Hãy suy nghĩ về cách chúng ta sống đức tin
Tiếp kiến chung của Ðức Thánh cha: Hãy suy nghĩ về cách chúng ta sống đức tin.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 01-09-2021) - Lúc 9 giờ sáng, thứ Tư 01 tháng 9 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng 2,500 tín hữu hành hương, tại Ðại Thính đường Phaolô VI, ở nội thành Vatican. Gần bục cao, nơi Ðức Thánh cha và các vị phụ giúp ngồi, có hai hàng các bệnh nhân và những người khuyết tật ngồi trên xe lăn.
Ðây là buổi tiếp kiến chung thứ 26 tính từ đầu năm 2021. Sau khi Ðức Thánh cha làm dấu thánh giá mở đầu, 8 linh mục lần lượt đọc bằng 8 ngôn ngữ khác nhau đoạn thư của thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galát, đoạn 3.
Lắng nghe Lời Chúa
"Hỡi những người Galát khờ khạo, ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày trước mắt? Tôi muốn anh em cho tôi biết điều này thôi: [...] Anh em đã khờ khạo đến độ, sau khi bắt đầu trong Thánh Linh, giờ đây anh em muốn kết thúc trong xác thịt sao?"
Bài huấn giáo
Tiếp đó, Ðức Thánh cha trình bày bài thứ 7 trong loạt bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Bài này có tựa đề là: "Những người Galát khờ khạo ".
Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong các bài giáo lý trước đây, chúng ta đã thấy thánh tông đồ Phaolô tỏ cho các tín hữu Kitô đầu tiên tại Galát thấy thật là nguy hiểm dường nào khi họ bỏ con đường đã khởi sự bằng cách đón nhận Tin mừng. Thực vậy, nguy cơ là rơi vào thái độ vụ hình thức và chối bỏ phẩm giá mới mà họ đã nhận lãnh. Ðoạn thư mà chúng ta vừa nghe khởi đầu phần thứ hai của lá thư. Cho đến nay, thánh Phaolô đã nói về cuộc sống của ngài, hoàn toàn phục vụ việc rao giảng Tin mừng. Nay ngài trực tiếp chất vấn những người Galát: ngài đặt họ trước những chọn lựa họ đã thực hiện và tình trạng hiện nay của họ, có thể làm tiêu tán kinh nghiệm ơn thánh họ đã sống.
Lý do những lời nghiêm khắc của thánh Phaolô
Những lời mà thánh Phaolô nói với người Galát chắc chắn là không có tính cách lịch sự. Trong các thư khác, ta dễ tìm thấy thành ngữ "anh em", hoặc là "anh em rất thân mến", ở đây thì không. Ngài nói một cách tổng quát là "Những người Galát" và hai lần ngài gọi họ là "những người khờ khạo". Thánh nhân làm như thế không phải vì họ thiếu thông minh, nhưng vì, hầu như vô tình họ có nguy cơ đánh mất niềm tin nơi Chúa Kitô mà họ đã đón nhận với tất cả sự hăng say. Họ khờ khạo vì không nhận thấy rằng nguy cơ là đánh mất kho tàng quí giá, vẻ đẹp của sự mới mẻ của Chúa Kitô. Sự kinh ngạc và đau buồn của thánh Tông đồ là điều hiển nhiên. Thánh nhân cảm thấy cay đắng, và kích thích những tín hữu Kitô ấy hãy nhớ lại lần loan báo đầu tiên ngài đã thực hiện, qua đó thánh nhân cống hiến cho họ cơ hội thủ đắc tự do, một điều mà họ không ngờ cho đến bấy giờ.
Chủ đích của thánh Phaolô
Thánh Tông đồ ngỏ lời với những người Galát bằng những câu hỏi, với ý hướng đánh động lương tâm của họ. Ðây là những câu hỏi có tính chất hùng biện, vì người Galát biết rất rõ rằng việc họ đạt được niềm tin nơi Chúa Kitô, là thành quả ơn thánh họ đã nhận lãnh qua sự rao giảng Tin mừng. Lời mà họ đã nghe từ thánh Phaolô qui trọng tâm vào tình thương của Thiên Chúa, được biểu lộ trọn vẹn trong cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô không thể tìm ra kiểu nói nào có sức thuyết phục hơn là thành ngữ mà có lẽ ngài đã nhiều lần lập lại cho họ trong các bài giảng: "Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi. Và cuộc sống này, tôi đang sống trong thân xác, tôi sống trong niềm tin nơi Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương tôi và đã nộp mình vì tôi" (Gl 2,20). Thánh nhân không muốn biết ai khác ngoài Chúa Kitô chịu đóng đanh (Xc 1 Cr 2,2). Những người Galát phải nhìn biến cố ấy, và không để mình bị phân tâm vì những loan báo khác. Tóm lại, ý hướng của thánh Phaolô là dồn các Kitô hữu vào một vị thế để họ nhận thức điều quan trọng ở đây và đừng để mình bị mê hoặc vì những tiếng nói quyến rũ muốn đưa họ tới một thứ đạo đức khác, chỉ dựa trên sự tuân giữ tỉ mỉ các giới luật.
Ý thức của người Galát
Ðàng khác, những người Galát hiểu rõ điều mà thánh Tông đồ ám chỉ. Chắc chắn họ đã cảm nghiệm hoạt động của Chúa Thánh Linh trong các cộng đoàn: cũng như trong các giáo đoàn khác, giữa họ cũng có bác ái và những đoàn sủng khác được biểu lộ. Bị dồn, họ buộc lòng phải trả lời rằng điều mà họ đã sống là kết quả sự mới mẻ của Thánh Linh. Vì thế khởi đầu việc họ đến với đức tin là do sáng kiến của Thiên Chúa, chứ không phải của con người. Chúa Thánh Linh là vị giữ vai chính trong kinh nghiệm của họ; giờ đây đặt Chúa xuống hàng thứ yếu để dành ưu tiên cho những công việc của mình thì thật là điều khờ khạo.
Áp dụng cho chúng ta
Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Qua cách thức đó, thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta hãy suy tư về cách chúng ta sống đức tin. Tình yêu Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại có ở trung tâm cuộc sống hằng ngày của chúng ta như nguồn ơn cứu độ, hoặc chúng ta hài lòng với vài hình thức tôn giáo để làm cho lương tâm chúng ta ngủ yên hàn? Chúng ta có gắn bó với kho tàng quí giá, với vẻ đẹp sự mới mẻ của Chúa Kitô, hay chúng ta ưa chuộng cái gì thu hút chúng ta trong lúc này nhưng rồi chúng ta cho chúng ta trống rỗng trong tâm hồn? Những điều phù du thường xuất hiện trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, nhưng chúng là một ảo tưởng đau buồn, khiến chúng ta sống hời hợt và ngăn cản việc phân định xem đâu là điều thực sự đáng sống. Dầu sao chúng ta hãy duy trì xác tín rằng, cả khi chúng ta bị cám dỗ lìa xa Chúa, Chúa vẫn tiếp tục rộng ban các ơn của Ngài. Ðó là điều thánh Tông đồ lập lại với những người Galát, khi nhắc nhớ họ rằng Chúa Cha "ban dồi dào Thánh Linh và thực hiện những phép lạ giữa chúng ta" (3,5). Thánh nhân dùng thì hiện tại, "đang ban", "đang hành động", chứ không phải ở thì quá khứ. Vì, mặc dù tất cả những khó khăn chúng ta có thể gây ra cho hoạt động của Chúa, Chúa không bỏ rơi chúng ta nhưng vẫn ở với chúng ta trong tình yêu thương xót của Ngài. Vậy chúng ta hãy cầu xin ơn khôn ngoan luôn nhận thức thực tại ấy.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, 8 linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm lược bài giáo lý của Ðức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm và nhắn nhủ của ngài.
Bằng tiếng Pháp, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng: "tháng Chín đánh dấu đầu niên học mới của bao nhiêu sinh viên hoặc học sinh và giáo chức, và nhiều người bắt đầu làm việc lại sau thời gian nghỉ hè. Tôi cầu xin ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Linh được ban cho mỗi người trong anh chị em, để giữa những vất vả và khó khăn, tình yêu thương xót của Thiên Chúa luôn đồng hành với anh chị em."
Khi chào bằng tiếng Ba Lan, Ðức Thánh cha nói: "Xin Chúa Thánh Linh làm cho tâm hồn anh chị em được tràn đầy niềm tin, cậy, mến để trong cuộc sống hằng ngày, anh chị em luôn là những chứng nhân của Chúa Kitô, qua việc chăm chỉ cầu nguyện, qua đời sống bí tích và các công việc từ bi bác ái."
Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các tín hữu thuộc giáo phận Cuneo và Fossano bắc Ý, do Ðức giám mục Piero Delbosco hướng dẫn, nhân dịp công nghị giáo phận. Ngài nói: "Tôi cầu mong công nghị này có thể là một hành trình canh tân tinh thần, trong tình hiệp thông và đồng trách nhiệm."
Ðức Thánh cha cũng chào thăm các nữ tu Thừa Sai Phan Sinh Ngôi Lời Nhập Thể, đang nhóm Tổng tu nghị, và ngài khuyến khích các chị tiếp tục vui mừng theo Chúa Kitô".
Sau cùng, như thường lệ, Ðức Thánh cha nói: "tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn, đồng thời cầu xin Chúa tuôn đổ ân phúc cho họ. Hồng ân khôn tả của Chúa là sức mạnh cứu độ, củng cố và nâng đỡ trong hành trình cuộc sống".
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.