Chúng ta cần thăng tiến

một "nền sinh thái học tâm hồn"

 

Kinh Truyền tin với Ðức Thánh cha: Chúng ta cần thăng tiến một "nền sinh thái học tâm hồn".

G. Trần Ðức Anh, O.P.

Vatican (RVA News 18-07-2021) - Sau 10 ngày ở bệnh viện Gemelli và đọc kinh Truyền tin với các tín hữu tại đó, trưa Chúa nhật 18 tháng 7 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã mở lại buổi đọc kinh truyền thống với các tín hữu, tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô. Hiện diện tại đây, dưới trời nắng, có khoảng 1,000 tín hữu hành hương, nhiều người mang theo cờ quốc gia của họ, như: cờ Ba Lan, Bolivia, Cuba. Cuối buổi đọc kinh, Ðức Thánh cha bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân bị lụt tại Ðức, Bỉ và Hòa Lan, nhân dân Nam Phi và Cuba đang gặp nhiều khó khăn.

Huấn dụ của Ðức Thánh cha

Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Marco, trong Chúa nhật XVI thường niên năm B, kể lại lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các tông đồ hãy nghỉ ngơi một chút tại nơi riêng, sau những vất vả thi hành sứ mạng rao giảng. Nhưng khi dân chúng tìm đến, Chúa lại cảm thương và dạy dỗ họ.

Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa dạy nghỉ ngơi

Thái độ của Chúa Giêsu mà chúng ta quan sát thấy trong bài Tin mừng hôm nay (Mc 6,30-34) giúp chúng ta lãnh hội hai khía cạnh quan trọng trong cuộc sống. Khía cạnh thứ nhất là nghỉ ngơi. Chúa Giêsu dịu dàng nói với các tông đồ vừa trở về sau những vất vả thi hành sứ mạng và họ hăng hái kể lại tất cả những gì họ đã làm, Chúa mời gọi họ: "Các con hãy đi ra một nơi riêng, tại nơi thanh vắng, và hãy nghỉ ngơi một chút" (v.31).

Tránh thái độ duy hoạt động

Làm như thế, Chúa Giêsu ban cho chúng ta một giáo huấn quí giá. Dù Ngài vui mừng khi thấy các môn đệ hạnh phúc vì những thành quả lạ lùng của việc rao giảng, Chúa không dài lời khen ngợi và đặt câu hỏi, nhưng Ngài quan tâm vì sự mệt mỏi thể lý và nội tâm của họ. Chúa muốn cảnh giác họ tránh một nguy hiểm, luôn rình rập cả chúng ta: đó là để cho mình bị sự miệt mài làm việc thu hút, để rồi rơi vào cạm bẫy duy hoạt động, qua đó điều quan trọng là những kết quả chúng ta đạt được và cảm thấy mình tuyệt đối là những người giữ vai chính. Bao nhiêu lần xảy ra điều đó cả trong Giáo hội: chúng ta say mê làm việc, chạy đua, nghĩ rằng tất cả tùy thuộc chúng ta, và sau cùng, chúng ta có nguy cơ chểnh mảng với Chúa Giêsu. Vì thế, Chúa mời gọi các môn đệ hãy nghỉ ngơi một chút tại nơi riêng, cùng với Ngài. Ðó không phải chỉ là nghỉ ngơi thể lý, nhưng cũng là nghỉ ngơi trong tâm hồn. Vì "ngưng việc" mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn cần phải nghỉ ngơi thực sự. Và để làm điều đó, cần trở về với trọng tâm của sự việc: dừng lại, giữ thinh lặng, cầu nguyện, để không đi từ việc chạy đua làm việc tới sự chạy đua nghỉ hè.

Gương Chúa Giêsu

Chúa Giêsu không tránh né các nhu cầu của dân chúng, nhưng mỗi ngày, trước mọi sự khác, Ngài rút lui để cầu nguyện trong thinh lặng, trong sự thân mật với Chúa Cha. Lời mời gọi dịu dàng của Ngài - các con hãy nghỉ ngơi một chút - cũng được gửi đến chúng ta: chúng ta hãy cảnh giác tránh thái độ duy hiệu năng, hãy ngưng cuộc chạy đua miệt mài khiến nó chế ngự chương trình làm việc của chúng ta. Hãy học cách dừng lại, tắt điện thoại để nhìn vào tận đôi mắt của con người, vun trồng sự thinh lặng, chiêm ngắm thiên nhiên, bồi dưỡng bản thân trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa.

Cảm thương

Tuy nhiên, Tin mừng kể rằng Chúa Giêsu và các môn đệ không thể nghỉ ngơi như các vị muốn. Dân chúng tìm được các vị và từ các nơi chạy đến. Khi ấy Chúa động lòng thương. Và đây là khía cạnh thứ hai: lòng cảm thương. Chúa cảm động và Ngài đáp lại dân chúng, tái dạy dỗ họ (Xc vv. 33-34). Dường như có vẻ đó là một sự mâu thuẫn, nhưng trong thực tế không phải như thế. Thực vậy, chỉ có con tim không để cho mình bị sự vội vã nắm bắt mới có khả năng cảm động, nghĩa là không để cho mình bị công việc phải làm nắm bắt, nhưng nhận thấy tha nhân, những vết thương, những nhu cầu của họ. Lòng cảm thương nảy sinh từ sự chiêm niệm. Thực vậy nếu chúng ta học nghỉ ngơi thực sự, chúng ta sẽ có khả năng cảm thương đích thực; nếu chúng ta vun trồng một cái nhìn chiêm niệm, chúng ta sẽ tiếp tục các hoạt động của mình mà không có thái độ chụp lấy, muốn chiếm hữu và tiêu thụ tất cả; nếu chúng ta tiếp tục tiếp xúc với Chúa và không làm cho nội tâm sâu thẳm nhất của chúng ta bị tê liệt, thì những việc phải làm sẽ không thể tước mất hơi thở và ngấu nghiến chúng ta. Chúng ta cần một "nền sinh thái học tâm hồn", gồm nghỉ ngơi, chiêm niệm và cảm thương. Chúng ta hãy tận dụng mùa hè này để làm điều đó!

Và Ðức Thánh cha kết luận: "Giờ đây, chúng ta hãy cầu nguyện với Ðức Mẹ, Người đã vun trồng sự thinh lặng, cầu nguyện và chiêm niệm, và Mẹ luôn có lòng cảm thương, dịu dàng đối với chúng ta, là con cái của Mẹ."

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Ðức Thánh cha bày tỏ tình liên đới với nhân dân Ðức, Bỉ và Hòa Lan bị lụt lội nặng nề trong những ngày qua, vì mưa lũ làm cho khoảng 160 người chết tại Ðức, và 27 người thiệt mạng ở Vương quốc Bỉ, hơn 1,000 người tại Ðức còn bị mất tích, chưa có tin tức, thiệt hại vật chất rất lớn lao. Ðức Thánh cha nói: "Tôi bày tỏ sự gần gũi với nhân dân Ðức, Bỉ và Hòa lan vì thiên tai và lụt lột. Xin Chúa đón nhận những người qua đời và an ủi các thân nhân họ, cũng như nâng đỡ sự dấn thân của tất cả những người đang cứu giúp những người bị thiệt hại nặng nề."

Ðức Thánh cha nhắc đến tình trạng khủng hoảng tại Nam Phi bị xáo trộn từ hơn một tuần nay, với những cuộc nổi loạn, cướp bóc, hôi của, hơn 200 người thiệt mạng và 2,500 người bị bắt, sau những biến động vì cựu tổng thống Jacob Zuma bị bắt vì tội xúc phạm đến công lý. Ðức Thánh cha nói: "Tuần qua, rất tiếc có nhiều tin tức về những vụ bạo động làm cho tình trạng của bao nhiêu anh chị em chúng ta tại Nam Phi, vốn đã gặp khó khăn vì kinh tế và đại dịch, nay càng trầm trọng hơn. Hiệp với các giám mục Nam Phi, tôi tha thiết kêu gọi mọi người liên hệ hữu trách hãy làm việc cho hòa bình và cộng tác với chính quyền để trợ giúp những người túng thiếu. Ước gì mọi người đừng quên ước muốn đã hướng dẫn nhân dân Nam Phi để tái sinh trong hòa hợp giữa tất cả mọi con dân.

Ðức Thánh cha nói thêm rằng: "Tôi cũng gần gũi nhân dân Cuba yêu quí trong những lúc khó khăn hiện nay, đặc biệt các gia đình chịu đau khổ nhiều nhất. Tôi cầu xin Chúa giúp nhân dân Cuba xây dựng, trong hòa bình, đối thoại và liên đới, một xã hội ngày càng công bằng và huynh đệ hơn. Tôi khuyên mọi người Cuba hãy tín thác nơi sự phù trợ của Ðức Mẹ Bác Ái mỏ đồng. Xin Mẹ đồng hành với họ trong hành trình này."

Sau cùng, Ðức Thánh cha chào thăm các bạn trẻ đến từ nhiều giáo xứ ở Ý, đặc biệt là các nữ tập sinh dòng Con Ðức Mẹ Phù Hộ. Ngài cầu chúc mọi người một Chúa nhật tốt đẹp và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page