Giờ cầu nguyện đại kết cầu cho Libăng

 

Giờ cầu nguyện đại kết cầu cho Libăng.

Hồng Thủy

Vatican (Vatican News 1-07-2021) - Lúc 6 giờ chiều ngày 1 tháng 7 năm 2021, tại đền thờ thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Phanxicô và các vị lãnh đạo các Giáo hội ở Libăng đã cử hành giờ cầu nguyện đại kết cầu nguyện cho Libăng.

Giờ cầu nguyện bắt đầu với cuộc rước sách Phúc Âm. Tiếp đến là lời khẩn cầu và ngợi khen Chúa Ba Ngôi và sau đó là lời cầu nguyện cầu xin hoà bình.

Phụng vụ Lời Chúa

Phần thứ hai của giờ cầu nguyện là phần phụng vụ Lời Chúa với 3 bài đọc: bài thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Giêrêmia (29,11-14), với những lời của Ðức Chúa: "Ta biết những kế hoạch mà Ta đã dành cho các ngươi - những kế hoạch hoà bình chứ không phải phá huỷ, để ban cho các ngươi một tương lai tràn đầy hy vọng".

Bài đọc thứ hai trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma (12,9-21): "Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa...".

Bài Phúc âm trích từ Tin mừng thánh Luca (6,17-36), với những lời kết thúc: "Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác".

Các ý nguyện

Tiếp đến, các ý nguyện được dâng lên cầu nguyện cho tinh thần liên đới và hoà giải, kiến tạo hoà bình và hoà hợp cho vùng Trung Ðông, các quốc gia và cộng đoàn vốn đang là nạn nhân của bạo lực và xung đột; cầu cho Kitô hữu Libăng xây dựng cộng đoàn sống động và đóng góp cho xã hội. Lời nguyện cũng được dâng lên cầu cho toàn thể nhân loại và các nhu cầu: cho người nghèo, người bệnh, người trẻ và người cao niên, người di dân và tị nạn, người bị bách hại vì tư tưởng và tôn giáo.

Ngọn đèn dấu chỉ ánh sáng hòa bình

Sau lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Ðức Thánh Cha đã mời gọi mọi người đọc kinh Lạy Cha. Ðức Thánh Cha và các vị lãnh đạo thinh lặng cầu xin ơn hoà bình và sau đó các bạn trẻ trao cho mỗi vị một ngọn đèn được thắp sáng như dấu chỉ mong muốn trở thành người mang ánh sáng hoà bình cho thế giới.

Kiên trì cầu nguyện cho Libăng

Trong bài diễn văn trước khi kết thúc giờ cầu nguyện đại kết, trước hết, Ðức Thánh Cha nhắc rằng Ngày cầu nguyện suy tư hôm nay được thúc đẩy bởi quan tâm sâu sắc đối với Libăng - "một quốc gia tôi rất yêu quý và muốn viếng thăm - khi chúng ta thấy nó chìm trong khủng hoảng nghiêm trọng".

Lời cầu khẩn của người phụ nữ thành Tyre và Sidon, "Lạy Thầy xin giúp con", theo Ðức Thánh Cha, cũng là lời khẩn cầu của toàn dân tộc Libăng thất vọng và mỏi mệt, đang cần sự ổn định, hy vọng và hoà bình. Ðức Thánh Cha kêu gọi đừng mỏi mệt cầu xin trời cao ban hoà bình mà con người trên trái đất khó khăn để kiến tạo. "Chúng ta hãy kiên trì dâng lời cầu nguyện cho Trung Ðông, và cho đất nước Libăng thân yêu, một kho tàng văn minh và tâm linh đã tỏa sáng sự khôn ngoan và văn hóa qua nhiều thế kỷ và làm chứng cho một kinh nghiệm chung sống hòa bình..."

Libăng phải là một dự án hoà bình

Nhắc lại lời Chúa phán trong sách ngôn sứ Giêrêmia, "Ta biết những kế hoạch mà Ta đã dành cho các ngươi - những kế hoạch hoà bình chứ không phải phá huỷ", Ðức Thánh Cha khẳng định rằng Libăng phải là một dự án hoà bình. "Ơn gọi của nó là trở thành một vùng đất của lòng khoan dung và đa nguyên, một bến cảng của tình huynh đệ, nơi các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau gặp gỡ, nơi các cộng đồng khác nhau sống cùng nhau, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân của họ."

Kêu gọi công dân, chính trị gia, cộng đồng quốc tế

Từ đó, Ðức Thánh Cha mời gọi người dân Libăng: "Các công dân: Ðừng nản lòng, đừng nhụt chí, hãy tìm trong cội nguồn lịch sử của mình niềm hy vọng về một sự nở hoa mới. Các nhà lãnh đạo chính trị: theo trách nhiệm của mình, mong anh chị em tìm ra những giải pháp cấp bách và lâu dài cho cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị hiện nay; hãy lưu ý rằng không thể có hòa bình nếu không có công lý. Người Libăng yêu quý ở hải ngoại: hãy đặt những nguồn năng lượng và nguồn lực tốt nhất bạn có để phục vụ quê hương của bạn. Các thành viên của cộng đồng quốc tế: thông qua các nỗ lực chung để tạo ra các điều kiện để đất nước này không bị sụp đổ nhưng bắt tay vào con đường phục hồi. Ðiều này sẽ có lợi cho mọi người".

Kêu gọi Kitô hữu

Tiếp đến Ðức Thánh Cha kêu gọi các Kitô hữu canh tân sự dấn thân cùng nhau xây dựng hoà bình. "Kitô hữu chúng ta được kêu gọi trở thành những người gieo hòa bình và xây dựng tình huynh đệ, không nuôi dưỡng những mối hận thù và hối tiếc quá khứ, không trốn tránh trách nhiệm của hiện tại, nhưng thay vào đó hy vọng nhìn vào tương lai. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta con đường duy nhất: con đường hòa bình. Do đó, chúng ta hãy đảm bảo với các anh chị em Hồi giáo và những người thuộc các tôn giáo khác sự cởi mở và sẵn sàng hợp tác cùng nhau trong việc xây dựng tình huynh đệ và thúc đẩy hòa bình."

Quan tâm đến người trẻ

Cuối cùng, nhắc lại việc những người trẻ đã trao cho các vị những ngọn đèn cháy sáng, Ðức Thánh Cha nhận định: "Những người trẻ chính là ngọn đèn cháy sáng vào giờ đen tối. Khuôn mặt của họ phản ánh hy vọng cho tương lai. Chớ gì tiếng nói của họ được lắng nghe và chú ý, vì sự tái sinh của đất nước phụ thuộc vào họ. Mong tất cả chúng ta, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, hãy học cách nhìn vào những hy vọng và ước mơ của những người trẻ. Chúng ta cũng hãy nhìn vào những trẻ nhỏ: chớ gì đôi mắt sáng rực rỡ nhưng lại rưng rưng của các em đánh động lương tâm của chúng ta và hướng dẫn các quyết định của chúng ta." (CSR_4722_2021)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page