Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Ðau khổ
lo ngại Hồi giáo cực đoan gia tăng ở Afghanistan
Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Ðau khổ lo ngại Hồi giáo cực đoan gia tăng ở Afghanistan.
Ngọc Yến
Kabul (Vatican News 24-08-2021) - Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Ðau khổ (ACS) lo ngại Hồi giáo cực đoan gia tăng ở Afghanistan, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lắng nghe nỗi thống khổ của các nhóm tôn giáo thiểu số ở đất nước vừa vị Taliban tái chiếm.
Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Ðau khổ lo ngại về việc một số quốc gia công nhận chế độ Taliban ở Afghanistan, có thể tạo điều kiện cho sự gia tăng của các nhóm Hồi giáo cực đoan, hiện đang còn nhỏ, nhưng có thể tự tổ chức trở thành một mạng lưới khủng bố như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo.
Ngoài ra, theo Tổ chức thuộc quyền Giáo hoàng, các tương quan giữa chế độ Afghanistan, Pakistan, các tổ chức khủng bố hiện diện ở Palestine và ở tỉnh Idlib của Syria cũng rất đáng lo ngại. Thực tế, ở Afghanistan, mối đe dọa chống lại các quyền cơ bản của con người, bao gồm tự do tôn giáo, không chỉ do Taliban mà còn do Nhà nước Hồi giáo Khorasan gây ra. Trong quá khứ, nhóm cực đoan là những người đứng đầu trong các hành động khủng bố. Vào đầu mùa dịch, ngày 25 tháng 3 năm 2020, họ đã tấn công người thiểu số Sikh ở khu vực Shor Bazar của Kabul, khiến 25 người thiệt mạng và 15 người bị thương.
Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Ðau khổ cho biết thêm, ISIS tiếp tục củng cố, đặc biệt sau khi họ bị đánh bại ở Syria và Iraq, và các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và NATO được bắt đầu. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều người trẻ có trình độ, thuộc tầng lớp trung lưu, và các nhóm thánh chiến chuyên nghiệp đến từ al-Qaeda gia nhập tổ chức này.
Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Ðau khổ kêu gọi cộng đồng quốc tế lắng nghe tiếng nói của nhiều người đang đau khổ, bảo vệ nhân quyền của tất cả công dân Afghanistan, bao gồm cả các Kitô hữu, các tín đồ của đạo Hindu, Baha và Phật giáo. Bởi vì theo Tổ chức, việc tái áp dụng luật Sharia sẽ xóa sổ một số tự do, bao gồm cả tự do tôn giáo, điều trước đó đã phải rất khó khăn mới đạt được. Hậu quả là những ai không theo Hồi giáo sẽ dễ gặp nguy hiểm. Theo Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Ðau khổ, với tình hình này, nếu không có sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, trong tương lai người Hồi giáo Shiite, cộng đoàn Kitô giáo bé nhỏ và tất cả các nhóm tôn giáo thiểu số khác, vốn đã bị đe dọa nghiêm trọng, sẽ phải chịu sự áp bức không thể chịu đựng được. (CSR_5681_2021)