Ðức Hồng y Parolin trả lời phản ứng từ phía Italia
Ðức Hồng y Parolin trả lời phản ứng từ phía Italia.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 25-06-2021) - Ðức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tái bày tỏ lo ngại về dự luật Zan của Italia và trả lời cho một số phản ứng và bình luận sai trệch trong dư luận về yêu cầu của Tòa Thánh.
Ðối tượng tranh luận ở đây là dự luật do đại biểu quốc hội Alessandro Zan, thuộc đảng dân chủ theo phe tả đệ trình, nhắm trừng phạt những người kỳ thị và oán ghét những người đồng tính luyến ái, đổi giống, lưỡng tính. Dự luật đã được hạ viện Italia thông qua, và hiện đang được thượng viện cứu xét. Trong dự luật, có một số điểm có thể bị giải thích theo chiều hướng giới hạn tự do được bảo đảm cho Giáo hội Công giáo về vấn đề tổ chức, công khai thi hành việc phụng tự, giáo huấn và thừa tác vụ giám mục, như đã được qui định trong Hiệp định tu chính giữa Italia và Tòa Thánh, hồi năm 1984. Vì thế, trong công hàm ngoại giao trao cho đại sứ quán Italia cạnh Tòa Thánh, hôm 17 tháng 6 năm 2021, Tòa Thánh thỉnh cầu cứu xét những vấn đề có thể vi phạm quyền tự do của tín hữu Công giáo nói riêng và mọi người dân nói chung.
Công hàm này là trao đổi nội bộ giữa hai bên, không phải để công bố, nhưng lại được phía Italia phổ biến khiến cho dư luận cho rằng Tòa Thánh muốn ngăn chặn một dự luật đang được quốc hội Italia bàn thảo. Trong buổi tường trình tại quốc hội, chiều ngày 23 tháng 6 năm 2021, thủ tướng Mario Draghi nói rằng Italia là một quốc gia đời chứ không phải là tôn giáo và quốc hội có quyền tối thượng.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ðài Vatican chiều ngày 24 tháng 6 năm 2021, sau khi từ Mêhicô trở về, Ðức Hồng y Parolin cho biết chính ngài phê chuẩn công hàm gửi đại sứ quán Italia trong tinh thần cộng tác và thân hữu, muốn góp ý trước khi quá trễ về một số điểm trong dự luật Zan, có những định nghĩa mơ hồ và không chắc chắn, và có thể đưa đến những vụ truy tố theo pháp luật. Ví dụ, chỉ cần một người phủ nhận sự khác biệt giữa người nam và người nữ cũng có thể bị truy tố trước pháp luật. Sự việc này sẽ dẫn đến những hậu quả mâu thuẫn, vì thế theo Tòa Thánh, đó là những điều cần tránh.
Mặt khác, Ðức Hồng y Quốc vụ khanh tuyên bố hoàn toàn đồng ý: Italia là một quốc gia đời chứ không phải tôn giáo và quốc hội có chủ quyền, nhưng Ðức Hồng y cũng ghi nhận những tương quan giữa dự luật và Hiệp định Italia đã ký kết với Tòa Thánh, ít được để ý đến trong các cuộc thảo luận về dự luật Zan.
Ðức Hồng y Parolin cho biết Tòa Thánh phải lên tiếng bây giờ về những điểm mơ hồ trong dự luật, có liên hệ tới Hiệp định giữa Tòa Thánh và Italia, trước khi quá trễ, chẳng vậy mai mốt Tòa Thánh sẽ bị cáo buộc là im lặng, nhất là khi những vấn đề đó là đối tượng của một hiệp định giữa hai bên.
Ðức Hồng y Quốc vụ khanh khẳng định rằng Tòa Thánh không hề có ý ngăn chặn một dự luật nhưng chỉ có ý giúp làm sáng tỏ vấn đề, xác định minh bạch, nhất là trong những gì có liên hệ tới hình luật. Ðức Hồng y cũng tuyên bố đồng ý với thủ tướng Draghi của Italia về việc tôn trọng các nguyên tắc hiến pháp và những cam kết quốc tế cần phải tuân giữ. Trong lãnh vực này, có nguyên tắc cơ bản là "cần phải tuân giữ các hiệp định đã ký kết" (Pacta sunt servanda).
(Vatican News 24-6-2021)