Loan báo Tin mừng đòi chúng ta
phải theo những hướng đi bất ngờ
Ðức Thánh cha: Loan báo Tin mừng đòi chúng ta phải theo những hướng đi bất ngờ.
G. Trần Ðức Anh, O.P.
Vatican (RVA News 23-06-2021) - Lúc 9 giờ 40 phút, sáng thứ Tư 23 tháng 6 năm 2021, Ðức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến hơn 550 tín hữu hành hương, ngồi chật trong khu vực sân thánh Damaso thuộc khuôn viên dinh Tông Tòa. Ðây là buổi tiếp kiến chung thứ 20 tính từ đầu năm 2021. Có những người đến khu vực tiếp kiến này từ lúc 7 giờ sáng, để được chỗ dọc theo các lối đi, với hy vọng được đích thân chào thăm Ðức Thánh cha. Lần này, ngài đến sớm 40 phút trước khi bắt đầu buổi tiếp kiến để gặp gỡ và chào thăm các tín hữu. Nhiều người xin chữ ký của ngài để lưu niệm.
Lắng nghe Lời Chúa
Buổi tiếp kiến mở đầu với phần lắng nghe Lời Chúa qua bài đọc ngắn trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Galát (1,2-5). Thánh nhân viết:
"Mến gửi Hội thánh miền Galát: ân sủng cho anh em và bình an từ Thiên Chúa là Cha chúng ta và từ Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã hiến mình vì tội lỗi chúng ta để kéo chúng ta khỏi thế giới gian ác này, theo ý Thiên Chúa và là Cha chúng ta, xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen".
Bài huấn giáo
Tiếp đó, Ðức Thánh cha bắt đầu loạt bài giáo lý về thư gửi tín hữu Galát và trong bài thứ nhất, Ðức Thánh cha dẫn vào thư này như sau:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tầm quan trọng của thư gửi tín hữu Galát
Sau một hành trình dài về việc cầu nguyện, hôm nay chúng ta bắt đầu một chu kỳ mới các bài huấn giáo. Tôi muốn suy tư về một số đề tài mà thánh Phaolô tông đồ trình bày trong thư của ngài gửi tín hữu thành Galát. Ðó là một thư rất quan trọng, tôi có thể nói là có tầm quyết định, không những để biết rõ thánh Tông đồ, nhưng nhất là để cứu xét một vài đề tài mà ngài đi sâu vào, trình bày vẻ đẹp của Tin mừng. Trong thư này, thánh Phaolô thuật lại nhiều chi tiết về tiểu sử, giúp chúng ta biết về cuộc hoán cải của thánh nhân và quyết định dành cuộc sống của ngài để phụng sự Chúa Giêsu Kitô. Ngoài ra, thánh Phaolo bàn đến một số đề tài rất quan trọng đối với đức tin, như vấn đề tự do, ân thánh và lối sống của Kitô hữu, là những điều hết sức thời sự vì liên quan đến nhiều khía cạnh của đời sống Giáo hội ngày nay.
Công trình truyền giáo của thánh Phaolô
Nét đầu tiên trỗi vượt trong thư gửi tín hữu Galát là công trình truyền giảng Tin mừng mà thánh Tông đồ thi hành: ngài đã viếng thăm ít nhất là hai lần cộng đoàn thành Galát trong hành trình truyền giáo. Thánh Phaolô ngỏ lời với các Kitô hữu tại thành này. Chúng ta không biết chính xác ngài nói về miền địa lý nào, và cũng không thể quả quyết chắc chắn ngày mà ngài viết thư này. Chúng ta biết rằng những người Galát là một dân tộc Celtique cổ xưa, qua bao nhiêu thăng trầm, đã định cư tại vùng Anatolia rộng lớn, có thủ phủ là thành Ancyra, ngày nay là thành Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ kỳ. Thánh Phaolô chỉ kể rằng vì một cơn bệnh, ngài buộc lòng phải dừng lại ở miền ấy (Xc Gl 4,13). Trái lại, thánh Luca, trong Tông đồ Công vụ, tìm thấy một động lực tinh thần. Thánh sử viết: "họ tiến qua Frigia và miền Galát, vì Chúa Thánh Linh đã ngăn cản họ trong việc công bố Lời Chúa tại tỉnh Asia" (16,6).
Ðức Thánh cha nhận xét rằng: "Hai dữ kiện ấy không mâu thuẫn nhau: đúng hơn chúng chỉ cho chúng ta thấy con đường rao giảng Tin mừng không luôn luôn tùy thuộc ý muốn với những dự phóng của chúng ta, nhưng đòi phải sẵn sàng để cho mình được nhào nặn và đi theo những hành trình không trù định trước. Dầu sao điều mà chúng ta kiểm chứng được đó là trong hoạt động không ngừng loan báo Tin mừng, thánh Tông đồ đã thành lập được nhiều cộng đoàn nhỏ, rải rác trong miền Galát.
Thánh Phaolô ý thức nguy cơ của các cộng đoàn
"Ðiều này khiến chúng ta phải nhận xét rằng quan tâm mục vụ của thánh Phaolô là, sau khi thành lập các cộng đoàn Giáo hội ấy, ngài nhận thấy có một nguy hiểm lớn họ gặp phải trong việc tăng trưởng trong đức tin. Thực vậy, có một số Kitô hữu gốc Do thái giáo, đột nhập, họ tinh quái bắt đầu gieo rắc những lý thuyết trái ngược với giáo huấn của thánh Tông đồ, đến độ đã mạ lỵ chính bản thân của ngài. Như ta thấy, đó là một thói quen cổ xưa, tự giới thiệu mình là những người duy nhất nắm giữ chân lý và nhắm hạ giá, kể cả bằng cách vu khống, công việc của người khác. Những đối thủ ấy của thánh Phaolô cho rằng cả những dân ngoại cũng phải chịu cắt bì và sống theo luật Môisê. Vì thế, những tín hữu Galát phải từ bỏ căn tính văn hóa của họ để tuân theo các qui tắc, luật lệ và phong tục tiêu biểu của người Do thái. Không những thế, các đối thủ ấy còn chủ trương rằng Phaolô không phải là tông đồ đích thực, vì thế không có quyền bính nào để rao giảng Tin mừng.
Tình trạng khủng hoảng của các tín hữu Galát
"Các tín hữu ở Galát lâm vào tình trạng khủng hoảng. Họ phải làm gì đây? Lắng nghe và tuân theo những điều thánh Phaolô đã giảng dạy họ, hay là cho rằng những nhà giảng thuyết mới có lý, những kẻ đã cáo buộc thánh nhân? Thật là dễ tưởng tượng tình trạng hoang mang trong tâm hồn của họ. Ðối với họ, được biết Chúa Giêsu và tin vào công cuộc cứu độ của Chúa, được thực hiện qua cái chết và sự sống lại của Ngài, thực sự là khởi đầu một đời sống mới. Họ đã bắt đầu một hành trình giúp họ được tự do, mặc dù lịch sử của họ đã có bao nhiêu hình thức nô lệ đầy bạo lực, trong đó có nạn nô lệ khiến họ phải tùng phục hoàng đế Roma. Vì thế, đứng trước những phê bình của các nhà giảng thuyết mới, họ cảm thấy lạc hướng và không biết phải cư xử như thế nào và cho ai là có lý. Tóm lại, vấn đề ở đây thật là hệ trọng!
Hoàn cảnh tương tự ngày nay
Ðức Thánh cha nhận định rằng: "Hoàn cảnh vừa nói của các tín hữu Galát cũng không khác kinh nghiệm mà nhiều tín hữu Kitô ngày nay đang trải qua. Thực vậy, ngày nay cũng không thiếu những nhà truyền đạo, nhất là qua các phương tiện truyền thông mới, họ không phải là những người loan báo Tin mừng về Thiên Chúa yêu thương loài người trong Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đanh và sống lại, nhưng quyết liệt khẳng định họ mới thực là những người "gìn giữ chân lý", những người chỉ dẫn cách thức tốt nhất để làm Kitô hữu. Họ mạnh mẽ quả quyết rằng Kitô giáo đích thực là điều mà họ tuân thủ, thường được đồng hóa với một số hình thức quá khứ, và giải pháp cho các cuộc khủng hoảng ngày nay là trở lại đàng sau, để không đánh mất đức tin chân chính. Cả ngày nay, cũng như thời đó, có cám dỗ khép kín mình trong sự chắc chắn đã thủ đắc được trong những truyền thống quá khứ. Tuân theo giáo huấn của Tông đồ Phaolô trong thư gửi tín hữu Galát sẽ làm cho chúng ta hiểu rõ đâu là con đường phải theo. Con đường mà thánh Tông đồ chỉ dẫn là con đường giải thoát và luôn mới mẻ của Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đanh và sống lại; đó là con đường loan báo, được thực hiện qua sự khiêm tốn và trong tình huynh đệ; đó là con đường tín thác hiền lành và vâng phục, trong xác tín Chúa Thánh Linh hoạt động trong mọi thời đại của Giáo hội.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm tắt bài giáo lý của Ðức Thánh cha, kèm theo lời chào thăm của ngài.
Khi chào các tín hữu Ba Lan, Ðức Thánh cha cho biết ngài hiệp ý trong kinh nguyện với những người, hôm thứ Bảy vừa qua, tại Nowa Biala, đã bị hỏa hoạn lớn. Ngài nói: "Cám ơn Chúa không có ai bị thiệt mạng. Chúng ta hãy cầu xin ơn an ủi, sự nâng đỡ và tình liên đới nhân đạo với những người đã bị mất gia cư và tài sản. Tôi cầu chúc anh chị em hiện diện nơi đây và những người thân yêu của anh chị em được một mùa hè thanh thản, trong sự hiện diện của Thiên Chúa, trong Thánh Linh.
Trong lời chào bằng tiếng Ý, Ðức Thánh cha nhắc nhở rằng "ngày mai, 24 tháng 6 là lễ thánh Gioan Tẩy Giả, được Thiên Chúa sai đến để làm chứng tá cho ánh sáng và chuẩn bị cho Chúa một dân tộc sẵn sàng. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, tôi cầu chúc mỗi người trong anh chị em dồi dào ơn thánh, để những quyết tâm quảng đại của anh em chị được củng cố trong sự trung thành với ơn gọi của Chúa.
"Sau cùng, như thường lệ, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Trong khi tôi nhắn nhủ anh chị em canh tân việc làm chứng tá Kitô quảng đại, tôi cầu xin cho mỗi người trong anh chị em luôn được Chúa phù trợ.
Buổi tiếp kiến kết thúc lúc 10 giờ 15, với kinh Lạy Cha và phép lành của Ðức Thánh cha.