Diễn văn của Ðức Thánh Cha

trong buổi gặp gỡ các Giám mục

tại Bảo tàng Nghệ thuật Budapest

 

Diễn văn của Ðức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ các Giám mục tại Bảo tàng Nghệ thuật Budapest.

Budapest (Vatican News 12-09-2021) - Sau khi gặp tổng thống và thủ tướng Hungary, vào lúc 09,15', tại Bảo tàng Nghệ thuật Budapest, Ðức Thánh Cha gặp gỡ các Giám mục Hungary.

Diễn văn của Ðức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng được gặp gỡ anh chị em. Tôi cám ơn những lời chào đón của anh chị em. Những lời chào đón này cùng với sự hiện diện bên cạnh nhau của anh chị em nơi đây diễn tả một khát vọng lớn lao về sự hiệp nhất. Chúng kể về một hành trình, cho dù đôi khi phải đương đầu với những khó khăn nhọc mệt, nhưng anh chị em đã đối diện bằng tất cả lòng can đảm và thiện chí, cùng nâng đỡ nhau dưới ánh nhìn của Ðấng Tối Cao, là Ðấng sẵn sàng chúc lành cho những anh chị em cùng chung sống (x. Tv 133,1)

Tôi nhìn thấy anh chị em, những anh chị em trong niềm tin vào Ðức Kitô, và tôi chúc lành cho hành trình xây dựng tình hiệp thông mà anh chị em đang theo đuổi. Tôi muốn hướng tâm trí về đan viện Pannonhalma, một trung tâm linh đạo của đất nước này, nơi mà cách đây ba tháng anh chị em đã hội họp để suy tư và cầu nguyện cùng nhau. Cầu nguyện cùng nhau và cho nhau, cũng như cùng nhau dấn thân sống đức ái trong thế giới này, nơi mà Thiên Chúa hết mực yêu mến, đó chính là cách thế cụ thể nhất để đạt đến sự hiệp nhất tròn vẹn.

Tôi nhìn thấy anh chị em, những anh chị em trong đức tin của tổ phụ Abraham, cha của chúng ta. Tôi ngưỡng mộ anh chị em về sự dấn thân nhằm phá đổ các bức tường ngăn cách của quá khứ; người Do Thái và người Kitô hữu, anh chị em khao khát nhìn tha nhân không phải như những người xa lạ nhưng như là một người bạn, không còn là một địch thù, nhưng là người anh em. Ðây là sự thay đổi cái nhìn được Thiên Chúa chúc phúc; sự biến đổi này vén mở những khởi đầu mới, sự thanh tẩy này canh tân đời sống. Anh chị em đang mừng những lễ trọng đại Rosh Hashanah và Yom Koppur trong những ngày này, tôi muốn gửi đến anh chị em những lời chúc mừng nồng nhiệt. Những ngày lễ trọng này là thời gian của ân sủng giúp canh tân sự gắn kết với những lời mời gọi thiêng liêng này. Thiên Chúa của các tổ phụ luôn mở ra những con đường mới: như xưa Người đã biến đổi hoang địa thành con đường dẫn đến Ðất Hứa, cũng thế Thiên Chúa muốn dẫn chúng ta ra khỏi những hoang địa khô cằn của thù hận và dửng dưng để tiến vào quê nhà đáng mong đợi của tình hiệp thông.

Không phải ngẫu nhiên mà những người trong Kinh Thánh được kêu gọi để bước theo Chúa cách đặc biệt luôn phải rời khỏi nhà, lên đường, đi tới những vùng đất chưa được biết đến và những chân trời còn rất mới mẻ. Chúng ta nghĩ đến Abraham, người đã rời bỏ nhà cửa, dòng tộc và quê hương để lên đường. Ai theo Thiên Chúa đều được mời gọi để bỏ lại. Chúng ta cũng được kêu gọi để bỏ lại những hiểu lầm của quá khứ, bỏ lại những khẳng định cho rằng chính mình thì đúng đắn còn người khác thì sai lầm, nhờ đó chúng ta có thể bắt đầu cuộc hành trình hướng đến miền đất hứa của bình an, bởi vì Thiên Chúa luôn có kế hoạch của bình an, chứ không bao giờ của bất hạnh (x. Gr 29,11).

Tôi muốn cùng anh chị em gợi nhớ lại hình ảnh chiếc cầu Xích, nối hai bờ của thành phố này. Chiếc cầu này không đặt hai bờ lên nhau, nhưng giữ cho chúng nối liền nhau. Cũng thế giữa chúng ta có những mối liên kết. Mỗi khi có cám dỗ muốn thống trị người khác thì nó chẳng xây dựng được gì ngoài việc huỷ hoại; điều này cũng vậy khi muốn chèn ép người khác, thay vì hoà nhập với họ. Ðôi lần trong quá khứ, điều này đã xảy ra. Chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện để điều này không tái diễn nữa. Chúng ta cùng nhau dấn thân để thúc đẩy một nền giáo dục thăng tiến tình huynh đệ; có như thế biểu hiện bộc phát của sự thù ghét nhằm huỷ hoại tình huynh đệ không còn chiếm ưu thế. Tôi nghĩ tới mối nguy từ chủ nghĩa bài Do Thái, vốn dĩ vẫn còn lảng vảng ở châu Âu và nhiều nơi khác. Nó chính là ngòi nổ cần phải được dập tắt. Tuy nhiên, cách tốt hơn để loại bỏ mối nguy này là tích cực làm việc cùng nhau để thúc đẩy tình huynh đệ. Hình ảnh chiếc cầu vẫn tiếp tục gợi hứng cho chúng ta. Chiếc cầu được nâng đỡ bởi những cáp xích lớn được tạo nên nhờ nhiều mắc xích. Chúng ta là những mắc xích này, và mỗi mắc xích đều quan trọng, do đó, chúng ta không thể tiếp tục sống trong sự ngờ vực, vô minh, xa cách và bất hòa.

Một chiếc cầu nối hai bờ lại với nhau. Theo nghĩa này, bắt nguồn từ Kinh Thánh, ý niệm này gợi nhắc đến giao ước. Thiên Chúa của Giao Ước yêu cầu chúng ta không nhượng bộ cho thứ luận lý bênh vực sự cô lập và lợi ích nhóm. Ngài không muốn những giao ước với ai làm thiệt hại người khác; nhưng Ngài muốn những người và cộng đoàn là những cây cầu hiệp thông với mọi người. Trong đất nước này, xét như là những đại diện của các tôn giáo có đông tín hữu, anh chị em có nhiệm vụ củng cố những điều kiện thuận lợi nhờ đó quyền tự do tôn giáo được tôn trọng và tiến triển cho tất cả mọi người. Và anh chị em có vai trò làm gương cho mọi người: không ai có thể nói rằng từ môi miệng của con cái Thiên Chúa đã thốt ra những lời chia rẽ, trái lại, đó là những sứ điệp cởi mở và hòa bình. Trong một thế giới bị xâu xé bởi quá nhiều xung đột, đây là chứng tá đẹp nhất phải đưa ra đối với những ai đã nhận được ân sủng nhận biết Thiên Chúa của giao ước và bình an.

Chiếc cầu Xích, ngoài việc được biết đến nhiều nhất, nó còn là cây cầu lâu đời nhất ở thành phố này. Nhiều thế hệ đã đi lại trên chiếc cầu này. Do đó, nó mời gọi chúng ta nhớ về quá khứ. Chúng ta tìm thấy ở đó đau khổ và bóng tối, hiểu lầm và bắt bớ, nhưng một khi đi sâu tới tận nguồn, chúng ta sẽ khám phá ra một di sản tinh thần chung lớn lao hơn. Ðây là kho tàng cho phép chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai khác. Tôi xúc động khi nghĩ tới rất nhiều hình ảnh về những người bạn của Chúa; họ là những người đã chiếu giãi ánh sáng của Ngài giữa những đêm đen của thế giới này. Trong số nhiều người, tôi muốn trích dẫn nhà thơ vĩ đại của đất nước này Miklós Radnóti. Chỉ vì là người gốc Do Thái, mà sự nghiệp rực rỡ của ông đã bị phá vỡ bởi lòng căm thù mù quáng của một số người; những người này trước tiên đã ngăn cản ông giảng dạy và sau đó bắt ông khỏi gia đình.

Dù bị cầm tù trong một trại tập trung, nơi là vực thẳm tăm tối và đồi bại nhất của nhân loại, ông vẫn tiếp tục làm thơ cho đến khi qua đời. Tập thơ Taccuino di Bor của ông là tập thơ duy nhất của thời Shoah còn sót lại; nó minh chứng cho sức mạnh của niềm tin vào hơi ấm của tình yêu trong cái lạnh giá của trại tập trung, cũng như cho thấy uy lực chiếu soi của ánh sáng đức tin trước bóng tối của thù hận. Và mặc cho bị trói bởi xiềng xích, mà đối với ông như bị siết chặt tâm hồn, thì Radnóti vẫn có được sự tự do lớn lao để can đảm viết lên: "Là người tù, tôi đã đo lường được mọi hi vọng." (Taccuino di Bor, Thư gửi vợ). Và ông đã đặt một câu hỏi, còn vang vọng đến chúng ta ngày nay: "Còn bạn, bạn đang sống như thế nào? Tiếng nói của bạn có vang lên trong thời hiện tại không?" (Taccuino di Bor, Prima Ecloga). Anh chị em thân mến, tiếng nói của chúng ta không gì khác hơn là làm vang lên Lời mà Trời Cao đã ban cho chúng ta, tiếng vang của hi vọng và hòa bình. Và ngay cả khi không được lắng nghe hoặc bị hiểu lầm, chúng ta cũng không bao giờ phủ nhận chân lý Mặc Khải mà chúng ta là chứng nhân.

Cuối cùng, trong cái quạnh hiu cô độc của trại tập trung, và đang khi nhận ra rằng sự sống dần trở nên héo hắt, Radnóti đã viết: "Chính tôi giờ đây cũng là một rễ cây... Tôi đã từng là hoa, giờ đây tôi đã thành rễ" (Taccuino di Bor, Radice). Cũng thế, chúng ta được kêu gọi để trở nên những gốc rễ. Thông thường chúng ta tìm kiếm hoa trái, kết quả, sự khẳng định. Nhưng Ðấng làm cho Lời của Ngài trổ sinh hoa trái trên đất nhờ những cơn mưa ngọt ngào, cũng làm cho cánh đồng nảy mầm (x. Is 55:10), Ðấng ấy nhắc nhở chúng ta rằng hành trình đức tin ví được như những hạt giống: những hạt giống được biến đổi trở thành những rễ cây thầm lặng, những rễ cây nuôi sống ký ức và làm nảy mầm tương lai. Ðây là điều mà Thiên Chúa của các tổ phụ chúng ta mời gọi chúng ta - như lời một nhà thơ khác đã viết - "Thiên Chúa chờ đợi ở một nơi khác. Ngài chờ đợi ở chốn sâu nhất của mọi sự. Ở bên dưới. Nơi có những cội rễ." (R.M. RILKE, Wladimir, il pittore di nuvole). Người ta vươn tới đỉnh cao chỉ khi đã đào sâu tới tận nguồn cội. Khi biết dìm mình thật sâu trong việc lắng nghe Ðấng Tối Cao và người thân cận, chúng ta sẽ có khả năng giúp cho đồng loại biết chào đón và yêu thương nhau. Khi chúng ta trở nên như cội rễ của hòa bình và như hạt mầm của hiệp nhất, chỉ khi đó chúng ta mới đáng tin cậy trong mắt của thế giới đang hướng nhìn chúng ta với niềm hoài cổ trổ sinh hy vọng.

Cảm ơn anh chị em và cầu chúc một hành trình tốt lành.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page