y và giám mục ở trên lễ đài, trong khi hơn 600 linh mục ở khu vực trước lễ đài. Phần thánh ca do ca đoàn tổng hợp hàng ngàn người từ nhiều nơi trong nước hợp lại.
Thánh lễ bắt đầu lúc 11 giờ 30 và các bài lễ về Chúa nhật thứ XXIV thường niên năm B.
Lời chào của Ðức Hồng y Peter Erdoe
Trong lời chào Ðức Thánh cha đầu thánh lễ, Ðức Hồng y Peter Erdoe, Tổng giám mục giáo phận Budapest sở tại, cho biết trong số những người hiện diện, đặc biệt có Ðức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople và cũng là vị đứng đầu các vị Giáo chủ Chính thống giáo. Ngoài ra có cả các tín hữu không Kitô, như các đại diện của Do thái giáo và những người có một vũ trụ quan khác, họ là một dấu chỉ sinh động của thời đại, nghĩa là ơn gọi của Giáo hội giữa lòng nhân loại.
Ðức Hồng y Erdoe cũng nhắc đến cuộc thánh du của thánh giá truyền giáo, với thánh tích của các vị thánh và chân phước Hungary, được rước đi qua Hungary và các nước lân cận và đã mang lại nhiều phúc lành cho dân chúng. Và Ðức Hồng y xin Ðức Thánh cha nhận một bản sao thánh giá truyền giáo, như một kỷ niệm của các vị thánh và các vị tử đạo của miền này.
Bản sao thánh giá được đặt trong một hộp màu trắng, có gắn các thánh tích.
Bài giảng của Ðức Thánh cha
Trong bài giảng, Ðức Thánh cha đã quảng diễn giai thoại theo Tin mừng Marco: tại Cesare Philipphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: "Người ta bảo Thầy là ai?" và sau khi vài môn đệ trả lời, Chúa hỏi tiếp: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" (Mc 8,29). Câu hỏi này đặt các môn đệ vào thế khó khăn và đánh dấu một khúc quanh trong hành trình của họ theo Thầy.
Ðức Thánh cha nhận xét rằng các môn đệ đã sống và theo Chúa, nhưng họ chưa suy nghĩ như Người. Còn thiếu một sự chuyển tiếp quyết định, từ sự ngưỡng mộ Chúa Giêsu đến việc noi gương Chúa. Cả ngày hôm nay, Chúa cũng nhìn mỗi người chúng ta và đích thân hỏi: "Thầy thực sự là ai đối với con?", Chúa muốn một câu trả lời đích thân, bằng cuộc sống của chúng ta. Từ câu trả lời này nảy sinh một sự đổi mới việc làm môn đệ của Chúa. Nó diễn ra qua ba giai đoạn: các môn đệ đã thực hiện và cả chúng ta cũng có thể làm, đó là: lời loan báo của Chúa Giêsu, sự phân định với Chúa Giêsu và sau cùng là bước theo Chúa Giêsu.
1. Trước tiên là lời loan báo của Chúa Giêsu
Sau khi Phêrô trả lời Chúa Giêsu thay cho toàn nhóm các môn đệ: "Thầy là Ðức Kitô". Câu trả lời đúng, nhưng Chúa Giêsu lại nghiêm nghị truyền cho ông Phêrô không được nói với ai về Người (v.30). Tại sao Chúa lại nghiêm cấm như vậy? Thưa vì một lý do chính xác: nói rằng Chúa Giêsu là Ðức Kitô, là Ðức Messia, tuy đúng nhưng không đầy đủ. Vẫn luôn có nguy cơ loan báo một sự cứu thế giả tạo, theo quan niệm người đời chứ không theo Thiên Chúa. Vì thế, từ lúc đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ lộ căn tính của Ngài, căn tính mà chúng ta thấy trong Thánh Thể. Chúa Giêsu thích rằng sứ mạng của Ngài sẽ đạt tới tột đỉnh trong vinh quang phục sinh, nhưng tiến qua sự tủi nhục thập giá... Chúa Giêsu buộc phải im lặng về căn tính Kitô của Ngài, nhưng không im lặng về thập giá đang chờ đợi Ngài. Như thánh sử ghi nhận, từ lúc đó Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy công khai (Mt 8,32) rằng "Con Người phải chịu đau khổ nhiều và bị các kỳ lão, trưởng tế và luật sĩ phủ nhận, bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại" (v.31).
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Ðứng trước lời loan báo này của Chúa Giêsu, cả chúng ta cũng có thể kinh hoàng. Cả chúng ta cũng muốn một Ðức Messia hùng mạnh, thay vì là một người tôi tớ chịu đóng đanh. Thánh Thể đang ở trước mặt chúng ta là để nhắc nhở cho chúng ta Thiên Chúa là ai. Ngài không nhắc nhở bằng lời nói, tỏ cho chúng ta thấy một cách cụ thể Thiên Chúa như Bánh bị bẻ ra, như Tình Yêu chịu đóng đanh và trao hiến. Chúng ta có thể thêm bao nhiêu lễ nghi, nhưng Chúa vẫn ở đó, trong sự đơn sơ của một Tấm Bánh để cho mình bị bẻ ra, phân phát và ăn. Ðể cứu độ chúng ta, Chúa trở nên người tôi tớ; để ban cho chúng ta sự sống, Ngài chết đi. Chúng ta hãy để cho mình bị đảo lộn vì lời loan báo của Chúa Giêsu.
2. Phân định cùng với Chúa Giêsu
Ðức Thánh cha nói: Ðứng trước lời loan báo của Chúa Giêsu [về cuộc khổ nạn của Ngài], ông Phêrô có phản ứng tiêu biểu của con người: khi có viễn tượng thập giá, đau khổ, con người nổi loạn. Ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Ðức Messia, nay lấy làm cớ vấp phạm vì những lời của Thầy và toan khuyên can Ngài đừng tiến bước theo con đường ấy. Thập giá không bao giờ hợp thời: ngày nay cũng như trong quá khứ. Nhưng thập giá chữa lành nội tâm. Chính khi đứng trước thập giá mà chúng ta cảm nghiệm một cuộc chiến đấu phúc lợi trong nội tâm, một cuộc xung đột gay go giữa sự "suy nghĩ theo Thiên Chúa" và "suy nghĩ theo người đời" ... Con đường của Thiên Chúa xa tránh mọi áp đặt, phô trương và háo thắng, luôn hướng về điều thiện hảo cho người khác, đến độ hy sinh bản thân. Ðàng khác, suy nghĩ theo người đời là tiêu chuẩn của trần thế, bám víu vào danh vọng và đặc ân, nhắm vào uy tín và thành công.
Bị choáng váng vì viễn tượng ấy, ông Phêrô kéo Chúa Giêsu ra một nơi và bắt đầu trách ngài (v.32). Cả chúng ta cũng có thể đặt Chúa "ra một nơi riêng", đặt ngài vào trong một góc tâm hồn, tiếp tục coi mình là người đạo đức và tốt lành, tiến bước mà không để cho mình bị tiêu chuẩn của Chúa Giêsu chinh phục. Nhưng Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta trong cuộc chiến đấu nội tâm ấy, vì Chúa muốn rằng chúng ta chọn phía của Ngài, như các môn đệ. Có phía Thiên Chúa và phía trần thế. Sự khác biệt không phải là giữa đạo đức hay không đạo đức, nhưng chính là giữa một bên là Thiên Chúa và bên kia tại chính cái tôi của mình. Thật là cách xa dường nào giữa Ðấng hiển trị trong thinh lặng trên thập giá và thần giả mà chúng ta muốn nó thông trị bằng võ lực và buộc những kẻ thù của chúng ta phải im tiếng!... Chúa Giêsu đánh động chúng ta, Ngài không hài lòng với những tuyên bố đức tin, nhưng yêu cầu chúng ta thanh tẩy lòng đạo đức trước thập giá của Ngài, trước Thánh Thể. Thật là tốt nếu chúng ta thờ lạy trước Thánh Thể để chiêm ngưỡng sự dòn mỏng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dành thời giờ để chầu Mình Thánh. Hãy để cho Chúa Giêsu, Bánh Hằng Sống chữa lành những khép kín của chúng ta, mở rộng chúng ta cho sự chia sẻ, chữa lành những cứng nhắc, và sự com cụm của chúng ta; giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ làm tê liệt trong việc bảo vệ hình ảnh của chúng ta, soi sáng cho chúng ta theo Chúa tới nơi Ngài muốn dẫn chúng ta tới.
3. Bước theo Chúa Giêsu
Chúa Giêsu phán với Phêrô: "Hãy lui khỏi Ta, hỡi Satan" (v.33). Chúa Giêsu làm cho Phêrô tỉnh ngộ với lời truyền tha thiết và mạnh mẽ. Nhưng khi Chúa truyền điều gì, thì Ngài ở đó trong thực tế, sẵn sàng ban cho. Ông Phêrô đã đón nhận ơn "bước lui". Hành trình Kitô không phải là một cuộc theo đuổi thành công, nhưng bắt đầu bằng một bước lui, với sự giải trừ khỏi sự tập trung, đưa ta ra khỏi trung tâm cuộc sống. Bấy giờ, ông Phêrô nhận ra rằng trung tâm không phải Chúa Giêsu của thánh nhân, nhưng là Chúa Giêsu đích thực. Ông Phêrô lại sa ngã, nhưng từ tha thứ này đến tha thứ khác, Phêrô ngày càng nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa. Và ông đi từ sự ngưỡng mộ vô bổ đối với Chúa Kitô đến sự noi gương cụ thể của Chúa Kitô.
Vậy bước theo Chúa Giêsu là gì? Là tiến bước trong cuộc sống với cùng niềm tín, xác tín mình là những người con được Thiên Chúa yêu thương. Là bước đi trên cùng con đường của Thấy, Ðấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Xc Mc 10,45).
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Thánh Thể biến đổi chúng ta, như Ngài đã biến đổi các vị đại thánh can đảm mà chúng ta tôn kính.
Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Ðại hội Thánh Thể quốc tế này là một điểm tới của một hành trình, nhưng nhất là một điểm khởi hành. Vì con đường theo Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn về đằng trước, đón nhận khúc quanh của ơn thánh, mỗi ngày làm hồi sinh nơi chúng ta câu hỏi mà Chúa nói với chúng ta là các môn đệ, như tại Cesare Philipphê: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?"
Cuối thánh lễ, Ðức Thánh cha đọc kinh Truyền tin với các tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn trước đó, ngài cám ơn đại gia đình Kitô Hungary, gồm các nghi lễ, bao gồm cả các tín hữu Công giáo và các hệ phái Kitô khác, tất cả đang trên đường tiến về hiệp nhất trọn vẹn. Ðức Thánh cha đặc biệt chào thăm và cám ơn Ðức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople, các anh em giám mục, linh mục tu sĩ nam nữ và tất cả các giáo hữu. Ngài cũng cám ơn chính quyền đạo đời và nhắc đến truyền thống Kitô của Hungary được biểu lộ qua thánh giá và nhận xét rằng "Thánh giá truyền giáo" là biểu tượng của Ðại hội Thánh Thể này: ước gì thánh giá dẫn đưa anh em chị loan báo bằng cuộc sống Tin mừng giải thoát về sự dịu dàng vô biên của Thiên Chúa đối với mỗi người. Trong sự đói khát tình thương ngày nay, đó là lương thực mà con người mong đợi.
Ðức Thánh cha cũng không quên nhắc đến lễ tôn phong hai bị chân phước tại Ba Lan, sáng Chúa nhật 12/9 này: Ðức Hồng y Stefan Wyszinski và Elisabeth Czacka, sáng lập dòng các nữ tu Phan Sinh Nữ Tỳ Thánh Giá. Hai vị đã biết rõ thập giá: Ðức Giáo chủ Ba Lan bị bắt và biệt giam, luôn luôn là một mục tử can đảm theo lòng Chúa Kitô, vị loan báo tự do và phẩm giá con người. Nữ tu Elisabeth, khi còn nhỏ đã bị mù, nhưng đã tận hiến trọn cuộc sống để giúp đỡ những người mù. Ước gì tấm gương của các chân phước mới khích lệ chúng ta biến đổi tăm tối thành ánh sáng, với sức mạnh của tình yêu.
Cuối thánh lễ, Ðức Tổng giám mục Marini, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về các Ðại hội Thánh Thể quốc tế đã ngỏ lời cám ơn Ðức Thánh cha.
Sau thánh lễ, lúc 2 giờ chiều, Ðức Thánh cha đã trở lại phi trường Budapest để đáp máy bay sang Cộng hòa Slovakia, kết thúc cuộc viếng thăm 7 tiếng đồng hồ tại thủ đô của Hungary.