Hiện tượng Kitô giáo giảm sút tại Ðức
Hiện tượng Kitô giáo giảm sút tại Ðức.
Giuse Trần Ðức Anh, O.P
Limburg (Vatican News 18-07-2021) - Trong hai năm vừa qua, có gần nửa triệu người làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội Công Giáo tại Ðức. Nếu tính từ năm 2011, thì trong 10 năm qua, số tín hữu Công Giáo tại nước này giảm mất 2 triệu 375 ngàn người. Nếu tính tỷ lệ so với dân số toàn quốc, số tín hữu Công Giáo Ðức hiện chiếm 26.7% trong 83 triệu dân. Cùng khoảng thời gian đó, tỷ lệ Tin Lành tại nước này giảm từ 24.3% xuống còn 20% như hiện nay. Những dữ kiện này là đối tượng của những giải thích khác nhau.
Thống kê mới nhất
Hôm 14 tháng 7 năm 2021, Văn phòng Hội Ðồng Giám Mục Ðức và cả các Giáo Hội Tin Lành tại nước này đã công bố một số thống kê, đặc biệt là con số những người làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội liên hệ:
Trong năm 2020, có 221,390 người làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội Công Giáo. Trong năm trước đó (2019), số người Công Giáo ra khỏi Giáo Hội đạt tới mức kỷ lục là gần 273 ngàn tín hữu (272,771) tức là tăng 26% so với năm 2018 trước đó. Một số người cho rằng sở dĩ số người Công Giáo xin ra khỏi Giáo Hội giảm sút là vì tình trạng đại dịch, đi lại khó khăn, nên việc lui tới nhà chức trách để nộp đơn xin ra khỏi Giáo Hội liên hệ bị hạn chế.
Trái với những lời dự đoán
Cũng có người như ông Thomas Sternberg, Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Giáo dân Công Giáo Ðức, tỏ ra ngạc nhiên vì số người Công Giáo xin ra khỏi Giáo Hội ít hơn so với con số ông tưởng nghĩ. Ông vốn xác tín rằng sau khi phúc trình về những vụ lạm dụng tính dục tại tổng giáo phận Koeln, số người Công Giáo xin ra khỏi Giáo Hội sẽ cao hơn nhiều. Ông tin rằng nhiều người Công Giáo thất vọng về Giáo Hội nên sẽ rời bỏ. Trong thực tế tại giáo phận Koeln, số người ra khỏi Giáo Hội trong năm 2020 là 7 ngàn người so với 10 ngàn người trong năm 2019, dù rằng chỉ cần 10 phút liên lạc với cơ quan nhận đơn ra khỏi Giáo Hội là xong việc.
Ðức Cha Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðức
Về phần Ðức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðức, tuyên bố hôm 14 tháng 7 năm 2021 sau khi công bố con số tín hữu Công Giáo rời khỏi Giáo Hội, Ðức Cha tỏ ra bị "sốc" mạnh vì tình trạng đó và nói:
"Tôi cảm thấy thật đau lòng cho các cộng đoàn của chúng ta. Nhiều người đã đánh mất sự tín nhiệm và muốn biểu lộ điều đó bằng cách rời bỏ Giáo Hội. Chúng tôi rất nghiêm túc đón nhận điều đó và chúng tôi phải đối diện với tình trạng này một cách cởi mở và thành thực [...]. Trong số những điều cần làm, trước tiên và trên hết cần phải hoàn toàn làm sáng tỏ những vụ lạm dụng tính dục. Và điều này cũng bao gồm cả vấn đề quyền bính và phân quyền trong Giáo Hội. Tôi rất hy vọng Con đường công nghị có thể góp phần kiến tạo sự tín nhiệm mới mẻ".
Cách đây hơn một năm, ngày 26 tháng 6 năm 2020, sau khi công bố con số kỷ lục gần 273 ngàn tín hữu Công Giáo rời bỏ Giáo Hội, Ðức Cha Baetzing cũng đã tỏ ra lo âu và nói rằng: "Ðứng trước những con số thông kê về tình trạng năm 2019 trên đây, không có gì đẹp để nói. Con số tín hữu xin ra khỏi Giáo Hội Công Giáo chứng tỏ có sự xa lạ gia tăng giữa các phần tử của Giáo Hội và đời sống đức tin. Cả sự suy giảm các giá trị khi lãnh nhận các bí tích chứng tỏ có sự giảm bớt liên hệ với Giáo Hội. Hiển nhiên là có nhiều người không còn cảm thấy được thúc đẩy để sống với Giáo Hội".
Ðức Cha nói thêm rằng: "Giáo Hội phải tự hỏi xem mình còn nói một ngôn ngữ đúng hay không, để tìm đến với con người ngày nay. Và sau khi bị mất uy tín, Giáo Hội phải phục hồi uy tín nhiệm bằng sự minh bạch và ngay chính".
Xác tín nơi Con đường công nghị
Ðức Cha Georg Baetzing cũng như ông Thomas Sternberg là hai người khởi xướng và là Ðồng Chủ tịch Con đường Công nghị, một tiến trình bắt đầu từ năm 2020 và qui tụ 230 đại biểu gồm các Giám Mục, Linh Mục tu sĩ và giáo dân, họp nhau thảo luận, nhắm cải tổ Giáo Hội trong 4 lãnh vực: 1. cách thức thực thi quyền bính trong Giáo Hội, mục đích nhắm tới là dân chủ hóa Giáo Hội; 2. cải tiến luân lý tính dục của Hội Thánh, chấp nhận cả ly dị, tái hôn, quan hệ đồng phái; 3. Ðời sống linh mục, nhắm tới việc bãi bỏ luật độc thân, bị coi là một trong những nguyên nhân khiến giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. 4. Lãnh vực cuối cùng là thăng tiến vai trò phụ nữ trong Giáo Hội, kể cả việc truyền chức thánh.
Những người chủ trương Con đường công nghị xác tín nhờ Con đường này Giáo Hội Công Giáo tại Ðức sẽ phục hồi được uy tín và chấm dứt được hiện tượng tín hữu làm đơn xin rời bỏ Giáo Hội.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã viết lá thư dài ký ngày 29 tháng 6 năm 2019 gửi Cộng đoàn dân Chúa ở Ðức để nhắc nhở rằng việc cải tổ Giáo Hội phải đi từ sự hoán cải bản thân hơn là cải tổ cơ cấu. Cần phục hồi lòng hăng say truyền giáo và đời sống tâm linh hơn là thay đổi các cơ chế bên ngoài. Ngài cũng nhắc nhở Giáo Hội tại Ðức về tầm quan trọng của sự đồng hành với cộng đoàn Giáo Hội hoàn vũ. Nhưng dường như những lời nhắn nhủ của Ðức Thánh Cha ít được các thành viên Con đường Công nghị quan tâm tới.
Nhìn sang Giáo Hội Tin Lành Ðức
Xét cho cùng, 4 diễn đàn của Con đường Công nghị Công Giáo Ðức phản ánh mong ước của nhiều người Công Giáo tại nước này, cả nhiều vị lãnh đạo, muốn đạt được những gì các Giáo Hội Tin Lành ở Ðức vốn có từ lâu: Giáo Hội được tổ chức theo thể thức dân chủ, không có luật độc thân Linh Mục, luân lý tính dục "hợp thời đại", và phụ nữ có thể làm Giám Mục và làm thủ lãnh Giáo Hội.
Nhưng thực tế là số tín hữu Tin Lành Ðức suy giảm mạnh hơn so với Công Giáo. Năm 2011 tại Ðức số tín hữu Tin Lành tương đương với Công Giáo, khoảng 24 triệu rưỡi, nhưng nay chỉ còn 20 triệu 200 ngàn so với 22 triệu 300 ngàn tín hữu Công Giáo.
Từ lâu các vị lãnh đạo Tin Lành Ðức cũng đặt câu hỏi và cho nghiên cứu về lý tại sao con số tín hữu giảm sút như vậy. Nghiên cứu công bố hôm 14 tháng 7 năm 2021 tại thành phố Stuttgart (katholisch.de) về Giáo Hội Tin Lành tại hai bang Wuerttemberg và Westfalen, cho thấy sở dĩ nhiều người Tin Lành quay lưng lại với Giáo Hội là vì họ xa lìa đức tin, họ không còn cảm thấy nhu cầu đức tin nữa, và nguyên do thứ hai là: họ ra khỏi Giáo Hội để khỏi phải đóng thuế cho Giáo Hội: số tiền thế này từ 8 đến 9% số thuế đóng cho Nhà Nước. Nói khác đi, các tín hữu Tin Lành xin ra khỏi Giáo Hội vì niềm tin sa sút và vì thế họ không muốn đóng thuế để duy trì cộng đoàn tín ngưỡng mà họ không cảm thấy hữu ích và cần thiết cho họ.
Vài nhận xét
- Trong số hai giải thích: một của một số vị lãnh đạo Công Giáo Ðức hai là nghiên cứu về Giáo Hội Tin Lành tại bang vừa nói trên, có lẽ lý do được đưa ra trong nghiên cứu này gần với thực tế hơn. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng nếu noi theo đường lối của các Giáo Hội Tin Lành Ðức, thì Công Giáo sẽ tránh được tình trạng nhiều tín hữu rời bỏ Giáo Hội. Ðó là cố tình không nhận thấy các Giáo Hội Tin Lành Ðức ngày càng suy giảm dù các Giáo Hội này có tất cả những gì mà Con đường Công nghị của Công Giáo Ðức đang cố gắng đạt tới.
- Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Ðức KNA hôm 14 tháng 7 năm 2021, Ðức Cha Clemens Pickel, gốc Ðức, hiện là Giám Mục giáo phận Saratov ở miền nam Nga, phê bình Con đường Công nghị đang được Công Giáo Ðức theo đuổi. Ngài nói: "Tôi không tin 4 đề tài lớn của Con đường Công nghị có thể đưa Giáo Hội chúng ta ra khỏi cuộc khủng hoảng... Giống như đối với mỗi cuộc khủng hoảng trong 2,000 năm lịch sử của Giáo Hội, chúng ta cần có những vị thánh mới, yêu thương, có thể cầu nguyện và vui mừng làm điều đó.. Nếu tôi thực sự muốn thành công trong việc tái rao giảng Tin Mừng, thì tôi phải sống làm sao để người ta tin là tôi tin tưởng. Chứng tá bản thân là điều rất quan trọng, quan trọng hơn những chiến lược bị mất hút trong những lý thuyết". (KNA 14/7/2021)