Thiên Chúa biến đổi cuộc sống tội lỗi của chúng ta
thành sứ giả loan báo Tin mừng
Ðức Thánh cha: Thiên Chúa biến đổi cuộc sống tội lỗi của chúng ta thành sứ giả loan báo Tin mừng.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 01-07-2021) - Sáng thứ Tư 30 tháng 6 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến hơn 550 tín hữu hành hương, ngồi chật trong khu vực sân thánh Damaso thuộc khuôn viên dinh Tông Tòa. Ðây là buổi tiếp kiến chung thứ 21 tính từ đầu năm 2021.
Lắng nghe Lời Chúa
Buổi buổi tiếp kiến mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa, qua bài đọc ngắn trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galát (1,1.13.15-16). Thánh nhân viết:
"Phaolô, tông đồ không phải bởi loài người cũng chẳng phải nhờ con người, nhưng nhờ Ðức Giêsu Kitô và Thên Chúa là Cha, Ðấng đã cho Con của Người sống lại từ cõi chết [...]. Chắc chắn anh chị em đã nghe nói về cách cư xử của tôi trước kia trong Do thái giáo: tôi đã bách hại dữ tợn Giáo hội của Thiên Chúa và tán phá Hội thánh [...] Nhưng Thiên Chúa, Ðấng đã chọn tôi ngay từ lòng mẹ và kêu gọi tôi bằng ơn thánh của Ngài, đã vui mừng mạc khải trong tôi Con của Ngài để tôi loan báo Chúa giữa muôn dân".
Bài huấn giáo
Tiếp đó, Ðức Thánh cha trình bày bài thứ 2 trong loạt bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Bài này có tựa đề là: "Phaolô tông đồ đích thực".
Ðức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Quan tâm của thánh Phaolô đối với giáo đoàn Galat
Chúng ta dần dần đi sâu vào trong thư gửi tín hữu Galát. Chúng ta đã thấy rằng các tín hữu Kitô tại thành này đụng độ về cách sống đức tin. Thánh Phaolô tông đồ bắt đầu viết thư này của ngài bằng cách nhắc cho họ về những tương quan đã trải qua, sự khó chịu vì xa cách và lòng yêu thương không thay đổi của ngài đối với mỗi người trong họ. Dầu sao ngài không quên nói đến mối quan tâm của ngài mong sao cho các tín hữu Galát đi theo con đường đúng: đó là sự lo lắng của một người cha đã sinh ra các cộng đoàn trong đức tin. Chủ ý của thánh nhân rất rõ ràng: đó là cần tái khẳng định sự mới mẻ của Tin mừng mà các tín hữu Galát đã lãnh nhân từ lời giảng của thánh nhân, để kiến tạo một căn tính đích thực trên đó xây dựng cuộc sống của mình.
Vấn đề cắt bì
Chúng ta thấy ngay rằng thánh Phaolô là người biết rõ về mầu nhiệm Chúa Kitô. Ngay từ đầu thư, ngài không theo những lý luận thấp kém của những kẻ nói xấu ngài. Thánh Tông đồ "bay lên cao và cũng chỉ cho chúng ta cách thức cư xử khi xảy ra những xung đột giữa lòng cộng đoàn. Thực vậy, chỉ vào cuối thư, thánh nhân mới biểu lộ rõ cốt lõi của sự tranh luận được khơi lên, đó là vấn đề cắt bì, theo truyền thống chính yếu của Do thái giáo. Thánh Phaolô chọn con đường đi vào chiều sâu, vì điều hệ trọng tại đây là chân lý Tin mừng và tự do của các Kitô hữu, là thành phần của Tin mừng. Thánh nhân không dừng lại ở bề mặt của các vấn đề, như chúng ta thường bị cám dỗ thi hành để tìm ra ngay một giải pháp tưởng rằng làm cho mọi người đồng ý với một thỏa hiệp. Với Tin mừng không thể làm như thế và thánh Tông đồ đã chọn theo con đường cam go hơn. Thánh nhân viết: "Phải chăng tôi tìm kiếm sự đồng thuận của loài người hay của Thiên Chúa? Hoặc tôi tìm cách làm hài lòng người đời? Giả sử tôi còn tìm cách làm hài lòng con người, thì tôi chẳng phải là người phục vụ Chúa Kitô!". (Gl 1,10).
Phaolô, tông đồ đích thực
Trước tiên, thánh Phaolô cảm thấy nghĩa vụ phải nhắc nhớ cho các tín hữu Galát rằng ngài là một tông đồ đích thực, không phải vì công trạng riêng, nhưng do ơn gọi của Thiên Chúa. Chính ngài kể lại lịch sử ơn gọi và hoán cải của mình, trùng với sự hiện ra của Chúa Kitô Phục Sinh trong hành trình tiến về thành Damasco (Xc Cv 9,1-9). Một điều thật hay, đó là quan sát điều mà thánh nhân khẳng định về cuộc sống của ngài trước biến cố ấy: "Tôi đã bách hại khốc liệt Giáo hội của Thiên Chúa và tàn phá Giáo hội ấy, vượt lên trên phần lớn những người đồng lứa và đồng hương của tôi trong Do thái giáo, tôi đã miệt mài ủng hộ các truyền thống của cha ông" (Gl 1,13-14). Phaolô dám quả quyết rằng ngài vượt lên trên mọi người khác trong Do thái giáo, là một người biệt phái nhiệt thành đích thực, "không có gì đáng trách về sự công chính xuất phát từ việc tuân giữ luật" (Pl 3,6). Hai lần thánh Phaolô nhấn mạnh rằng mình đã là một người bênh vực "các truyền thống của cha ông" và là "một người đầy xác tín trong việc bênh vực lề luật".
Ðề cao lòng thương xót của Thiên Chúa
Một đàng, thánh Phaolô quyết liệt nhấn mạnh rằng mình đã bách hại khốc liệt Giáo hội và đã từng là người "phạm thượng, một người bách hại, một kẻ hung bạo" (1 Tm 1,13); đàng khác, thánh nhân nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mình, Ðấng đã đưa Phaolô đến chỗ sống một sự thay đổi hoàn toàn, như mọi người đều biết. Thánh nhân viết: "Tôi không được các Hội thánh ở miền Giuđêa đích thân biết rằng tôi ở trong Chúa Kitô; họ chỉ nghe nói: "Người trước đây đã bách hại chúng ta, nay đang đi loan báo đức tin mà trước đây người ấy muốn tiêu diệt" (Gl 1,22-33). Phaolô nêu bật sự thật về ơn gọi của ngài qua sự đối nghịch mạnh mẽ trong cuộc sống của ngài: từ người bách hại các tín hữu Kitô, vì họ không tuân giữ các truyền thống và lề luật, nay đã được kêu gọi trở thành tông đồ để loan báo Tin mừng của Chúa Kitô".
Từ người bách hại thành người loan báo
Khi nghĩ lại lịch sử trên đây của bản thân, Phaolô đầy lòng ngưỡng mộ và biết ơn. Giống như thể ngài muốn nói với các tín hữu Galát rằng ngài có thể là mọi sự ngoại trừ là một tông đồ. Phaolô đã được giáo dục ngay từ thời niên thiếu để trở thành một người tuân giữ Lề luật Môisê không có gì sai sót, và những hoàn cảnh đưa ngài đến chỗ bài trừ các môn đệ của Chúa Kitô. Thế nhưng có một cái gì bất ngờ đã xảy ra: Thiên Chúa, với ơn thánh của Ngài, đã tỏ cho Phaolô Con của Ngài đã chết và đã sống lại, để Phaolô trở thành người loan báo về Chúa Con giữa lòng dân ngoại" (Xc Gl 1,15-16).
Áp dụng vào chúng ta
Con đường của Chúa thật là khôn dò! Chúng ta động chạm đến điều đó một cách cụ thể mỗi ngày, nhưng nhất là nếu chúng ta nghĩ lại những lúc Chúa đã kêu gọi chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên rằng thời gian và cách thức Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta: giữ mãi trong tâm trí cuộc gặp gỡ ấy với ơn thánh, khi Thiên Chúa đã thay đổi cuộc sống của chúng ta. Bao nhiêu lần, đứng trước những công trình lo lớn của Chúa, tự nhiên chúng ta đặt câu hỏi: làm sao Thiên Chúa dùng một người tội lỗi, một người mong manh và yếu đuối để thực thi thánh ý Ngài? Thế mà không có gì là tình cờ, vì tất cả đã được chuẩn bị trong ý định của Thiên Chúa. Chính Chúa dệt lên lịch sử của chúng ta, và nếu chúng ta tín thác đáp lại kế hoạch cứu độ của Ngài, thì chúng ta nhận thấy ngay. Ơn gọi luôn bao gồm một sứ mạng chúng ta được kêu gọi thi hành; vì thế chúng ta được yêu cầu nghiêm túc chuẩn bị, với ý thức rằng chính Thiên Chúa sai chúng ta và nâng đỡ chúng ta bằng ơn thánh của Ngài. Chúng ta hãy để cho mình được ý thức này hướng dẫn: vị thế tối thượng của ơn thánh biến đổi cuộc sống và làm cho nó xứng đáng được phục vụ Tin mừng.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, 8 linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm tắt bài giáo lý của Ðức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm của ngài.
Khi chào các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng hôm 29.6, chúng ta đã mừng lễ trọng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ. Là những chứng nhân trung thành của Tin mừng cho đến chết, hai vị la mẫu gương hùng hồn về cách thức ơn thánh của Thiên Chúa có thể hoạt động trong cuộc sống con người và trong lịch sử Giáo hội. Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một kỳ nghỉ mùa hè, trở thành thời gian ưu tiên để tái khám phá sự hiện diện của những kỳ công mà Chúa thực hiện trong đời sống của anh chị em.
Bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha đặc biệt chào các bạn trẻ Tuyên xưng đức tin thuộc các giáo xứ ở Montesolaro, Carimate và Novedrate. Ngài cầu chúc mọi người một mùa hè như cơ hội để đào sâu tương quan với Thiên Chúa và theo Chúa một cách tự do hơn trên con đường các giới răn của Chúa.
"Sau cùng, như thường lệ, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Hôm qua, 29 tháng 6, chúng ta đã mừng lễ trọng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, ước gì mẫu gương và là sự bảo vệ liên lỷ của hai vị cột trụ này của Giáo hội nâng đỡ mỗi người anh chị em trong nỗ lực theo Chúa Kitô."