Thánh lễ Ngày Thế giới các Ông Bà

và người cao tuổi

 

Thánh lễ Ngày Thế giới các Ông Bà và người cao tuổi.

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 25-07-2021) - Lúc 10 giờ sáng, Chúa nhật 25 tháng 7 năm 2021, tại Ðền thờ thánh Phêrô đã diễn ra thánh lễ trọng thể, nhân Ngày Thế giới các Ông Bà và người cao tuổi, được cử hành lần đầu tiên. Lẽ ra, Ðức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ này, nhưng vì còn ở trong thời gian dưỡng bệnh sau khi được giải phẫu ruột già hôm 4 tháng 7 năm 2021 tại Bệnh viện Gemelli, nên Ðức Thánh cha đã chỉ định Ðức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng, chủ sự thay.

Ðồng tế thánh lễ với Ðức Tổng giám mục tại bàn thờ tuyên xưng đức tin, trên mộ thánh Phêrô có một số chức sắc thuộc Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, đứng đầu là Ðức Hồng y Bộ trưởng Kevin Farrell, 4 giám mục và 27 linh mục.

Hiện diện trong thánh lễ, có hơn 2,000 người từ giáo phận Roma và các hội đoàn dấn thân mục vụ tuổi thứ 3. Phần lớn đây là những người già có các cháu nội ngoại tháp tùng, và đặc biệt có sự hiện diện của hàng trăm người, lần đầu tiên ra khỏi các nhà dưỡng lão, nơi họ sống cách biệt từ hơn một năm nay. Một số ông bà cụ cao niên ngồi trên xe lăn.

Bài giảng

Trong bài giảng, được Ðức Tổng giám mục Fisichella tuyên đọc thay, Ðức Thánh cha đã diễn giải bài Tin mừng của Chúa nhật thứ XVII thường niên năm B, kể lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng để rút ra những bài học cụ thể, qua ba khía cạnh chính: quan tâm nhìn, chia sẻ và gìn giữ.

Chúa nhìn cơ cực của dân

Trước kết là Chúa Giêsu chú ý đến tình trạng dân chúng đang bị đói. Ngài có cái nhìn quan tâm đến những cơ cực, những nhu cầu của chúng ta. Ðức Thánh cha viết:

"Ðó cũng là cái nhìn mà các ông bà và những người già đã từng có đối với cuộc sống của chúng ta. Ðó cũng là cách thức mà các vị, ngay từ thời thơ ấu của chúng ta, chăm sóc chúng ta. Sau một cuộc sống, thường có nhiều hy sinh, các vị không dửng dưng hoặc quá bận rộn để rồi không để ý tới chúng ta. Họ có những đôi mắt chú ý, đầy dịu dàng. Khi chúng ta lớn lên và cảm thấy không được cảm thông hoặc sợ hãi trước những thách đố của cuộc sống, ông bà đã nhận thấy, ý thức những gì đang thay đổi trong tâm hồn chúng ta, những nước mắt âm thần và những giấc mơ chúng ta mang trong lòng. Tất cả chúng ta đã từng ngồi trên đầu gối, trong lòng ông bà, hoặc được ông bà bồng ẵm. Và cũng nhờ tình thương ấy chúng ta trở thành người trưởng thành.

Ðức Thánh cha đặt câu hỏi: "Về phần chúng ta: đâu là cái nhìn của chúng ta đối với các ông bà và người cao tuổi? Ðâu là lần chót chúng ta đã ở cạnh hoặc điện thoại cho một người già để bày tỏ sự gần gũi của chúng ta và để cho những lời của các vị chúc lành cho chúng ta? Tôi đau khổ khi thấy một xã hội đang chạy, bận rộn với công việc và dửng dưng, lo toan về quá nhiều việc và không có khả năng dừng lại để có một cái nhìn, một lời chào, một sự vuốt ve. Tôi sợ một xã hội, trong đó tất cả chúng ta là một đám đông vô danh và chúng ta không còn khả năng ngước mắt nhìn và nhận ra nhau. Các ông bà, đã từng nuôi dưỡng cuộc sống chúng ta, ngày nay đang "đói" chúng ta: đang cần sự quan tâm, sự dịu dàng của chúng ta, cảm thấy chúng ta ở cạnh. Chúng ta hãy ngước mắt nhìn các vị, như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta".

Chia sẻ

Thứ hai là chia sẻ. Ðức Thánh cha nhắc đến sự chia sẻ của thiếu niên, với 5 chiếc bánh và 2 con cá, từ đó Chúa Giêsu nuôi 5.000 người. Ngài viết:

"Ngày nay, Chúa Giêsu cũng cần có một liên minh mới giữa người trẻ và người già, chia sẻ kho tàng chung của cuộc sống, cùng nhau mơ ước, vượt thắng những xung đột giữa các thế hệ, để chuẩn bị tương lai cho tất cả mọi người. Nếu không có liên minh cuộc sống, những giấc mơ và tương lai như thế, chúng ta có nguy cơ chết đói, vì sẽ có sự gia tăng những tương quan bị tan vỡ, những cô đơn, ích kỷ, những sức mạnh làm phân hóa. Nhiều khi, trong các xã hội, chúng ta phó thác cuộc sống cho ý tưởng "mỗi người lo cho mình". Nhưng ý tưởng này giết hại! Tin mừng nhắn nhủ chúng ta hãy chia sẻ cuộc sống và những gì chúng ta có: chỉ như thế chúng ta mới có thể no đủ. Bao nhiêu lần tôi đã nhắc nhớ điều mà ngôn sứ Gioen đã nói (Xc Ge 3,1): những người trẻ và người già cùng với nhau. Những người trẻ, ngôn sứ về tương lai không quên lịch sử xuất thân của mình; những người già, những người mơ ước, nhưng không bao giờ mệt mỏi thông truyền kinh nghiệm cho người trẻ, không chặn đường họ. Người trẻ và người già là kho tàng của truyền thống và là sự tươi mát của Thánh Linh...

Gìn giữ

Sau cùng là gìn giữ. Sau khi dân chúng ăn no nê, Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy thu lượm những gì còn dư thừa, để không gì bị mất đi (Ga 6,12). Ðức Thánh cha viết:

"Tâm hồn Thiên Chúa cũng vậy: không những Chúa ban cho chúng ta nhiều hơn điều chúng ta cần, nhưng còn quan tâm để không gì bị mất đi, dù là một mẩu bánh nhỏ... Ðó là một lời mời gọi ngôn sứ mà hôm nay chúng ta được kêu gọi làm vang vọng trong chúng ta và trên thế giới: hãy thu thập, hãy gìn giữ cẩn thận. Các ông bà và những người già không phải là những gì thừa thãi của cuộc sống, những thứ dư thừa cần vất đi. Họ là những mẩu bánh quí giá còn lại trên bàn ăn cuộc sống của chúng ta, còn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng hương thơm mà chúng ta đã mất, "hương thơm của ký ức". Chúng ta đừng đánh mất ký ức mà những người già là những người đang giữ, vì chúng ta là những người con của lịch sử và nếu không có cội rễ, thì chúng ta sẽ tàn úa. Những người già gìn giữ chúng ta dọc theo hành trình tăng trưởng, giờ đây đến lượt chúng ta gìn giữ cuộc sống của các vị ấy, giúp làm dịu bớt những khó khăn, lắng nghe các nhu cầu của họ, kiến tạo những điều kiện để họ có thể được nhẹ nhàng trong những cơ cực thường ngày và không cảm thấy đơn độc. Chúng ta hãy tự hỏi: "Tôi có viếng thăm ông bà không? Thăm những người già trong gia đình hoặc trong khu xóm của tôi hay không? Tôi có lắng nghe họ, dành một ít thời giờ cho họ hay không? Chúng ta hãy gìn giữ họ để không gì bị mất đi, không gì trong cuộc sống và các giấc mơ của họ...

Và Ðức Thánh cha kết luận rằng: "Anh chị em thân mến, các ông bà và người cao niên là bánh nuôi sống cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy biết ơn vì những cái nhìn quan tâm của họ. Xin anh chị em đừng quên họ. Chúng ta hãy liên minh với họ. Hãy học dừng lại, nhìn nhận và lắng nghe họ. Ðừng bao giờ gạt bỏ họ. Hãy gìn giữ họ trong tình thương. Hãy học cách chia sẻ thời giờ với họ. Từ đó chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn."

Ý nguyện

Trong phần các lời nguyện phổ quát, cộng đoàn đặc biệt cầu xin Chúa "giúp chúng ta quý chuộng và phục vụ những người cao niên và các ông bà: xin cho các trẻ em được các ông bà đồng hành, cho những người trẻ quí chuộng những lời khuyên của các vị, cho những người lớn chăm sóc những mong manh của họ."

Và "xin Chúa đoái thương nhìn đến những người quá cố, đặc biệt tất cả những người cao tuổi chết vì đại dịch: được kinh nguyện của chúng ta nâng đỡ, xin Chúa cho họ được đón nhận trong an bình vĩnh cửu".

Vào cuối thánh lễ, một số người trẻ hiện diện tại Ðền thờ thánh Phêrô đã trao tặng các ông bà hiện diện một bông hoa, với sứ điệp của Ðức Thánh cha nhân Ngày Thế giới đầu tiên về các ông bà và người cao tuổi, với chủ đề: "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page