Không phải văn hoá hay điều tốt đẹp
nếu bóc lột lao động
Ðức Thánh Cha Phanxicô: Không phải văn hoá hay điều tốt đẹp nếu bóc lột lao động.
Ngọc Yến
Vatican (Vatican News 12-08-2021) - Ðức Thánh Cha Phanxicô đáp lời nhà văn Maurizio Maggiani, người đã viết thư ngỏ gửi đến ngài nói về thế kỷ XIX, kể lại với sự "xấu hổ" khi phát hiện ra phương pháp phạm tội gây tổn hại cho người nhập cư. Ðức Thánh Cha viết: "Cần phải can đảm từ bỏ những lợi ích được tạo ra từ cơ chế của cái chết. Sẽ không phải là văn hoá hay điều tốt đẹp nếu bóc lột nô lệ lao động".
Nhà văn Maurizio Maggiani đã gửi thư ngỏ cho Ðức Thánh Cha vào 01 tháng 8 năm 2020. Trong thư, ông chia sẻ với Ðức Thánh Cha về sự "xấu hổ" mà ông cảm thấy khi biết về công ty ở Venezia và nhà máy ở Trentino của Ý, đã bóc lột người lao động Pakistan bằng các phương pháp tội phạm đến mức "không thể nói được". Sau những lần nói chuyện, hôm lễ thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá, 09 tháng 8 năm 2021, Ðức Thánh Cha đã chính thức trả lời thư cho nhà văn.
Trong thư, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng, ngày nay, phẩm giá con người đang bị đe dọa. Ðiều này thể hiện rõ đối với lao động nô lệ, do có sự đồng loã của nhiều người. Chúng ta chứng kiến điều này trong thời gian giãn cách xã hội. Trong khi mỗi ngày thức ăn vẫn đến bàn của chúng ta, nhưng đàng sau đó hàng trăm ngàn người lao động không có được quyền này. Theo Ðức Thánh Cha, vết nhơ này trở nên rõ nét hơn khi người lao động bị tổn thương bởi tình trạng bóc lột vẫn hoành hành trong bóng tối.
Ðức Thánh Cha đưa ra giải pháp cho vấn đề này như sau: Giải pháp không phải là ở việc bỏ cuộc. Bởi vì từ bỏ điều tốt đẹp là một sự rút lui bất công. Trước tiên cần phải tố cáo các cơ chế của cái chết, cơ cấu của tội lỗi, và đi xa hơn là viết ra những điều này để đánh thức sự thờ ơ của những người cho rằng việc này không phải của tôi.
Ðiều thứ hai là phải từ bỏ. Từ bỏ vị trí và tiện nghi để nhường chỗ cho những ai không có. Phải bắt đầu "nói không" để có một điều lớn hơn, biết từ chối vì trái lương tâm để thúc đẩy phẩm giá con người.
Trong thư, Ðức Thánh Cha còn nói, ngài yêu mến tiểu thuyết gia người Nga Dostoevskij, "không chỉ vì khả năng đọc sâu sắc tâm hồn con người và vì ý thức tôn giáo của ông, nhưng bởi vì ông đã chọn kể lại cuộc sống của người nghèo, 'bị xỉ nhục và bị xúc phạm'". Vì thế, Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người quan tâm đến những người lao động nô lệ thời nay, những người không được xem là thành phần chính, trái lại tiền bạc và quyền lợi lại được quan tâm hơn. Ngài nhấn mạnh: "Không được để cho thị trường chinh phục văn hoá".