Phép lạ đích thực là chia sẻ, gia tăng tình thương
Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Phép lạ đích thực là chia sẻ, gia tăng tình thương.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 25-07-2021) - Sau khi tham dự thánh lễ bên trong Ðền thờ thánh Phêrô, do Ðức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng, chủ tế, nhân Ngày Thế giới các Ông Bà và người cao niên lần thứ nhất, sáng Chúa nhật 25 tháng 7 năm 2021, các tín hữu dự lễ tiến ra Quảng trường thánh Phêrô, với hàng ngàn người khác đã tuốn đến đây để cùng tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha, như thói quen vào lúc 12 giờ trưa.
Huấn dụ của Ðức Thánh cha
Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha Phanxicô đã diễn giải ý nghĩa phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng.
Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
"Tin mừng phụng vụ Chúa nhật hôm nay kể lại giai thoại nổi tiếng Chúa hóa bánh và cá ra nhiều, để giải thoát cơn đói cho khoảng 5.000 người đến nghe Ngài (Xc Ga 6,1-15). Thật là hay khi thấy cách thức xảy ra phép lạ này: Chúa Giêsu không tạo nên bánh và cá từ hư vô, nhưng hoạt động từ những gì mà các môn đệ mang đến. Một người trong họ nói: "Ở đây có một thiếu niên có năm chiếc bánh và hai con cá: nhưng số lượng này có thấm gì đối với bao nhiêu người như vậy?" (v.9). Ðó quả là ít, chẳng là gì cả, nhưng đối với Chúa Giêsu, vậy là đủ rồi.
Thái độ sẵn sàng chia sẻ
Giờ đây chúng ta thử đặt mình vào chỗ của thiếu niên ấy. Các môn đệ xin cậu chia sẻ tất cả những gì cậu ta có để ăn. Ðó có vẻ là một đề nghị vô lý. Tại sao lại lấy của một người, nhất là ở đây là một thiếu niên, những gì cậu ta mang theo từ nhà và cậu ấy có quyền giữ lại cho mình? Tại sao lại tước đoạt của một người điều mà, dầu sao đi nữa không đủ để nuôi tất cả mọi người? Nói theo kiểu phàm nhân, đó là điều không hợp lý. Nhưng đối với Chúa thì không. Trái lại, chính nhờ món quà bé nhỏ nhưng không ấy, và vì thế là món quà anh hùng, mà Chúa Giêsu có thể giải cơn đói của tất cả mọi người.
Giá trị của việc nhỏ bé
Thật là một bài học lớn cho chúng ta. Bài học ấy nói với chúng ta rằng Chúa có thể làm được điều vĩ đại với điều ít ỏi mà chúng ta để tùy Ngài sử dụng. Thật là đẹp nếu chúng ta tự hỏi mỗi ngày: "Hôm nay tôi mang gì cho Chúa Giêsu?" Chúa có thể làm rất nhiều với một kinh nguyện, một cử chỉ bác ái của chúng ta đối với người khác, thậm chí với cả sự lầm than của chúng ta được giao phó cho lòng thương xót của Chúa. Thiên Chúa ưa hành động như vậy: làm những điều to lớn đi từ những điều nhỏ bé, nhưng không.
Tiêu chuẩn hành động: cho đi
Tất cả những nhân vật chính trong Kinh thánh - từ Tổ phụ Abraham cho đến Mẹ Maria, cho đến cậu thiếu niên hôm nay - tỏ cho thấy tiêu chuẩn hành động từ bé nhỏ và từ sự trao tặng như thế. Tiêu chuẩn hiến tặng này rất khác với tiêu chuẩn của chúng ta. Chúng ta tìm cách tích trữ và gia tăng những gì chúng ta có; trái lại, Chúa Giêsu yêu cầu cho đi, giảm bớt. Chúng ta thích gia tăng, có thêm; còn Chúa Giêsu thích giảm bớt, lấy một cái gì đó để cho những người khác. Chúng ta muốn gia tăng cho mình; trái lại, Chúa Giêsu đánh giá cao khi chúng ta chia sẻ với những người khác. Thật là điều lạ vì trong các trình thuật về bánh hóa nhiều trong các sách Tin mừng không bao giờ có động từ "gia bội". Trái lại, những động từ diễn tả hành động ngược lại: "bẻ ra", "cho đi", "phân phát" (Xc v.11; Mt 14,19; Mc 6,41; Lc 9,16). Chúa Giêsu nói phép lạ đích thực không phải là sự gia bội, tạo nên sự hãnh diện và quyền hành, nhưng là phân chia, chia sẻ, làm gia tăng tình thương và để Thiên Chúa thực hiện những kỳ công.
Chia sẻ công bằng
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Cả ngày hôm nay, sự gia tăng những của cải không giải quyết các vấn đề nếu không có sự chia sẻ công bằng. Chúng ta nghĩ đến thảm trạng nạn đói, nhất là nơi các trẻ em bé nhỏ nhất. Người ta ước lượng mỗi ngày trên thế giới có khoảng 7.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì những lý do liên quan đến sự suy dinh dưỡng. Ðứng trước gương xấu như thế, Chúa Giêsu cũng gửi đến chúng ta một lời mời gọi tương tự mà có lẽ cậu thiếu niên trong bài Tin mừng đã nhận được, cậu bé không có tên, nhưng nơi cậu ta, chúng ta có thể nhận ra tất cả chúng ta: "Hãy can đảm lên, hãy cho đi điều ít ỏi mà con có, những tài năng và của cải của con, hãy để Chúa Giêsu và các anh em sử dụng. Ðừng sợ, không có gì sẽ bị mất đi, vì nếu con chia sẻ, Thiên Chúa sẽ gia tăng. Hãy xua đuổi sự khiêm tốn giả tạo cảm thấy mình không xứng đáng, hãy tín thác. Hãy tin nơi tình thương, nơi quyền năng của sự phục vụ, nơi sức mạnh của sự nhưng không".
Và Ðức Thánh cha kết luận: "Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Ðấng đã thưa "xin vâng" đối với đề nghị lạ lùng của Thiên Chúa, giúp đỡ chúng con mở rộng tâm hồn đối với những lời mời gọi của Chúa và những nhu cầu của tha nhân".
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Ðức Thánh cha nhắc đến Ngày Thế giới các Ông Bà và người cao niên được cử hành lần đầu tiên. Ngài mời gọi các tín hữu hiện diện vỗ tay chúc mừng các ông bà và người cao tuổi, đồng thời ứng khẩu nói về tầm quan trọng của người già, các ông bà trong tương quan với người trẻ. Ðức Thánh cha khích lệ cử hành ngày này, bằng cách đi thăm các ông bà và người già, là những nhựa sống của lịch sử.
Ðức Thánh cha cũng nhắc đến và cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ trong nạn lụt trầm trọng vì mưa lũ, tại thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou), thuộc tỉnh Hà Nam bên Trung Quốc: lụt nặng nhất từ 60 năm tại đây làm cho nhiều người chết, 8 người mất tích và hơn 200,000 người phải bỏ gia cư đi lánh nạn.
Ðức Thánh cha cũng nói đến Thế vận Olympic lần thứ 32, khai mạc tối hôm 23 tháng 7 năm 2021, tại Tokyo Nhật Bản. Ngài nói: "Trong thời đại dịch này, các cuộc tranh tài thế vận này là một dấu chỉ hy vọng và tình huynh đệ hoàn vũ. Xin Chúa chúc lành cho những người tổ chức, các vận động viên và tất cả những người cộng tác vào lễ hội thể thao này".
Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm mọi người hiện diện và cầu chúc họ một Chúa nhật tốt đẹp, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.