Caritas Thụy Sĩ giúp Libăng tái thiết
các trường học và hỗ trợ các gia đình
Caritas Thụy Sĩ giúp Libăng tái thiết các trường học và hỗ trợ các gia đình.
Ngọc Yến
Beirut (Vatican News 4-08-2021) - Thụy Sĩ phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sĩ trong việc trợ cho Libăng tái thiết 160 trường học và hỗ trợ cho hơn 1,400 gia đình.
Caritas Thụy Sĩ cho biết, vụ nổ ở cảng Beirut ngày 04 tháng 8 năm 2020 đã làm cho 160 trường học bị hư hại hoặc bị phá huỷ hoàn toàn. Thêm vào đó, hậu quả của đại dịch càng làm cho hoạt động trở lại bình thường của các cơ sở giáo dục thêm khó khăn. Vì vậy tổ chức bác ái của Giáo hội Thụy Sĩ cùng với Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sĩ quyết định tài trợ cho Libăng tái thiết các cơ sở giáo dục này.
Cùng với viện trợ tái thiết, Caritas Thụy Sĩ còn cùng với các đối tác địa phương Ana Aqra, Caritas Libăng và Seenaryo tổ chức dạy học trực tuyến cho các em học sinh. Theo tổ chức bác ái, bằng cách này các em có thể tiếp tục theo chương trình học dù các cơ sở giáo dục không thể sử dụng do bị hư hại và do đại dịch phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội.
Ngoài ra còn có một chương trình hỗ trợ học trực tuyến, các khóa học nâng cao kiến thức cho giáo viên và hỗ trợ tâm lý xã hội. Tất cả nhằm đảm bảo cho học sinh khả năng tiếp cận với nền giáo dục chất lượng và hỗ trợ tâm lý xã hội cho những học sinh đang bị tổn thương tâm lý cần phục hồi khẩn cấp.
Caritas cũng hỗ trợ cho những thành phần khác bị ảnh hưởng bởi vụ nổ. Những ảnh hưởng này liên quan đến sức khoẻ tâm thần. Ðến nay, hơn 250 người đã được tiếp cận các liệu pháp và hỗ trợ tâm lý xã hội theo nhu cầu cá nhân. Hơn 200 trẻ em được tham gia chương trình hỗ trợ tâm lý xã hội với các hoạt động vui chơi được thiết kế đặc biệt cho trẻ em. Hơn 1,400 gia đình (hơn 7,000 người) sẽ nhận được tiền cho việc sửa chữa nhà ở, và hơn 450 người sẽ được hỗ trợ tâm lý xã hội.
Caritas Thụy Sĩ nhấn mạnh: "Hơn bao giờ hết, hiện nay viện trợ cho Libăng là điều rất cần thiết vì các nguồn lực đã cạn kiệt từ lâu. Mặc dù hạ tầng cơ sở yếu kém, Libăng đã chào đón hơn 1.5 triệu người tị nạn Syria kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Syria. Hiện nay đất nước này đang trên bờ vực phá sản. Nền kinh tế và cơ sở hạ tầng quá tải một cách vô vọng và căng thẳng nội bộ giữa những người tị nạn và cộng đồng địa phương cũng đang gia tăng. Cuộc sống hàng ngày của người dân được đánh dấu bằng sự gia tăng nghèo đói và thất nghiệp cũng như sự sụt giảm nhanh chóng giá trị của đồng nội tệ". (Sir. 03/8/2021)